Chiêm ngưỡng tượng đài con tàu tập kết ở thành phố biển Sầm Sơn

Tượng đài con tàu tập kết là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam son sắt, thủy chung, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa đang được các đơn vị thi công hoàn thiện.

Tượng đài con tàu tập kết tọa lạc tại phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn đang được các đơn vị thi công hoàn thiện những khâu cuối cùng.

Tượng đài con tàu tập kết nằm trong Dự án “Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc”.

Dự án Khu lưu niệm được khởi công xây dựng tại phường Quảng Tiến với tổng mức đầu tư 254,9 tỉ đồng và được khởi công từ tháng 8-2022.

Các hạng mục chính là tượng đài con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp kết hợp chiếu phim tư liệu và các công trình phụ trợ.

Tượng đài con tàu tập kết có quy mô 3 tầng, mặt bằng hình con tàu. Sau tàu là phù điêu hình cánh cung có tổng chiều dài 62,973m và chiều cao vách 7,639m.

Đây là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam.

Bên cạnh con tàu tập kết là các công trình phụ trợ thuộc dự án “khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc”.

Những tấm phù điêu được làm bằng đá thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình nghĩa ruột thịt Nam-Bắc một nhà. Những tấm phù điêu đang được các thợ đá của tỉnh Bình Định hoàn thiện.

Công trình đang được TP Sầm Sơn chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện trước ngày 30-6-2024.

Những tấm phù điêu lớn đang được các công nhân ở Bình Định dần hoàn thiện.

Con tàu tập kết ra Bắc sẽ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và cũng là địa điểm để du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Theo tìm hiểu của PLO, cách đây 70 năm, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đất nước ta tạm thời chia đôi, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới.

Ở thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa một số lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các lán trại, nhà điều dưỡng, nhà đón tiếp để tiến hành tổ chức trao trả tù binh cho đối phương và đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị địch bắt. Đồng thời đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, thương, bệnh binh, học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc.

Cảng Lạch Hới, Sầm Sơn, Thanh Hóa được chọn làm địa điểm tập kết ra Bắc đầu tiên.

Ở thời điểm đó, chính quyền và người dân thị xã Sầm Sơn đã chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.

Chính sự đón tiếp chu đáo, tận tình, tình cảm của đồng bào Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đã làm ấm lòng những người con miền Nam trên đất Bắc cách đây 70 năm.

Cũng vì lẽ đó con tượng đài con tàu tập kết ra Bắc được khởi công có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết 2 miền Bắc - Nam son sắt, thủy chung.

ĐẶNG TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chiem-nguong-tuong-dai-con-tau-tap-ket-o-thanh-pho-bien-sam-son-post783202.html