'Chiếc hộp' JCPOA liệu còn phù hợp với Iran?

Cả Mỹ và Iran đều muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trước khi tổng thống mới có xu hướng cứng rắn của Iran nhậm chức vào tháng 8 tới. Nhưng ngay cả khi việc này thành công, liệu một thỏa thuận được hồi sinh có đem lại nhiều giá trị?

Đã có 6 vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục sự tuân thủ của cả hai bên đối với các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. (Nguồn: AP)

Đã có 6 vòng đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm khôi phục sự tuân thủ của cả hai bên đối với các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. (Nguồn: AP)

Cựu quan chức ngoại giao Australia Ian Parmeter đã có những nhận định về vấn đề này thông qua bài viết đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) ngày 14/7.

6 năm, mọi thứ không còn "nguyên trạng"

Kể từ tháng Tư năm nay, đã có 6 vòng đàm phán gián tiếp diễn ra tại Vienna (Áo) giữa các nhà đàm phán Mỹ và Iran nhằm khôi phục sự tuân thủ của cả hai bên đối với các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Thỏa thuận (chính thức được đặt tên là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung - JCPOA) cũng đã được ký kết bởi các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga) và Đức.

Thỏa thuận này đã bị xáo trộn vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran bất chấp các cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho thấy Iran đã tuân thủ thỏa thuận.

Để trả đũa và khuyến khích các bên ký kết JCPOA gây áp lực buộc Mỹ quay trở lại thỏa thuận, Iran đã khởi động lại phần lớn chương trình hạt nhân mà nước này đã đình chỉ cho đến thời điểm ký kết thỏa thuận.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Joe Biden đã tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại thỏa thuận này. Ông cho rằng, hành động của cựu Tổng thống Trump là “liều lĩnh”.

Về mặt logic, cả Mỹ và Iran lẽ ra có thể nhanh chóng đồng ý về việc quay trở lại nguyên trạng thỏa thuận khi cả hai bên đều mong muốn. Thế nhưng, vấn đề là đã có nhiều thay đổi trong 6 năm liên tục, đặc biệt là kể từ hành động của Tổng thống Trump năm 2018.

Đưa Iran trở lại “chiếc hộp” của JCPOA không phải là một vấn đề đơn giản.

JCPOA đã đặt ra các giới hạn đáng kể đối với việc làm giàu urani của Iran: ở mức độ tinh khiết 3,67%, mức độ thấp mà nguyên tố này chỉ có thể được sử dụng cho các mục đích hòa bình. Mức làm giàu cần thiết để sản xuất vũ khí là 90%.

Thỏa thuận cũng đặt ra giới hạn 10 năm, cho đến năm 2025, về số lượng và loại máy ly tâm mà Iran có thể sử dụng để làm giàu urani, cũng như nghiên cứu và phát triển các thiết bị tiên tiến hơn. Hơn nữa, JCPOA đã loại bỏ 97% kho dự trữ urani làm giàu hiện có của Iran và đặt giới hạn 300 kg đối với lượng urani làm giàu ở mức độ thấp mà Iran có thể lưu trữ cho đến năm 2030.

Tất cả điều này được giám sát trực tiếp và từ xa bởi các thanh sát viên của IAEA thông qua hệ thống camera giám sát liên tục đối với chương trình hạt nhân của Iran. Nếu Iran tuân thủ những hạn chế này, năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này sẽ bị hạn chế đáng kể.

Kể từ khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi JCPOA, Iran đã tích trữ kho dự trữ urani làm giàu ở mức độ thấp lên tới 3.000 kg, gấp 10 lần số lượng quy định. Iran cũng đã bắt đầu sử dụng nhiều máy ly tâm hơn, bao gồm một số loại tiên tiến hơn mức cho phép.

Đồng thời, Tehran đã tiếp tục làm giàu urani đến độ tinh khiết 20% và bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ urani được làm giàu ở mức 60%.

Lợi thế cho Iran?

Chiến lược của ông Biden nhằm khôi phục thỏa thuận năm 2015 đang có nguy cơ bị hủy hoại khi tân tổng thống đắc cử của Iran, ông Ebrahim Raisi vốn là một người cứng rắn trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông này đã công khai loại trừ sự nhượng bộ của Tehran về những vấn đề mà Washington quan tâm tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi đắc cử.

Ngoài ra, Iran yêu cầu ông Biden cần cam kết rằng các chính quyền tương lai của Mỹ phải tuân thủ JCPOA. Thế nhưng đây là một điều khó có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ông Raisi ủng hộ việc tiếp tục các cuộc đàm phán ở Vienna, dấu hiệu cho thấy chế độ mới này vẫn ưu tiên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Các nhà phân tích Iran cũng cho rằng Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei muốn có một thỏa thuận trước khi Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani rời nhiệm sở vào đầu tháng 8 tới.

Hơn nữa, các bình luận khác nhau từ các nhà đàm phán ở Vienna cũng chỉ ra rằng, 6 vòng đàm phán cho đến nay đã mang lại tiến bộ đáng kể về các giải pháp để hòa hợp lập trường của cả hai bên.

Các bên đang tiếp tục dàn xếp để đưa ra thông báo về thời điểm cho vòng đàm phán thứ 7. Nếu điều đó không xảy ra trong vài tuần tới, thì các cuộc đàm phán có thể sẽ tiếp tục bị đình trệ một thời gian sau khi ông Raisi chính thức nhậm chức.

Giá trị của một thỏa thuận được hồi sinh sẽ như thế nào trong bối cảnh Iran đã tích lũy được vốn kiến thức khoa học đáng kể từ năm 2018 và kinh nghiệm thực tế mà Iran thu được trong việc chế tạo máy ly tâm và định hướng chương trình hạt nhân của mình theo hướng chế tạo vũ khí?

Những phần nội dung thực chất của JCPOA mới được triển khai trong vòng 4 năm. Cho dù thỏa thuận có được khôi phục hay không, một câu hỏi luôn tồn tại là làm thế nào cộng đồng quốc tế có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran.

(theo AIIA)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chiec-hop-jcpoa-lieu-con-phu-hop-voi-iran-151541.html