Chiến công của CANDVT Hồng Quảng trên mặt trận chống gián điệp, biệt kích

Trước những thất bại trên chiến trường miền Nam, Mỹ âm mưu đưa các toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc. Nhưng phần lớn các hoạt động của chúng đều bị ta phát hiện, bắt giữ. Điển hình là vụ của tên gián điệp Phạm Chuyên với biệt danh 'ARES'.

Ban Chuyên án đốt lửa làm ám hiệu, lừa máy bay địch thả bọn gián điệp biệt kích và vũ khí theo kế hoạch của ta. Ảnh: Tư liệu

Ban Chuyên án đốt lửa làm ám hiệu, lừa máy bay địch thả bọn gián điệp biệt kích và vũ khí theo kế hoạch của ta. Ảnh: Tư liệu

Chuyên án mang bí số BK63

Cuối năm 1960, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và tình hình thực tiễn trong nước, Bộ Tư lệnh CANDVT đã điều chỉnh tổ chức lực lượng, bổ sung quân số, vũ khí, trang bị cho các đơn vị, nhất là các đơn vị trên hướng trọng điểm, trong đó có tỉnh Hồng Quảng (sau này sáp nhập với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh). Vừa có nhiều rừng rậm, núi cao, vừa có nhiều cửa sông thuận tiện cho tàu thuyền ra vào nên trước kia, tỉnh Hồng Quảng là một trong những địa bàn thuận lợi cho bọn gián điệp, biệt kích xâm nhập phá hoại bằng đường không và đường biển. Tên Phạm Chuyên, có biệt danh "ARES" là điệp viên đầu tiên xâm nhập bằng đường biển vào địa bàn tỉnh Hồng Quảng. Đây cũng là một trong những điệp vụ thất bại ê chề nhất của cơ quan tình báo Mỹ trong cuộc chiến tranh gián điệp, biệt kích.

Phạm Chuyên sinh năm 1922 tại Tiền An, Yên Hưng, Hồng Quảng, từng hoạt động trong Thanh niên cứu quốc và một số tổ chức của ta. Vào tháng 6/1959, do bất mãn nên Chuyên trốn vào Nam theo địch. Sau đó, Chuyên được tình báo Mỹ chọn để huấn luyện nghiệp vụ tình báo, điện đài và bố trí cho xâm nhập trở lại miền Bắc. Chúng đặt bí danh cho Phạm Chuyên là "Hạ Long", tên liên lạc là "ARES" - nghĩa là động mạch, kênh cung cấp quan trọng.

Sáng ngày 9/4/1961, hai ngư dân xã Tiền An, huyện Yên Hưng đi biển về qua cống Đầm Chùa phát hiện một thuyền nan lạ nên báo với chính quyền xã. Tin này liền sau đó được báo cho CANDVT tỉnh Hồng Quảng. Sau khi nghiên cứu, Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh và Ty Công an tỉnh Hồng Quảng nhận định: Có nhiều khả năng chiếc thuyền này do bọn biệt kích dùng để xâm nhập vào địa bàn của tỉnh. Ban Chỉ huy CANDVT và Ty Công an tỉnh đã thống nhất triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức lực lượng để truy tìm. Các phân đội cơ động của CANDVT tỉnh được điều động đến để truy lùng bọn xâm nhập. Ngày 17/6/1961, đồng chí Nguyễn Văn Tòng, Chỉ huy trưởng CANDVT Hồng Quảng trực tiếp chỉ huy một tổ vũ trang bí mật ập vào bắt gọn Chuyên, thu súng ống, điện đài, cùng nhiều phương tiện hoạt động gián điệp khác.

Trước cơ quan công an, tên Chuyên khai được cấp trên giao nhiệm vụ xâm nhập về để tổ chức xây dựng lực lượng, thành lập tổ tình báo; lập khu an toàn cho bọn tay sai của địch về ẩn náu; xây dựng phát triển cơ sở, nhận tiếp tế bằng đường biển, chuẩn bị cho hoạt động vũ trang ở khu Hồng Quảng. Nhằm phục vụ công tác đánh địch trước mắt và lâu dài, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng an ninh Hồng Quảng khống chế tên Chuyên và lập Chuyên án mang bí số BK63 để đấu tranh với trung tâm tình báo của địch. Ngày 8/8/1961, tại Dốc Đổ, Vàng Danh, Uông Bí, dưới sự giám sát của các chuyên viên điện đài và lãnh đạo Ban Chuyên án, phiên liên lạc đầu tiên của ARES với đài P8M Sài Gòn được thực hiện, mở ra một chiến dịch đấu trí 10 năm sau đó, buộc địch phải bộc lộ âm mưu, ý đồ và phương thức hoạt động. Từ đó, ta đã câu nhử được nhiều toán gián điệp, biệt kích cùng vũ khí, điện đài của địch.

