Chiếc băng tang Bác Hồ

Sáng 2-9-1969, tôi đang trên đường giao liên đi dự khóa sư phạm khu Tây Nam bộ mở ở rừng Năm Căn, bỗng xuất hiện một chiếc máy bay 'đầm già' (L19) bay rất cao, lượn đi lượn lại trên bầu trời dọc khu vực Kinh Năm Đất Sét.

Chúng tôi nép xuồng vào một lùm cây cặp bờ kinh chờ đợi. Bỗng bất ngờ từ máy bay dội xuống một câu: “Ông Hồ Chí Minh chết rồi”. Chỉ một câu duy nhất, không có thêm bình luận nào, cứ lặp đi lặp lại theo vòng bay của chiếc đầm già. Chú giao liên ngước lên nhìn nó một hồi rồi thốt lên một câu bực dọc: “Đồ tâm lý chiến, nói dóc, tác động hả, còn lâu nghe con”.

Cứ như thế, chiếc đầm già quần tới quần lui, càng ngày càng xa về hướng sông Cái Tàu, với câu phát ra từ chiếc máy ghi âm, riết rồi chỉ còn nghe như tiếng nhái kêu léo nhéo, nhập nhằng không rõ. Và như thế, chúng tôi cứ đi qua nhiều trạm giao liên khác để về hướng Cà Mau mà không quan tâm gì đến câu mà chiếc đầm già đã phát hôm ở Kinh Năm Đất Sét.

Hôm sau, vì địch càn, chúng tôi phải nằm lại ở một trạm giao liên. Mấy hôm sau, đoàn Rạch Giá gồm anh Năm Tuấn, Năm Pháp và tôi mới được người của trường sư phạm đến đón ở trạm giao liên xã Ba Tân. Xuống xuồng, chèo đi một đỗi, người đến rước nhìn chúng tôi hỏi: “Mấy anh có nghe tin Bác Hồ mất chưa?”. Năm Pháp nhanh miệng hỏi: “Cái gì, Bác Hồ mất rồi sao?”. “Đúng vậy”, người đi đón chúng tôi buột miệng, giọng buồn bã.

Chúng tôi nghe như một luồng điện chạy dọc sống lưng. Trời ơi, Bác Hồ mất thật rồi sao? Tất cả bàng hoàng, tim như thắt lại. Tôi bưng mặt muốn khóc nhưng chưa bật ra tiếng được. Tim như có ai vừa cắm vào một nhát dao.

Khi chúng tôi đến trường, không khí thật nặng nề trên từng gương mặt. Mọi việc gần như diễn ra trong thì thầm. Nỗi đau buồn trùm lên mọi mái đầu. Ở một góc, chiếc máy thu thanh phát đi thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sự ra đi của Bác Hồ và việc cả nước để tang Bác Hồ 7 ngày, từ ngày 4 đến ngày 9-9.

Băng tang ngày Bác Hồ mất được tác giả cất giữ đến nay. Ảnh: THU OANH.

Trường tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Mỗi người chúng tôi được phát một chiếc băng tang nhỏ bằng vải, hình chữ nhật, nửa đỏ nửa đen. Không có máy cát sét, thầy Ba Sơn điều khiển bằng miệng, hô nghiêm và mặc niệm. Thầy Ba Đông đọc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương và bản Di chúc của Bác Hồ. Đến nửa đoạn, thầy bỗng nghẹn lời, bật khóc. Chúng tôi đứng nghiêm, cúi đầu. Ai đó bỗng bật tiếng khóc, ban đầu nhỏ, sau đó dần dần thành của nhiều người và ngày càng lớn.

Mấy phút sau, gần như cả hội trường từ thầy đến trò đều khóc. Có người dập đầu vào gốc đước vật vã. Ôi, có đau thương nào lớn hơn nỗi đau này của cả dân tộc, của triệu triệu người Việt Nam từ Bắc tới Nam. Sau lễ truy điệu, bữa cơm dọn ra, không ai muốn cầm đũa. Suốt tuần đó, chúng tôi luôn mang chiếc băng tang trên ngực áo khi lên lớp.

Ngày 9-9-1969, Trung ương Đảng tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ở quảng trường tại Hà Nội. Chúng tôi lại tập trung lên hội trường, theo dõi lễ truy điệu qua chiếc máy thu thanh được mở to. Lại một lần nữa, tim chúng tôi như có ai bóp nghẹt lại khi nghe đồng chí Lê Duẩn đọc bản điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương. Đến đoạn “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông, đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”...

Nghe đến đây, lại một lần nữa không ai cầm được nước mắt. Nhiều giọng nói bật lên trong tiếng khóc: “Bác Hồ ơi”. Mọi người càng xúc động hơn khi lần đầu tiên nghe được toàn văn bản Di chúc mà Bác Hồ để lại cho toàn Đảng, toàn dân cả nước, với những nội dung vô cùng quan trọng mà thiết tha, chứa đựng tâm nguyện lớn lao của vị cha già dân tộc trước lúc đi xa: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”.

Sau lễ truy điệu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra lời kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam “biến đau thương thành hành động cách mạng”. Quả thực, lời kêu gọi đó đã trở thành sức mạnh vô biên. Các lực lượng vũ trang miền Nam và cả nước đã biến căm thù thành bão lửa trút lên đầu giặc Mỹ và tay sai.

Kết thúc khóa học, chúng tôi rời trường về địa phương. Trong hành trang của tôi khi về lại cơ quan vẫn có chiếc băng tang hôm làm lễ truy điệu Bác Hồ trong rừng đước.

Trong những năm 1970, khi địch tiến hành chiến dịch nhổ cỏ U Minh, bom đạn địch luôn xối xả trên đầu, nhưng trong chiếc ba lô gọn nhẹ của tôi chiếc băng tang Bác Hồ ngày ấy vẫn luôn ở một góc và được bọc nhựa kỹ để khỏi ướt. Sau ngày 30-4-1975, chiếc băng tang ấy vẫn theo tôi về tiếp quản thành phố và được cất kỹ ở một góc tủ.

Dịp kỷ niệm 30-4-2019, tôi soạn lại những kỷ vật kháng chiến sau 50 năm, đứa con gái bỗng thấy, hỏi tôi: “Ba cất cái gì vậy ba?”. Tôi đáp: “Đó là chiếc băng tang Bác Hồ năm 1969”. Con gái ồ lên: “Ôi, thật kỳ lạ, 50 năm rồi ba”. Đúng, kỳ lạ thật. Nó làm sao hiểu được tâm trạng của chúng tôi những ngày tháng năm ấy khi Bác Hồ mất.

Năm mươi hai năm, chiếc băng tang ngày Bác Hồ mất, vẫn luôn là một phần tất yếu trong cuộc sống của tôi, như thầm nhắc “Đó là cái không có gì có thể thay thế được”.

VIỆT THANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//chinh-tri/chiec-bang-tang-bac-ho-9593.html