Chiếc máy điện thanh ghi danh người anh hùng

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang lưu giữ nhiều hiện vật quý về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi hiện vật là một tư liệu gốc, một câu chuyện chân thực, lôi cuốn, xúc động về những con người làm nên chiến thắng. Trong số này có chiếc máy điện thanh gắn liền với tên tuổi của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi, quê ở thị xã Việt Yên (Bắc Giang).

Trong một tác phẩm viết về Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá 4 ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 (từ đêm 30/3 đến 3/4/1954) là "diễn biến chiến đấu hết sức gay go". Thời điểm ấy, ông Chu Văn Mùi là tổ trưởng tổ điện thanh nhận được lệnh về đồi A1 để nối lại đường dây liên lạc với Sở Chỉ huy Trung đoàn 102 (nay là Trung đoàn Thủ đô).

Anh hùng Chu Văn Mùi (bên phải).

Đồi A1 lúc này là "linh hồn" và "trái tim" của Tập đoàn cứ điểm nên địch tập trung nhiều vũ khí, phương tiện tối tân nhất. Để đến được đồi A1, tổ điện thanh đã phải vượt qua bao nguy hiểm, khôn khéo lừa địch, có lúc trườn, bò trên những quãng đường, bãi trống mà địch đã bố trí hỏa lực, sẵn sàng nhả đạn; có lúc lại giả vờ chết chờ lúc ngớt đạn rồi chạy vọt lên. Vừa trườn, bò vừa mang chiếc máy điện thanh nặng 25 kg mà ông bảo: “Tôi phải giữ cẩn thận hơn cả vật báu, vì lúc này máy quý hơn xương máu của mình”.

Đặt chân tới được một góc đồi A1, ông thấy cảnh tượng trước mắt: Người chết, bị thương nằm la liệt. Nhiệm vụ của ông là phải tìm bằng được chỗ đặt máy. Tổ trưởng Chu Văn Mùi và phụ máy Đàm Văn Đức chọn căn hầm bị sập một nửa, tổ chức liên lạc với Trung đoàn 102, cùng với bộ binh chiến đấu bảo vệ trận địa. Lúc này, trên góc đồi Đông Bắc chỉ còn tổ điện thanh 2 người và một số thương binh. Trước mặt chừng trăm mét là xe tăng địch luôn gầm gừ chỉ chực phản kích, đằng sau là hầm thương binh. Nhiều đồng chí chỉ huy bị mất liên lạc, tình thế nguy hiểm, ai sẽ là chỉ huy đánh địch, bảo vệ trận địa, bảo vệ thương binh? Lúc này, anh em đều tín nhiệm bầu ông Mùi là người chỉ huy.

Ông vừa bình tĩnh quan sát để chỉ huy chiến đấu, vừa mở máy điện thanh liên lạc gọi pháo yểm trợ: "Khách hàng đi ngang qua đường vải trắng, yêu cầu nhà phát hành gửi dưa hấu, gửi dưa hấu thật nhiều"; "Khách hàng đã lên đường vải đỏ, có hai con bò húc đổ quán cà phê, yêu cầu chủ cửa hàng gửi gấp bí ngô, bầu, củ ấu"; "Khách hàng đã lên đường...yêu cầu...". Sau những mật hiệu phát ra từ chiếc máy điện thanh do ông Chu Văn Mùi sử dụng, các khẩu pháo của ta lại ầm ầm đổ đạn xuống đầu địch, nhiều cuộc phản kích bị pháo ta chặn lại.

Sau nhiều trận tranh chấp ác liệt, tổ điện thanh bị lọt vào vòng vây địch. Ngay lập tức, ông Mùi và ông Đức vội vàng thu máy, thu pin rút vào đường hào phía trong nhưng vẫn tiếp tục liên lạc với Đại đoàn.

Có một tình huống ông không bao giờ quên. Đó là khi đang làm việc, bộ pin trong máy yếu dần, sóng phát không chuẩn. Ông đã tìm cách tiếp cận chiếc dù của địch. Thật may mắn trong dù có một hộp pin PA 70 (loại pin dùng cho máy BC-1000 mà ông đang sử dụng).

Chiếc máy BC-1000 ông Chu Văn Mùi sử dụng khi chiến đấu ở đồi A1. Ảnh tư liệu.

Khi pin được thay thế, sóng điện phát lên khỏe hẳn, chiếc máy đang giọng ẹt ẹt bất ngờ kêu oang oang, các máy của Đại đoàn đều liên lạc được tín hiệu từ đồi A1. Thế nhưng chính điều đó khiến các đồng chí trong Đại đoàn nghi ngờ rằng “chỉ có máy địch mới có thể phát mạnh được như vậy”. Ngay lập tức, một mệnh lệnh được phát ra: “Tất cả các máy tạm đình chỉ, không được liên lạc với máy của Chu Văn Mùi".

