Chiến đấu cơ Nga ồ ạt triệt thoái khỏi Belarus

Sau khi rút 10 chiếc trực thăng quân sự, nay Moscow tiếp tục triệt thoái 9 chiến đấu cơ bao gồm Su-30SM và Su-34 ra khỏi lãnh thổ Belarus trở về Nga.

Hôm 6/8, hàng loạt chiến đấu cơ bao gồm Su-30SM và Su-34 đã được Nga rút ra khỏi Belarus. Tất cả máy bay này đều cất cánh từ sân bay quân sự Baranovichi.

Tổng cộng có 9 chiếc chiến đấu cơ đã cất cánh và bay về biên giới giữa Belarus và Nga.

Các máy bay chiến đấu này đã ở trên lãnh thổ Belarus kể từ ngày 15/1/2023.

Trước đó 10 chiếc trực thăng quân sự bao gồm Mi-8 và Mi-24 thuộc không quân Nga đã cất cánh từ sân bay Machulishchi, Belarus để về Nga.

Hiện chưa rõ động thái triệt thoái hàng loạt vũ khí hạng nặng của không quân Nga từ Belarus để về nước nhầm mục đích gì.

"Thú mỏ vịt" Su-34 là một trong những máy bay được Nga sử dụng với cường độ cao trong chiến dịch quân sự đặc biệt, ngoài ra chúng được triển khai sang Belarus và Syria.

Loại máy bay này thường mang theo tên lửa Kh-29 để tập kích các mục tiêu quan trọng của đối phương.

Su-34 được phát triển từ đầu những năm 1980 dựa trên tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27. Mẫu thử ban đầu được gọi là T-10V (tên chính thức Su-27IB) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 13/4/1990.

Do sự tan rã của Liên Xô đã khiến chương trình bị trì hoãn nhiều lần, và mãi tới giữa những năm 1990, chương trình mới tiếp tục với tên gọi mới Su-34.

Dù vậy, mãi tới thập niên gần đây thì Su-34 bắt đầu dần được trang bị hàng loạt cho Không quân Nga.

Phía nhà sản xuất cho biết Su-34 được trang bị các hệ thống điện tử điều khiển hỏa lực tối tân, với radar Leninets V004 có khả năng xác định rõ mục tiêu mặt đất ở khoảng cách 5 km.

Ngoài ra máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tinh vi, tổ hợp quan sát ảnh nhiệt cùng các màn hình hiển thị đa năng, vì thế Su-34 có khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu mặt đất.

Nga đã đem Su-34 sang Syria tác chiến với cường độ cao để đánh giá hiệu suất thực tế.

Tuy nhiên thực tế chiến trường tại đây cho thấy, radar của Su-34 tối tân nhưng cũng có những "điểm mù".

"Su-34 vấp phải các khó khăn lớn khi tác chiến với địa hình đồi núi và rừng rậm. Radar của Su-34 không thể soi được các mục tiêu trong điều kiện địa hình như vậy và hệ thống quan sát hiển thị ảnh nhiệt cùng các thiết bị khác cũng vấp phải những hạn chế”, một nguồn tin giấu tên trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.

Các nhà quan sát cho rằng, thiết kế của Su-34 tỏ ra quá lạc hậu do kích thước nặng nề và độ cơ động kém hơn so với dòng Su-27.

Ngày nay khi các khí tài trinh sát, cảnh giới, về hệ thống tên lửa phòng không vác vai đã cực kỳ phát triển, việc chế tạo một chiến đấu cơ chuyên thực hiện nhiệm vụ xâm nhập tầm thấp luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cực cao.

Để tránh bị tiêu diệt bởi những loại vũ khí phòng không vác vai, Su-34 buộc lòng phải bay lên cao, khi vượt qua khỏi trần bay 5km, radar của Su-34 sẽ liền mất tác dụng trong việc phát hiện mục tiêu mặt đất.

Trong tác chiến đối không, radar Leninets V004 chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km, thông số này rõ ràng thua xa các loại chiếm ưu thế trên không chuyên nghiệp.

Chưa kể thiết kế vừa cánh đuôi vừa cánh mũi của Su-34 cho độ phản hồi tín hiệu radar quá cao sẽ khiến nó bị thua thiệt rất nhiều, không thể đối đầu sòng phẳng như kỳ vọng.

Không ít nhà phân tích cho rằng không cần có Su-34 vì Su-30SM lẫn Su-35S đều đảm đương tốt vai trò tấn công mặt đất - mặt nước tương tự như Su-34 và vượt trội về khả năng không chiến.

Nhận ra những bất cập của dòng máy bay này, nhà sản xuất đã cải tiến chúng sau kinh nghiệm thực tế tại Syria.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chien-dau-co-nga-o-at-triet-thoai-khoi-belarus-post547997.antd