Chiếc đồng hồ tiên đoán cái chết của người đeo

DRT, Krayon cùng các 'tay chơi' có tiếng như A. Lange & Söhne, F.P. Journe đang không ngừng nỗ lực phô diễn chức năng độc lạ của mình trong cuộc đua chế tác đồng hồ phức tạp.

Tempus Fugit, đồng hồ có khả năng tính thời gian sống còn lại của người đeo, được phát triển bởi thương hiệu Thuy Sĩ DRT. Ảnh: DRT.

Ngành công nghiệp đồng hồ đang chứng kiến cuộc đua không ngừng nghỉ từ các nhà sản xuất hàng đầu nhằm tạo ra những chiếc đồng hồ phức tạp nhất.

Các thương hiệu đồng hồ danh tiếng nỗ lực mang đến những thiết kế sáng tạo, phô diễn nhiều chức năng độc lạ trên cỗ máy thời gian của mình, như khả năng tính tuổi thọ của DRT Tempus Fugi, hay Everywhere của Krayon giúp người đeo biết khi nào mặt trời mọc dù đang ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Dưới đây là danh sách 7 cỗ máy thời gian phức tạp chứa những chức năng độc đáo nhất, theo Time+Tide Watches.

DRT
Tempus Fugit

Cỗ máy vạn niên Tempus Fugit được chế tác có thể hoạt động đến năm 31/12/9999.

Hệ thống phức tạp này được chế tác một cách tinh gọn nhất có thể. Sự tối giản này nhằm dễ dàng sửa chữa trong hàng nghìn năm tới.

Điều đáng chú ý của Tempus Fugit là chức năng đo tuổi thọ của người đeo dựa trên thuật toán do DRT phát triển. “Thời gian còn lại" được lập trình trong 100 năm hiển thị qua vòng màu ở rìa bộ máy, qua năm tháng màu sẽ nhạt dần.

Bộ máy được “niêm phong" trong lớp vỏ titanium thủ công, chỉ có những chuyên gia chế tác đồng hồ mới có thể mở. Không có nút bấm hoặc công cụ điều chỉnh nào cho phép người đeo điều chỉnh ngày tháng hay có thể “ăn gian" tuổi thọ.

Nếu người đeo thọ lâu hơn so với dự đoán của thuật toán, một thông điệp được lập trình trước sẽ hiển thị xung quanh viền của bộ máy.

Krayon
Everywhere

Đây là chiếc đồng hồ có khả năng tính toán thời gian mặt trời mọc và lặn dù người đeo đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chức năng này sử dụng phương trình tính thời gian qua các thông số ngày, vĩ độ, kinh độ và múi giờ UTC.

Đồng hồ có thể điều chỉnh bằng cách vặn núm ở hướng 8 giờ.

Trên mặt số, kim xanh lam lớn trên thang đo 24 giờ hiển thị thông tin giờ, cũng trên thang đo đó, mũi tên ngắn chỉ số phút. Ngay trung tâm mặt số chính có hai kim, bên trái chỉ vĩ độ, bên phải hiển thị thông số đã chọn.

Ở mặt số phụ phía trên, kim dài chỉ thông số kinh độ, kim ngắn hơn chỉ múi giờ UTC. Mặt số phụ phía dưới là nơi hiển thị ngày và tháng.

Everywhere được chế tác thủ công tinh xảo từ 595 thành phần, bên trong vỏ là bộ máy cơ học với rotor nhỏ.

Cartier
Masse Mystérieuse

Masse Mystérieuse xuất hiện với thiết kế đơn giản, tinh tế. Đồng hồ hiển thị các thông số chỉ giờ qua hai kim chỉ giờ và phút cùng viền số La Mã ngoài cùng, đặc trưng của nhà mốt Cartier.

Sự khác biệt của Masse Mystérieuse chính là thiết kế khung xương để lộ cỗ máy Calibre 9801 MC bán nguyệt.

Cỗ máy in-house này có thể di chuyển qua lại, giúp lên dây cót cho đồng hồ. Cartier đã mất 8 năm để phát triển hệ thống này.

Carole Forestier Kasapi, một trong những chuyên gia hàng đầu chế tạo đồng hồ, đã sử dụng 6 đĩa sapphire để tạo ra thiết kế kinh điển. Các đĩa sapphire này được kết nối với mỗi kim giờ, núm chỉnh và tích hợp trong cả rotor.

