Chiến lược an ninh quốc gia và 'bước ngoặt' của nước Đức

Bối cảnh thế giới biến động mạnh mẽ dẫn đến việc Đức ban bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên từ sau Thế chiến II, trong đó xác định vai trò và trách nhiệm đặc biệt của nước này đối với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trên toàn cầu, gắn chặt trong mối liên hệ với NATO và EU.

Nỗ lực xác lập vị thế toàn cầu

Sau nhiều tháng trì hoãn, giữa tháng 6/2023, Chính phủ Đức ra mắt Chiến lược An ninh quốc gia, được Thủ tướng Olaf Scholz mô tả là "bước ngoặt" trong cách thức Đức giải quyết các vấn đề an ninh, ở thời điểm cấu trúc an ninh của châu Âu xáo trộn đáng kể liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo New York Times, bản chiến lược mới đưa ra các phân tích môi trường an ninh theo cách tiếp cận có hệ thống dựa trên khái niệm rộng hơn về an ninh, còn gọi là "an ninh tích hợp" trong mối liên hệ chặt chẽ đến các chính sách kinh tế, chuỗi cung ứng, chính sách đối ngoại, thay vì chỉ tập trung vào quân sự.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) cùng các thành viên chủ chốt của nội các công bố Chiến lược An ninh quốc gia.

Bản chiến lược xác định Đức là một thành viên tích cực của Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương (gồm các nước thuộc và không thuộc NATO), có lợi ích quốc gia và vai trò quốc tế trong việc duy trì trật tự được xác lập sau Thế chiến II. Nội dung bản chiến lược đã khẳng định: "Là quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất ở trung tâm châu Âu, Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với hòa bình, an ninh, thịnh vượng, ổn định cũng như sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên".

Về nội dung, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức tập trung vào 3 trụ cột chính là năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng/phục hồi và tính bền vững. Trụ cột đầu tiên hướng Đức đến một nền quốc phòng mạnh mẽ với khả năng răn đe. Đức dự kiến tăng chi cho quốc phòng theo mục tiêu của toàn khối NATO là 2% GDP từ năm 2024. Bản chiến lược mới mô tả Đức sẽ đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu, liên kết chặt chẽ với đồng minh trong khối NATO, đồng thời mong muốn cùng các đối tác châu Âu phát triển hơn nữa chính sách an ninh chung, bao gồm các nỗ lực can dự sâu rộng để ổn định tình hình ở các khu vực lân cận lục địa.

Trụ cột khả năng thích ứng/phục hồi trong chiến lược của Đức tập trung vào cải thiện năng lực của nước này và đồng minh trong "bảo vệ các giá trị" kiểu phương Tây, giảm phụ thuộc kinh tế vào các đối thủ, ngăn chặn hành vi tấn công mạng. Tài liệu nhấn mạnh, Đức cần đa dạng hóa nguồn cung đối với các mặt hàng quan trọng, khuyến khích doanh nghiệp nội xây dựng nguồn dự trữ chiến lược. "Trong thế kỷ 21, an ninh có nghĩa là đảm bảo được hệ thống sưởi hoạt động vào mùa đông, có sẵn thuốc cho con em chúng ta tại các nhà thuốc, có nguồn cung vi mạch đáng tin cậy cho điện thoại thông minh và đi làm an toàn vì các chuyến tàu không bị tê liệt bởi các cuộc tấn công mạng", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói. Lấy ví dụ về sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt Nga trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, bà Baerbock phát biểu: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề an ninh khi đưa ra các quyết định về chính sách kinh tế... Chúng tôi đã trả gấp đôi, thậm chí gấp ba lần bằng an ninh quốc gia cho mỗi mét khối khí đốt Nga".

Bên cạnh đó, bản chiến lược cũng nêu rõ, Đức sẵn sàng gánh vác trách nhiệm toàn cầu trong bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và muốn có ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an. Trụ cột thứ ba về tính bền vững nhắc đến cách thức giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và lương thực...

Về Trung Quốc, bản chiến lược mô tả Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh" đang tận dụng sức mạnh kinh tế để đạt được mục tiêu chính trị, nhưng tin rằng, Trung Quốc vẫn là "đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức cấp bách trên toàn cầu", ví dụ biến đổi khí hậu. Đức dự kiến sẽ đề cập chi tiết đến Trung Quốc trong một chiến lược riêng biệt trong tương lai gần. Theo AP, chiến lược an ninh được công bố một tuần trước khi Chính phủ Đức bắt đầu các cuộc đàm phán cấp cao với quan chức Trung Quốc tại Berlin về các vấn đề nhạy cảm.

