Chiêm ngưỡng gốm 'hỏa biến' Mỹ Thiện với họa tiết đắp nổi

Tùy theo nhiệt độ, chất men đặc biệt của gốm Mỹ Thiện thay đổi màu sắc. Cá biệt có những khi sản phẩm 'hỏa biến', màu sắc kỳ ảo, trở thành độc bản, hấp dẫn giới sưu tầm gốm lạ.

Nằm bên dòng sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ra đời cách đây hơn 200 năm. Ảnh: Hà Phương

Trải qua nhiều biến động, làng gốm Mỹ Thiện hiện nay chỉ còn lại một lò gốm duy nhất của vợ chồng nghệ nhân Đặng Văn Trịnh – Phạm Thị Thu Cúc. Ảnh: Hà Phương

Gốm Mỹ Thiện có cốt bằng đất sét. Phần tạo hình gốm do bà Cúc thực hiện. Ảnh: Hà Phương

Ông Trịnh đảm nhận phần trang trí. Các họa tiết được làm thủ công nên không có sản phẩm nào trùng lắp hoàn toàn với nhau. Ảnh: Hà Phương

Theo ông Trịnh, một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc chắn. Lần thứ hai sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Ảnh: Hà Phương

Men đá chính là thứ làm cho gốm Mỹ Thiện có màu sắc sinh động. Công thức làm men là bí quyết gia truyền, được tạo thành từ đá son cùng một số vật liệu khác như vỏ sò, đất trắng... Ảnh: Hà Phương

Khi gốm được phủ men và nung trong lò nhiệt độ sẽ tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Bí quyết và tài hoa của nghệ nhân nung gốm nằm ở khả năng làm chủ nhiệt độ, kết hợp với sự gia giảm trong pha chế để tạo màu men như ý. Ảnh: Hà Phương

Tuy vậy, cá biệt có những khi sản phẩm hỏa biến, màu sắc kỳ ảo, trở thành độc bản, hấp dẫn giới sưu tầm gốm lạ. Ảnh: Hà Phương

Theo ông Lâm Zũ Xênh (Nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật hiện đang sở hữu hơn 200 sản phẩm gốm Mỹ Thiện), dòng gốm này là gốm dân dụng với các sản phẩm chính như chum, ghè, các loại vò, ché, bình vôi, hũ, thạp, ấm trà, bình hoa... Trước kia được đồng bào các tỉnh Tây Nguyên dùng rất phổ biến. Ảnh: Hà Phương

Ông Xênh cũng cho rằng, nếu như các dòng gốm khác, thường hoa văn, họa tiết khắc chìm trên thân sản phẩm, thì hoa văn, họa tiết gốm Mỹ Thiện lại đắp nổi. Ảnh: Hà Phương

"Không những thế, gốm Mỹ Thiện còn có những họa tiết, hoa văn trang trí rất đặc trưng như rồng mắt lồi, chuột, cành trúc, cành tre, vết chân voi dưới chum, ché …nó không giống bất kỳ nơi đâu”, ông Xênh nói. Ảnh: Hà Phương

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề từng một thời nức tiếng, các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã vào cuộc tìm hướng hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh - Phạm Thị Thu Cúc bám giữ nghề. Ảnh: Hà Phương

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chiem-nguong-gom-hoa-bien-my-thien-voi-hoa-tiet-dap-noi.html