Chiến lược của Triều Tiên khi dừng đàm phán hạt nhân

Theo hãng tin Reuters, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn vào ngày 11-12 theo yêu cầu từ phía Mỹ trong bối cảnh lo ngại rằng Triều Tiên có thể nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Trước đó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song hôm 7-12 tuyên bố chấm dứt đàm phán với Mỹ và cáo buộc Tổng thống Donald Trump đang cố tình “câu giờ”. Vài giờ sau đó, Viện Khoa học quốc gia Triều Tiên tiến hành một thử nghiệm “rất quan trọng” tại bãi phóng Sohae mà nước này từng cam kết đã đóng cửa.

Frank Aum, chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng đang gia tăng căng thẳng khi nước này tin Mỹ sẽ không vội vàng ký kết thỏa thuận. Theo đó, Triều Tiên đã quyết định rằng nước này không muốn chơi ván cờ với Mỹ khi mà Washington có được mọi lợi thế, còn Triều Tiên thì không được lợi gì. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sẽ “tự trói tay” nếu tiếp tục thử hạt nhân hoặc thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Mặc dù hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán hồi tháng 10-2019 tại Stockholm (Thụy Điển) song phía Triều Tiên tuyên bố đàm phán này thất bại.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở thủ đô Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2-2019. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở thủ đô Hà Nội (Việt Nam) hồi tháng 2-2019. Ảnh: REUTERS

“Rất có thể căng thẳng Mỹ-Triều sẽ trở nên xấu đi vì không có lối thoát ngoại giao nào mang tính khả thi. Nếu Triều Tiên cảm thấy mệt mỏi với các giải pháp ngoại giao về vấn đề hạt nhân thì nước này khó lòng khởi động lại tiến trình đàm phán cấp chuyên viên” - ông Aum kết luận.

Một số chuyên gia khác cũng đã đưa ra bình luận về hành xử sắp tới của Bình Nhưỡng. Thạc sĩ Đông Á thuộc ĐH Leiden (Hà Lan) Christopher Green khẳng định xung đột đang có chiều hướng quay lại nhưng điều đó phần nào phụ thuộc vào những sự kiện diễn ra từ nay đến cuối năm. Nếu đàm phán Mỹ-Triều có thêm tiến triển nào, Bình Nhưỡng có thể cũng sẽ vẫn tiếp tục gây sức ép buộc Washington nhượng bộ thêm trong thỏa thuận phi hạt nhân.

Trong khi đó, nhà phân tích Jenny Town của đài CNN cho rằng động thái sắp tới của Bình Nhưỡng phụ thuộc vào việc nước này hiểu phản ứng của Bắc Kinh và Moscow ra sao. Cụ thể, liệu Triều Tiên có sẵn sàng kiềm chế để duy trì các thỏa thuận hợp tác với hai cường quốc này hay không.

“Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu diễn ra một sự kiện lớn như thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc thậm chí phóng vệ tinh trước cuối năm nay. Mặt khác, Triều Tiên có nguy cơ mất sự ủng hộ từ TQ và Nga nếu họ đưa ra các biện pháp quá khiêu khích, sẽ không có lợi cho mục tiêu lớn hơn là tiếp tục phát triển kinh tế” - ông Jenny Town nhận định.

PHẠM KỲ

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chien-luoc-cua-trieu-tien-khi-dung-dam-phan-hat-nhan-877321.html