A. Lange & Söhne
Triple Split

Đây là chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên và duy nhất trên thế giới có 3 bộ bấm giờ tách biệt trên cùng một máy.

Triple Split chia kim đồng hồ cho cả ba thang đo giây, phút và giờ, nhờ đó bộ bấm giờ có khả năng đo từ 1/6 giây đến 12 giờ. Cơ chế này có thể ứng dụng trong đa dạng sự kiện cần đo thời gian, từ các cuộc thi có tốc độ nhanh đến các cuộc thi kéo dài.

Triple Split sử dụng bộ máy L.132.1 lên cót bằng tay. Cấu tạo nên bộ máy này là 556 thành phần được chế tác trong 3 tuần.

A. Lange & Söhne mất 5 năm để nâng cấp từ Double Split lên Triple Split. Cỗ máy thời gian tiền nhiệm chỉ có 2 bộ bấm giờ và chỉ có khả năng đo thời gian dưới 30 phút.

Harry Winston
Opus 3

Đồng hồ có vỏ hình vuông bo góc trò, bên trong chứa 6 ô cửa sổ hình tròn với mặt kính nổi làm bằng sapphire.

Điểm độc đáo của Opus 3 là hiển thị thời gian bằng số thay cho kim chỉ giờ truyền thống, đặc biệt kết hợp số giây nhảy độc lạ.

Thoạt nhìn qua thiết kế của Opus 3 có vẻ như giản đơn, nhưng thực ra lại rất phức tạp và kỳ quặc.

Chiếc Opus 3 trong hình đang hiển thị thời gian 11 giờ 07 phút, số màu đỏ chỉ ngày 13. Để tận dụng tối đa diện tích, 4 giây cuối cùng của mỗi phút sẽ xuất hiện trong ô góc trái phía trên.

Đồng hồ được ra mắt năm 2003, thuộc dòng Opus nổi tiếng của thương hiệu Harry Winston. Quá trình phát triển và sản xuất sản phẩm trí tuệ này kéo dài tới 10 năm.

F.P. Journe
FFC

Tên của chiếc đồng hồ FFC là viết tắt của Francis Ford Coppola, vị đạo diễn nổi tiếng đã nghĩ ra ý tưởng đồng hồ hiển thị giờ qua các ngón tay, người đã truyền cảm hứng cho F.P. Journe hiện thực hóa ý tưởng này.

Trung tâm FFC là một cánh tay bằng chất liệu titanium được điêu khắc thủ công tinh xảo. Chỉ báo thời gian trên đồng hồ khá đơn giản, số ngón tay biểu thị cho giờ và phút hiển thị qua con trỏ hình tam giác đặt ở góc 12 giờ.

Cánh tay cùng bộ máy Octa 1300 ẩn bên dưới được gói gọn trong bộ vỏ 42 mm, dày 10,7 mm. Để cánh tay hoạt động, bộ máy remontoir de l'égalité trong FFC cần được lên dây cót mỗi giờ.

Krayon

Upside Down

Upside Down được chế tác bởi Ludovic Ballouard, cựu nghệ nhân chế tác đồng hồ tại F.P. Journe. Trái ngược với các thiết kế đồ sộ nổi tiếng trước đây, Ludovic Ballouard mang đến mẫu đồng hồ tối giản đến kỳ lạ.

Đồng hồ chỉ có 1 kim duy nhất đặt ở trung tâm mặt số. Như tên gọi Upside Down (tạm dịch: lộn ngược), mỗi chữ số của đồng hồ được đặt trên một đĩa quay, ngoại trừ số giờ hiện tại, 11 số còn lại đều bị lộn ngược.

Giúp hệ thống này vận hành là bộ máy in-house LB01 với 228 chi tiết, tất cả nằm trong bộ vỏ 41 mm.

Trong 15 năm qua, Upside Down xuất hiện trong nhiều biến thể mặt số bằng đá khác nhau như thiên thạch, lapis lazuli, aventurine... Các mẫu giới hạn thường chỉ được sản xuất dưới 10 chiếc.

Như Phương

Ảnh: Time+Tide Watches, Monochrome Watches, Swisswatches Magazine, Thehourglass, Hodinkee

Nguồn Znews: https://znews.vn/chiec-dong-ho-tien-doan-cai-chet-cua-nguoi-deo-post1457437.html