Còn nhiều điểm cần làm rõ

Chiến lược An ninh quốc gia là tài liệu mà liên minh cầm quyền gồm 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz cam kết soạn thảo khi ông nhậm chức cuối năm 2021 sau nhiều tuần đàm phán thành lập chính phủ. Văn kiện từng được lên kế hoạch công bố dịp diễn ra Hội nghị An ninh Munich tháng 2/2023, song đã không xuất hiện vào thời điểm đó do bất đồng về các nội dung cụ thể trong văn kiện.

Euractive dẫn lời ông Nils Schmid, người phát ngôn của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của Thủ tướng Scholz nhận xét, lần đầu tiên, một chính phủ liên minh đã thành công trong việc đưa ra chính sách đối ngoại đồng nhất, thể hiện nhận thức chính trị mới về cách tiếp cận các mối đe dọa của nước Đức.

Bản chiến lược cho rằng Đức có trách nhiệm đặc biệt với hòa bình và ổn định trên toàn cầu.

Tờ The Diplomat thì đánh giá, chiến lược của Đức xây dựng các chính sách an ninh theo hướng lấy lợi ích cốt lõi của quốc gia làm cơ sở cho các hành động chính trị. Ngoài ra, Đức dường như thừa nhận một thực tế về một trật tự thế giới đa cực đang tồn tại dù tránh gọi tên các cực. Tuy vậy, bản chiến lược dài 76 trang được mô tả là chưa có các nội dung cụ thể về cách thức Berlin hành động ra sao.

Văn kiện cũng không đề cập tới việc thành lập hội đồng an ninh quốc gia, cơ quan cố vấn quan trọng về cách thức ứng phó các vấn đề an ninh chiến lược, giống một số cường quốc phương Tây, bao gồm Anh và Mỹ, như từng đồn đoán.

Trong khi vạch rõ quan điểm về Nga là "mối đe dọa", Trung Quốc vừa là "đối tác" vừa là "đối thủ", bản chiến lược chỉ nhắc rõ tên hai quốc gia bạn bè, một là Pháp - "nước làng giềng có mối quan hệ hữu nghị thân thiết" và Mỹ - đồng minh bên kia Đại Tây Dương có "mối quan hệ và hợp tác chặt chẽ".

Chuyên gia Benjamin Tallis, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) nhận xét, bản chiến lược của Đức không đủ để thuyết phục nhóm các nước khu vực Trung và Đông Âu (CEE) về cam kết dẫn dắt mà Berlin nhấn mạnh trong "thực hiện 'trách nhiệm đặc biệt' của họ với châu Âu trong khuôn khổ NATO". Thông qua chiến lược mới, Đức cam kết tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP, nhưng không có kế hoạch chi tiêu cụ thể nào được đưa ra. Hồi tháng 2/2022, ngay sau khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, Thủ tướng Scholz công bố quỹ trị giá 100 tỷ Euro để tăng cường sức mạnh quân đội, nhưng đến nay vẫn chưa rõ quỹ đó sẽ chi ra sao và liệu nó có liên hệ thế nào với quyết định tăng chi quốc phòng.

"Ở một mức độ nào đó, chiến lược này chưa thể liên kết giữa mục tiêu và phương thức thực hiện bởi vì không đề cập rõ ràng tới các vấn đề ngân sách", chuyên gia Claudia Major tại Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh có trụ sở tại Berlin nói thêm.

Trong bài bình luận gây chú ý được đăng tải trên blog Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London, chuyên gia Lena Schorlemer lại cho rằng, văn kiện cũng đã thiếu sót khi không nhắc tới các vấn đề toàn cầu như cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực hay ngoài không gian. Nội dung về cách thức đảm bảo sức mạnh nền kinh tế Đức thông qua các biện pháp an ninh năng lượng và tài nguyên chưa rõ ràng, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp của Đức nhiều năm phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí giá rẻ từ Nga, còn Trung Quốc là một trong những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất mà không tập đoàn công nghiệp lớn nào của Đức sẵn sàng bỏ qua. Bên cạnh đó, bản Chiến lược An ninh quốc gia mới thiếu chi tiết về việc Berlin sẽ ngăn chặn các mối đe dọa đã xác định ra sao và sẽ phản ứng thế nào trong trường hợp chúng gây tổn hại cho nước Đức.

Lãnh đạo phe đối lập của Đức - ông Friedrich Merz khá gay gắt khi nói chiến lược an ninh mới "có nhiều thiếu sót, không phù hợp về mặt chiến lược" và được soạn thảo mà không tham khảo ý kiến các đồng minh của Đức. "Nó không có giá trị, ý nghĩa. Đó là nỗi buồn lớn", ông Merz chỉ trích.

An Thái

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-va-buoc-ngoat-cua-nuoc-duc-i698178/