Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Ký ức của người trong cuộc. Bài 1: Đạp bằng những 'chướng ngại vật' ở cửa ngõ Đông Nam

48 năm trôi qua, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã lùi dần vào dĩ vãng. Những vùng đất lửa năm xưa, nay đã vươn mình đổi khác. Thế nhưng, trong ký ức của các cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những trận đánh ác liệt ở các cửa ngõ tiến vào Sài Gòn ngay trước ngày toàn thắng vẫn vẹn nguyên, sâu sắc. Để có được thắng lợi vẻ vang ấy là tổng hợp của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, của lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, thống nhất, quyết vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy để giành thắng lợi cuối cùng cho dù có phải hy sinh, mất mát..

Bài 1: Đạp bằng những “chướng ngại vật” ở cửa ngõ Đông Nam

Đồng Nai, cửa ngõ phía Đông Nam TP Hồ Chí Minh, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là vùng chảo lửa với các thành trì của địch, như: Căn cứ Nước Trong, Chi khu quân sự Long Thành, “Cánh cửa thép” Xuân Lộc, Tổng kho Long Bình… Để tiến vào giải phóng Sài Gòn, các đơn vị bộ đội ta đã phải chiến đấu anh dũng, ngoan cường đạp bằng mọi “chướng ngại vật”. Đã có những tổn thất, hy sinh ngay trước ngày toàn thắng…

Tiêu diệt chi khu quân sự Long Thành

Cách đây hơn 5 năm, các CCB Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) gặp mặt tại huyện Long Thành, tổ chức hội thảo đề xuất xây dựng bia tưởng niệm các chiến sĩ của sư đoàn hy sinh trong trận đánh chi khu quân sự Long Thành trước ngày tiến vào nội đô Sài Gòn. Trong cuộc hội thảo ấy, tôi được gặp Thượng úy, CCB Nguyễn Đức Việt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), người trực tiếp chỉ huy đơn vị tiến công giải phóng quận lỵ Long Thành năm 1975. Trong ký ức của ông, đó là trận đánh oanh liệt, ghi dấu ấn của Đoàn Bình Trị Thiên anh hùng.

Các CCB Sư đoàn 325 họp mặt tại Long Thành (Đồng Nai) năm 2017.

CCB Nguyễn Đức Việt kể lại: "Ðúng 17 giờ ngày 26-4, Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Hỏa lực của Sư đoàn 325 bắn mạnh vào chi khu quân sự Long Thành. Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 101 thực hành tiến công địch hơn 1 ngày, chúng chống trả quyết liệt gây cho ta nhiều tổn thất. Thời điểm này, tiểu đoàn tôi đảm nhiệm lực lượng dự bị, sẵn sàng đánh địch trên hướng tiến công chủ yếu nên chưa tham gia chiến đấu.

Rạng sáng 28-4, chỉ huy Trung đoàn 101 quyết định đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu. Tiểu đoàn 2 chính thức đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu, quyết tâm tiêu diệt địch ở chi khu Long Thành trong ngày 28, tiếp tục phát triển đánh địch ở Nhơn Trạch. Nhận nhiệm vụ xong, tôi xác định rõ mục tiêu quan trọng phải tiêu diệt đầu tiên là ổ hỏa lực địch đặt trên tháp nước. Chính ổ hỏa lực đại liên này cản trở bước tiến của bộ đội ta, gây nhiều tổn thất. Tôi thống nhất ý định chiến đấu trong ban chỉ huy, bổ sung nhiệm vụ cho các đại đội. Riêng bộ phận hỏa lực, tôi giao nhiệm vụ phải hạ cho được ổ đề kháng trên tháp nước, tạo thuận lợi cho bộ binh xung phong.

Khoảng 12 giờ trưa, hiệu lệnh tiến công phát ra, sau thời gian pháo bắn chuẩn bị, theo kế hoạch, tôi hạ lệnh nổ súng. Cùng với pháo 100mm trên xe tăng T54 đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của tiểu đoàn bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và khu vực xung quanh. Tiếng đại liên im bặt, địch rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Đại đội 5, Đại đội 7 xung phong đánh chiếm mục tiêu, rồi phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công thẳng vào trung tâm chỉ huy – nhà quận trưởng Long Thành. Bọn địch ở đây quyết tử thủ nên liên tục phản kháng. Trước tình thế bất lợi, tôi lệnh cho Đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận lợi nã đạn vào trung tâm chỉ huy uy hiếp tinh thần và chế áp mục tiêu kiên cố. Bọn địch bên trong hoảng loạn, một số chạy ra ngoài. Các đại đội bộ binh thừa cơ xung phong, nhanh chóng đánh chiếm từng mục tiêu, làm chủ trung tâm chỉ huy của địch".

Căn cứ quân sự năm xưa giờ thành khu công nghiệp quy mô, sầm uất.