Mốc son thầm lặng của CANDVT

Một trong những thành tích của CANDVT Hồng Quảng khi lập Chuyên án mang bí số BK63 là đã chủ động đón bắt 2 vụ gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy xâm nhập khu vực Hạ Long và nhảy dù xuống khu vực Đèo Vàng, xã Hoàng Quế, huyện Đông Triều.

Cán bộ BĐBP Quảng Ninh tuần tra bảo vệ cột mốc 1378 nơi cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ BĐBP Quảng Ninh tuần tra bảo vệ cột mốc 1378 nơi cửa sông Bắc Luân. Ảnh: Đăng Bảy

Theo đó, từ nguồn tin do tên Chuyên cung cấp, ta biết trước sẽ có toán gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy xâm nhập khu vực Hạ Long. Cho nên đêm 14/1/1962, Phân đội 5 gồm 34 cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Hồng Quảng đi trên 3 thuyền buồm và ca nô, trang bị 4 súng trung liên, 4 súng tiểu liên và một số súng trường, do Trung úy Bùi Đức Ty chỉ huy đã có mặt tại vị trí đón lõng.

Đến nửa đêm 14/1/1962, các lực lượng của Phân đội 5 phát hiện thuyền của địch xuất hiện nên bí mật bám đuổi theo sau. Khi đến bến đầu mối Hang Luồn, thị xã Hồng Gai, thuyền của ta áp mạn xuồng địch, đồng chí Bùi Đức Ty cùng 2 chiến sĩ nhảy sang khống chế, bắt giữ được 10 tên biệt kích. Ngoài ra, còn thu một thuyền gắn máy, một ca nô cao su, nhiều vũ khí, lương thực và thuốc men. Ta tiếp tục sử dụng toán biệt kích này đánh trở lại địch có hiệu quả trong nhiều năm.

Khoảng 22 giờ 20 phút, ngày 4/6/1963, ta phát hiện một máy bay trực thăng bay thấp ở khu vực huyện Đông Triều rồi bay ra biển. Giữa trưa ngày 5/6/1963, một số người dân ở xã Phạm Hồng Thái vào rừng lấy củi phát hiện có nhiều dấu vết lạ, nghi biệt kích đã nhảy dù xuống khu vực núi Yên Tử và đã báo tin cho công an. Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Hồng Quảng đã cử Đại úy Lê Công Đức, Chỉ huy phó cùng 30 chiến sĩ của Trường Hạ sĩ quan CANDVT và 3 cán bộ trinh sát cơ động đến Đèo Vàng phối hợp với lực lượng của Ty Công an, bộ đội địa phương, tự vệ xí nghiệp than Mạo Khê, dân quân các xã Tràng Lương, Bình Khê, các đơn vị tự vệ địa chất, lâm nghiệp và nông trường để tổ chức truy lùng.

Sáng ngày 6/6/1963, CANDVT tỉnh Hồng Quảng điều thêm 2 trung đội cơ động có tổ cảnh khuyển đi cùng. Lực lượng tham gia truy lùng khoảng 400 người, tổ chức bố trí thành các chốt cảnh giới, hình thành thế bao vây khép kín ở khu vực Đèo Vàng, Tràng Lương, Năm Mẫu, Quảng La, Bằng Cả... Đến 15 giờ, ngày 6/6/1963, tại núi Cái Như, ta bắt được tên toán phó và tên phụ trách điện đài. 9 giờ, ngày 7/6/1963, ta bắt tiếp 3 tên (trong đó có tên toán trưởng). Đến 17 giờ cùng ngày, ta phát hiện 1 xác chết trên cây, đây là tên thứ 6 bị chết khi vừa nhảy dù xuống đất. Sau 2 ngày đêm truy lùng, vụ gián điệp, biệt kích ở Đèo Vàng kết thúc. Thắng lợi trên góp phần đưa Chuyên án BK63 tiến triển thành công.

Thắng lợi của Chuyên án BK63 là một mốc son tiêu biểu trong muôn vàn những chiến công thầm lặng của CANDVT và lực lượng CAND. Gần 10 năm đấu tranh, Ban Chuyên án đã 13 lần vượt qua sự kiểm soát an ninh của địch, cung cấp hơn 300 tin giả, câu nhử bắt hàng chục tên gián điệp biệt kích, thu giữ tàu địch và hàng tấn vũ khí, khí tài để kịp thời chuyển vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Hơn thế nữa, ta đã nắm được hầu hết âm mưu cũng như hoạt động đánh phá của giặc Mỹ trong chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc tại vùng Đông Bắc. Từ đó, kịp thời sơ tán nhân dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất do không quân Mỹ gây ra.

Yến Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chien-cong-cua-candvt-hong-quang-tren-mat-tran-chong-gian-diep-biet-kich-post471524.html