Chiêm bái hình ảnh và hiện vật gắn bó với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh: Còn mãi với đời...

'Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương', hoa đàm dẫu rụng hương vẫn còn thơm ngát, ấy là câu nói vẫn thường được nêu lên khi tưởng niệm những bậc kỳ đức trong đạo mà dẫu đã vắng bóng ở đời, công hạnh và giới đức cao dày vẫn còn để lại cho đời sau.

Pháp tướng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) trong không gian triển lãm tưởng niệm tại chùa Vạn Đức

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), còn được hàng hậu học nhắc tới bằng danh xưng “Sư ông Vạn Đức” thân thương nhưng cũng đầy tôn kính, là một vị thầy như thế.

Đã tròn 10 năm kể từ ngày Sư ông Vạn Đức dời chân bước ra ngoài cõi thế. 10 năm, đối với đời người là khoảng thời gian đủ dài để phôi pha đi nhiều điều. Ấy vậy mà, hình ảnh Sư ông Vạn Đức vẫn còn sống động, hiển hiện trong tâm thức của Tăng Ni, Phật tử, của những ai hữu duyên từng được gặp hay nghe những lời dạy sâu sắc nhưng cũng giản dị, thấm đẫm đạo tình của Sư ông.

Xem video

Đối với hàng đệ tử, những lời dạy của Sư ông Vạn Đức vẫn được nhắc nhở hàng ngày, hàng giờ, như tư lương trong hành trang không thể thiếu trên đường tu của mỗi người. Không chỉ có vậy, trong hành trang ấy còn có những hình ảnh, kỷ vật gắn liền với cuộc đời tu tập, hành đạo của Sư ông, được trân trọng gìn giữ như những hoài niệm vô giá, gợi nhớ về bản hoài Tôn sư.

Không gian triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch

Và hôm nay, những hình ảnh, kỷ vật ấy được trưng bày trong không gian triển lãm chùa Vạn Đức, trú xứ gần 70 năm về trước, Sư ông đã về vùng đất Thủ Đức, khi ấy còn là nơi phần nào xa xôi, hoang vu để kiến lập đạo tràng, tạo dựng nên hội Cực lạc Liên hữu, để "từ đây tiếng niệm Phật vang cao, vang xa, không chỉ tại tổ đình Vạn Đức mà khắp cả mọi nơi”.

Mấy mươi năm trôi qua, kể từ thời điểm sáng lập, cái tên Cực lạc Liên hữu dù thi thoảng vẫn được nhắc lại, thế nhưng biến thiên thời thế đã phủ lên một lớp bụi mờ, che đi một tổ chức mà ở thời điểm ra đời, đã tạo nên ảnh hưởng đáng kể trong việc xiển dương Tịnh độ tông mang màu sắc riêng của Phật giáo Việt Nam do Sư ông Vạn Đức dụng công khai mở.

Các bạn trẻ chiêm bái ảnh tư liệu, pháp ngữ và các hiện vật giản dị gắn bó với cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Hôm nay, trong không gian triển lãm, những hình ảnh, ấn phẩm gắn với hội Cực lạc Liên hữu đã được sưu lục, trưng bày để nhắc nhở cho đời về công đức của người xưa.

Bước chân trong không gian vang vọng tiếng niệm Phật, đi qua từng hình ảnh, từng kỷ vật in hằn vết tháng năm, ghi dấu kể từ lúc Sư ông còn là một thanh niên Tăng mang hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, dốc lòng cống hiến vì đạo cho đến ngày trở thành một vị giáo phẩm thạc đức để bốn chúng quy ngưỡng tấn tu, người ta mới có dịp ngưỡng vọng về một cuộc đời, một đạo nghiệp lớn lao.

Những vật dụng dùng để ghi chú và dịch thuật kinh sách mà Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh thường dùng

Cuộc đời và đạo nghiệp lớn lao ấy có thể hình dung phần nào qua 130 hình ảnh, hiện vật và những lời pháp ngữ xếp đặt trong không gian triển lãm ghi lại những dấu ấn tiêu biểu trong suốt 98 năm trụ thế của Sư ông Vạn Đức mà hậu thế “không thể kể lại bằng lời”, như lời Hòa thượng Thích Hoằng Tri, trụ trì chùa Vạn Đức nêu lên trong giờ khai mạc triển lãm.