Ông Mùi kể: “Tôi nghe vậy mà lạnh sống lưng, lẽ nào các anh nghĩ tôi bị địch tóm được, rồi dùng tôi để đối phó với quân ta? Tôi khẩn khoản nói với Trưởng Ban Thông tin Nguyễn Sĩ Nhượng: "Anh Nhượng ơi, em là Mùi đây, không phải địch bắt được em đâu". Vẫn không có tín hiệu trả lời, ông lại tiếp tục: "Anh Nhượng ơi, sao em nhận ra tiếng anh mà anh không nhận được tiếng em ? Em thề là không bao giờ phản bội Tổ quốc đâu anh ơi"...

Nhưng với tinh thần cảnh giác và nguyên tắc trong ngành, Trưởng Ban Nguyễn Sĩ Nhượng thấy cần phải kiểm tra và thử lại Chu Văn Mùi bằng rất nhiều mật hiệu mà trước đó lính thông tin phải thuộc làu làu. Thấy ông nói không sai một từ, lúc này Trung đoàn và Đại đoàn mới biết ta còn người ở góc đồi này và Chu Văn Mùi vẫn đang chiến đấu ngoan cường.

Giữa trưa ngày 2/4/1954, cấp trên nhắc ông một mặt phải luôn luôn giữ liên lạc, mặt khác giao nhiệm vụ phải tìm gặp bằng được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh để nối liên lạc từ Trung đoàn tới Sở Chỉ huy. Vậy là ông khoác máy đi tìm ông Hùng Sinh. Nhưng lạ thay, chiếc máy nặng 25 kg hằng ngày ông nhấc nhẹ nhàng, vậy mà sao lúc này nặng quá, ông lảo đảo rồi ngã quỵ xuống. Thì ra trải qua ba ngày đêm kiên trì bám trụ trận địa, đói, khát nước, lại liên tục phải nói qua máy điện thanh nên ông kiệt sức, cổ họng khô rát.

Xung quanh, anh em bị thương cũng luôn miệng kêu "nước... nước” mà không có để uống. Nhớ lại lúc bé ở quê, chị dâu ông từng uống nước tiểu để chống khát, ông đã làm thế và thấy hiệu quả, nhiều anh em thương binh cũng uống để cầm cự. Ông tiếp tục nhấc máy lên vai đi tìm ông Hùng Sinh. Vượt qua bao hiểm nguy trước họng pháo kẻ thù, cuối cùng ông Mùi tìm gặp được ông Hùng Sinh bị thương đang nằm trong hầm, đầu còn quấn đầy bông băng.

Nhờ chiếc máy điện thanh ông Mùi mang đến, đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn được nối lại trên đồi A1. Mặc dù đang bị thương nhưng ông Hùng Sinh vừa chỉ huy vừa trực tiếp chiến đấu, đánh lùi một đợt phản kích của địch, khôi phục được trận địa. Chu Văn Mùi và tổ điện thanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Làn sóng điện trên đồi A1 đã thắng địch một cách giòn giã.

Ngay sau đó, trong mịt mù khói đạn, qua làn sóng điện, ông Chu Văn Mùi nhận cùng lúc hai niềm vui lớn: Được công nhận là đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi. Năm 1955, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau trận Điện Biên Phủ, ông còn tham gia nhiều chiến dịch khác. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thông tin 140 (Quân đoàn 1) và nhiều cương vị khác. Đất nước thống nhất, ông làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa Quân đoàn 1 với quân hàm Đại tá. Nghỉ hưu năm 1986, ông về quê nhà (thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, thị xã Việt Yên) sinh sống cho đến bây giờ.

Năm nay ở tuổi 96, sức khỏe Anh hùng Chu Văn Mùi đã giảm rất nhiều, nhất là sau khi người vợ tào khang Vũ Thị Bàn qua đời năm ngoái. Ông bảo: “Tôi bây giờ không nhớ được gì nhiều, sức khỏe yếu rồi. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, muốn thăm lại chiến trường xưa mà không thể đi được”. Trầm ngâm xem lại bức ảnh chụp chiếc máy điện thanh gắn liền với tên ông trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà tôi đưa ra, ánh mắt ông ánh lên sự vui sướng như thể đang thấy hình ảnh cuộc chiến đấu ác liệt trên đồi A1 năm nào.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chiec-may-dien-thanh-ghi-danh-nguoi-anh-hung-082539.bbg