Chiến lược 'Cửa ngõ Toàn cầu' của EU gây thất vọng

Cuộc chạy đua của các chiến lược địa chính trị dựa trên sự phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài là một phần của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc mới.

Cuộc cạnh tranh địa kinh tế là trận chiến toàn cầu mới. Nguồn: blogs.ft

Cái gọi là cuộc cạnh tranh địa kinh tế là trận chiến toàn cầu mới, một cuộc cạnh tranh thông qua thương mại để giành lợi thế về kinh tế trong bối cảnh giao thoa giữa đầu tư và cho vay, cơ hội hợp đồng, chinh phục thị phần toàn cầu rộng lớn hơn và cải thiện các chuỗi cung ứng của chính mình, với mục đích cao cả được tuyên bố là đóng góp cho sự phát triển toàn cầu.

Tuy nhiên, rõ ràng nó còn đi xa hơn thế: như giáo sư Rosy Medcalf - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh Quốc gia (NSC) tại Đại học Quốc gia Australia từng tuyên bố, “các quốc gia đang cạnh tranh để giành lợi thế kinh tế, hay chính xác hơn là bên cạnh cạnh tranh sức mạnh quân sự”.

Trên thực tế, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã chứng minh rằng Trung Quốc tận dụng các khoản đầu tư để thúc đẩy nhiều lợi ích chiến lược của mình trên toàn cầu và để gây ảnh hưởng.

Ngày 12/6/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm G7 lần thứ 46, Mỹ đã công bố chiến lược “Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn” (B3W) “để thảo luận về cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc”.

Ba tháng sau, ngày 15/9/2021, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen trong một bài phát biểu quan trọng đã công bố chiến lược kết nối mới có tên “Cửa ngõ Toàn cầu”, được thông qua ngày 1/12/2021, với những dự định mới nhằm cạnh tranh và làm đối trọng với BRI của Trung Quốc.

Như vậy là gần 10 năm sau khi BRI được triển khai, cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã tuyên bố rõ ràng về giải pháp thay thế trong các dự án cơ sở hạ tầng mở rộng quy mô của mình để đối phó với BRI. Những thách thức này chắc chắn buộc phải phân tích so sánh.

“Cửa ngõ Toàn cầu”, là tên gọi mới của “Chiến lược Toàn cầu” (2016) và “Chiến lược kết nối Á-Âu” (2018) của EU, trở thành một trong những dự án nội khối lớn nhất từ trước đến nay và “huy động” tới 300 tỷ Euro vào năm 2027 từ các quỹ công và tư nhân, nhằm củng cố khả năng phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, Mỹ vào thời điểm đó tuyên bố B3W “sẽ huy động hàng trăm tỷ USD trong những năm tới”.

Và một năm sau khi được công bố, ngày 26/6/2022, chiến lược này được đổi tên thành “Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (PGII) và ấn định thời hạn đến năm 2027 sẽ huy động được tổng số tiền là 600 tỷ USD.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Bordeaux, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ sẽ đóng góp 1/3 số tiền (200 tỷ USD) và phần còn lại được cho là sẽ do các thành viên G7 khác tài trợ, trong đó có 3 nước thuộc EU gồm Đức, Pháp và Italy (EU tham gia với tư cách là thành viên không được liệt kê).

Trong khi đó, Trung Quốc có thể đã cung cấp cho BRI hơn 1.000 tỷ USD trong 10 năm, đồng thời hứa hẹn từ năm nay sẽ tăng tài trợ với số tiền hơn 100 tỷ USD mỗi năm, làm tăng tổng đầu tư lên tới 1.500 tỷ USD vào năm 2027.

Tuy nhiên, sau các tuyên bố kỳ vọng của Mỹ và EU, đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan đến 2 chiến lược mới.

Trên thực tế, Ban điều hành “Cửa ngõ Toàn cầu” đã nhóm họp lần đầu vào ngày 11/12/2022, hơn một năm sau khi chiến lược được công bố.

Tuy không nhận được nhiều sự chú ý của công chúng, nhưng tuyên bố chính thức của cuộc họp cho biết những người tham gia “đã xác định các ưu tiên hoạt động để hợp tác cùng nhau vào năm 2023 nhằm triển khai ‘Cửa ngõ Toàn cầu’ với các đối tác”.