Và cũng chính vì không thể nêu lại bằng lời, không thể kể bằng con chữ, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hữu hạn, mỗi chúng ta chỉ có thể tự mình trải nghiệm bằng cách tới để mà thấy, nhìn để mà cảm nhận bằng mắt, bằng tai và bằng chính tâm thức của mình.

Từ đó, có thể mỗi người sẽ có cho riêng bản thân thêm tư lương nữa trên con đường tu học trong Chánh pháp vô biên. Và trong mối giao cảm đó, thấp thoáng bóng hình một bậc thầy dẫn đạo, luôn tha thiết với sự tu học của mình, của người, như trong “Lời sau cùng” mà ngài để lại:

Hình ảnh chân dung và giấy tờ tùy thân của Đại lão Hòa thượng

"Chư pháp hữu thân mến! Cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Tôi có ý nguyện nhỏ, dù nhỏ nhưng là từ đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc có tụng có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thiết với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp vỏ cứng của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chân thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại vài dòng này, chính tôi, phải chính tôi, không dám ngửng mặt tự xưng là Tỳ-kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa, nhất tâm sám hối mười phương pháp giới".

Giác Ngộ online giới thiệu những hình ảnh không gian triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức - TP.Thủ Đức:

Không gian trưng bày những hình ảnh sinh hoạt thường nhựt, pháp phục, vật dụng gắn bó với Đại lão Hòa thượng trong nhiều thập kỷ

Đại lão Hòa thượng qua những hình ảnh các công tác Giáo hội

Hình ảnh lưu niệm Đại lão Hòa thượng cùng chư vị lãnh đạo Giáo hội và Chính phủ đương thời

Hình ảnh và những ấn phẩm liên quan đến hội Cực lạc Liên hữu do Đại lão Hòa thượng khai lập vào năm 1955, với mục đích xiển dương pháp môn Tịnh độ ở trong nước lúc bấy giờ

Y, bát của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Giấy tờ tùy thân của Đại lão Hòa thượng trước năm 1975

...sau năm 1975

Y phục, áo hậu - pháp phục

Vật dụng trong những bữa ăn thường nhật

Dụng cụ Đại lão Hòa thượng dùng để bào chế thuốc

Răng và tóc do Nha sĩ Nguyễn Tấn Hòa cùng các vị thị giả lưu giữ trong quá trình chăm sóc sức khỏe Đại lão Hòa thượng

Cặp táp và đôi dép khi đi Phật sự xa

Kính lúp được dùng trong việc tra từ điển

Bút tích của Đại lão Hòa thượng

Mắt kính gắn với người trong nhiều năm tháng

Một vài bộ kinh, sách do Đại lão Hòa thượng dịch thuật và biên soạn

được xuất bản trước đây

Kinh Diệu pháp liên hoa bộ kinh đầu tiên Đại lão Hòa thượng phiên dịch vào năm 1946 được phổ biến rộng khắp trong và ngoài nước

Những tác phẩm gắn liền với Hội Cực lạc Liên hữu

do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh biên soạn, chủ trương

Sổ niệm Phật công cứ là cẩm nang hành trì của những hội viên lúc bấy giờ

Chuỗi tràng hạt và các pháp khí gắn liền với Đại lão Hòa thượng

Trí Tịnh toàn tập do môn đồ pháp quyến của Đại lão Hòa thượng sưu lục

Một lòng thành kính quy ngưỡng bậc Thầy cao cả, vị hành giả một đời xiển dương pháp môn Tịnh độ

Toàn cảnh không gian triển lãm tại Tổ đường chùa Vạn Đức - TP.Thủ Đức

Lương Hoàng - Ảnh: Du Nhiên/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/chiem-bai-hinh-anh-va-hien-vat-gan-bo-voi-dai-lao-hoa-thuong-thich-tri-tinh-con-mai-voi-doi-post71057.html