Trong khi đó, hướng tiến công của Tiểu đoàn 1 gặp khó khăn. Địch lợi dụng nhà thờ, đưa bà con giáo dân ra cản đường bộ đội. Đại đội 7 được điều sang phối hợp cùng Đại đội 6, bắt liên lạc với Tiểu đoàn 1 phát triển chiến đấu, tiêu diệt địch ở ấp Thái Lạc. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Đức Việt tiếp tục lệnh cho Đại đội 5 và Đại đội hỏa lực cơ động tới ngã ba Phước Thiện phối hợp cùng một bộ phận của Tiểu đoàn 1 và 4 xe tăng thọc sâu đánh địch ở chi khu Nhơn Trạch. Đúng 14 giờ 15 phút ngày 28-4, bộ binh, xe tăng ta đã áp sát chi khu Nhơn Trạch. Các đại đội trong tiểu đoàn cùng xe tăng nhanh chóng triển khai đội hình tiến công. Địch chống cự yếu ớt, sau khoảng 15 phút chiến đấu, những tên ngoan cố đã bị tiêu diệt, phần đông bỏ chạy về hướng Thành Tuy Hạ, Cát Lái. Tiểu đoàn 1 hoàn thành nhiệm vụ, triển khai giữ vững mục tiêu đã chiếm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo…

Xóa sổ căn cứ Nước Trong

Một chiều cuối tháng Tư, những cựu chiến binh Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) hiện đang cư ngụ tại tỉnh Đồng Nai, trở về Long Thành thăm lại chiến trường xưa. Đứng trên cầu Nước Trong, những người lính già một thời trận mạc bồi hồi xúc động…

Cựu chiến binh Đặng Đức Phu (bên phải) cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm một thời lửa đạn.

Ngày ấy, căn cứ Nước Trong là cụm căn cứ quân sự của địch, gồm: Trường thiết giáp, trường bộ binh và trung tâm huấn luyện biệt kích. Tọa lạc trên phạm vi khá rộng, nên căn cứ này trở thành chướng ngại vật nguy hiểm cho quân ta khi tiến về nội đô Sài Gòn từ hướng Đông Nam. Căn cứ bố trí công sự liên hoàn, vững chắc; xung quanh có hào sâu và các bãi mìn chống tăng, lại được sự chi viện hỏa lực của chi khu quân sự Long Thành và trận địa pháo phía bắc sông Buông nên sức kháng cự càng thêm quyết liệt. Bởi vậy, trận đánh căn cứ Nước Trong diễn ra căng thẳng, ác liệt nhất ở cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn.

Theo lời kể của CCB Đặng Đức Phu, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) – đơn vị trực tiếp chiến đấu giải phóng căn cứ Nước Trong: Trung đoàn 9 đảm nhiệm đánh chiếm trường thiết giáp. Đại đội 1 được giao nhiệm vụ thọc sâu, phối hợp cùng đơn vị bạn đánh chiếm mục tiêu. Trận đánh diễn ra quyết liệt, địch chống trả điên cuồng, sư đoàn phải đưa pháo 85mm lên sát hàng rào kết hợp với xe tăng của Lữ đoàn 203 tiêu diệt từng lô cốt, ổ đề kháng của địch. Sau gần hai giờ nổ súng tiến công mãnh liệt, đơn vị đã làm chủ mục tiêu. Nhưng một bộ phận lực lượng quan trọng của địch ở căn cứ Nước Trong rút ra rừng cao su, co cụm chống trả. Chúng gọi pháo binh chi viện, bắn trùm vào trường thiết giáp, hòng tiêu diệt lực lượng ta, đồng thời điều quân từ phía sau lên phản kích. Sư đoàn tức tốc đưa pháo 85mm cơ động lên đông bắc ngã ba Đường 15 (nay là ngã ba Thái Lan), bố trí trận địa bắn chi viện cho bộ binh chiến đấu.

Cầu Nước Trong- nơi căn cứ quân sự năm xưa.

Chiến sự ở khu vực căn cứ Nước Trong tiếp tục diễn ra ác liệt trong ngày 27-4. Địch đã điều 2 thiết đoàn phối hợp phản kích hòng chiếm lại trường thiết giáp khiến cuộc chiến càng thêm khốc liệt. Trung đoàn 9 chuyển sang đánh chặn, giành giật với địch từng khu vực, từng lô cao su, bẻ gãy các đợt phản kích của chúng, đẩy lùi quân địch ra hướng Đường 15. Quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Nước Trong, cơ động tiến ra ngã 3 Thái Lan. Tuy nhiên, địch ở Biên Hòa, tổng kho Long Bình ngăn chặn dữ dội ở khu vực dốc 47, cầu sông Buông. Trung đoàn 9 được lệnh tổ chức mũi đột kích mạnh, có xe tăng, pháo binh yểm trợ chọc thẳng vào tuyến phòng thủ của địch. Chiều 28-4, Trung đoàn 9 cùng Trung đoàn 24 đã đánh bại quân địch, giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong và khu vực ngã 3 Thái Lan, mở đường cho các mũi thọc sâu của quân đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn… Thế nhưng, nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã anh dũng hy sinh…

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 96 đóng quân trên địa bàn một thời là căn cứ Nước Trong khét tiếng.

Nắng phương Nam hôm nay oi ả. Căn cứ Nước Trong giờ đây đổi khác. Ngay tại nơi chiến địa ác liệt năm xưa, Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo binh) đóng quân, xây dựng đơn vị khang trang, sạch đẹp, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Gần đó, một khu công nghiệp sầm uất cũng đang hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai. Một cuộc sống yên bình, tươi đẹp, hạnh phúc, ấm no đã hình thành từ chính mảnh đất hoang tàn, đổ nát, xóa đi dấu vết của cụm quân sự khét tiếng một thời – căn cứ Nước Trong.

(còn nữa)

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-ky-uc-cua-nguoi-trong-cuoc-bai-1-dap-bang-nhung-chuong-ngai-vat-o-cua-ngo-dong-nam-726511