1/6 thời gian để hoàn thành dự án đã trôi qua, nhưng trong một thông cáo báo chí không rõ ràng của EU (dữ liệu thực tế không được liệt kê trên bất kỳ trang web công khai nào, sự thiếu minh bạch bất thường trong một tổ chức quốc tế được sử dụng để tiết lộ thông tin theo thời gian thực), số tiền đóng góp được khai báo cho đến nay là 9 tỷ Euro dưới dạng tài trợ và 7,4 tỷ Euro theo thỏa thuận bảo lãnh EFSD+ được ký vào tháng 5/2022 với Ngân hàng Đầu tư châu Âu, chỉ chiếm 5,5% tổng số tiền được tuyên bố sẽ huy động.

Nói cách khác, khi 16,7% thời gian dự kiến để hoàn thành “Cửa ngõ Toàn cầu” đã trôi qua, số tiền đóng góp là 5,5%, con số thấp đến không ngờ, trong khi đó cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra những nhu cầu cực kỳ cấp bách trong các vấn đề như tiêu thụ năng lượng và tìm nguồn cung ứng và EU có thể sử dụng “Cửa ngõ Toàn cầu” để đảm bảo thêm nguồn cung và giá cả hợp lý.

Mặc dù các tổ chức của EU tuyên bố rằng chiến lược “Cửa ngõ Toàn cầu” “đang được triển khai chắc chắn”, nhưng ở một mức độ nào đó, nếu xem xét sự thỏa hiệp thực sự, số liệu, quy trình và tuyên bố của các bên liên quan, chiến lược này dường như đang thiếu thiếu định hướng chính trị.

Đáng chú ý, trong một tài liệu chính thức với phần Hỏi và Đáp do EC tự chuẩn bị, với câu hỏi liệu “Cửa ngõ Toàn cầu” có phải là một phản ứng đối với BRI của Trung Quốc hay không, EC đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp cần thiết và thay vào đó đề cập đến Mỹ và chiến lược B3W để củng cố lẫn nhau.

Vẫn còn một chặng đường dài để “Con đường Tơ lụa” của EU cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc về phát triển cơ sở hạ tầng. Ảnh: todayonline

Cuối cùng, thật không may, “Cửa ngõ Toàn cầu” chỉ thu hút được sự chú ý của châu Âu vào tháng 11/2022 khi EC tổ chức hội nghị thúc đẩy sáng kiến này, thu được 387.000 Euro trong sự kiện metaverse, được cho là có 5 người tham gia. EC kịch liệt phản đối con số đó, đảm bảo trên thực tế có tới 300 người tham gia sự kiện (nếu đúng thì mỗi người tham dự phải chi 1.300 Euro).

Năm 2019, EU xác định Trung Quốc là “đối tác đàm phán, đối thủ cạnh tranh kinh tế và địch thủ mang tính hệ thống”.

“Cửa ngõ Toàn cầu” nên được coi là sản phẩm nhằm phục vụ công cuộc cạnh tranh, nhưng tiến độ của nó khiến người ta tự hỏi liệu các nhà lãnh đạo châu Âu có đạt được mục tiêu về cạnh tranh toàn cầu và mở rộng cơ sở hạ tầng ra nước ngoài hay không.

Một năm sau khi được kích hoạt, nó không có tầm nhìn cần thiết. “Cửa ngõ Toàn cầu” có được thiết kế quá tham vọng khi xem xét những nỗ lực hiện tại hay không?

Cho đến nay, việc chuyển đổi từ viện trợ phát triển sang đầu tư chiến lược đã thành công chưa?

EU cần chứng minh “Cửa ngõ Toàn cầu” là bước đi đúng đắn, nếu không, họ sẽ phải sửa đổi chiến lược này. Năm 2022 đặc biệt thách thức đối với châu Âu, khi nhiều hoàn cảnh và chính sách đã thay đổi kể từ ngày 24/2/2022, khi Nga xâm lược Ukraine.

Ngân sách và các ưu tiên đã thay đổi ở các nước thành viên và EU, do đó, “Cửa ngõ Toàn cầu” cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Thực sự, vẫn còn một chặng đường dài để “Con đường Tơ lụa” của EU cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc về phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, EU cần tập trung chính xác hơn, thiết kế các dự án đáng tin cậy và thích ứng nhanh hơn với những thay đổi địa chính trị.

EU nên tiếp tục sử dụng thương mại như một công cụ địa chính trị, tận dụng lợi ích kinh tế vào các cơ hội quản lý nhà nước. “Chính trị thực dụng” là cách duy nhất để trở thành một cường quốc địa chính trị lâu dài có ảnh hưởng./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chien-luoc-cua-ngo-toan-cau-cua-eu-gay-that-vong/276251.html