Chiếc áo len đỏ

Cúng ông Công ông Táo xong, mẹ nhận được thư của bố báo năm nay không về ăn Tết, mấy anh em đã buồn so. Thế nhưng cứ nghĩ đến được về quê ăn Tết với bà là cả nhà lại náo nức, chờ đợi. Mẹ vừa kết thúc buổi làm, mấy anh chị em kết thúc buổi học cuối cùng là cả nhà chất đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe về quê ăn Tết.

Tranh: Họa sĩ Thành Chương.

Sáng sớm 30, nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc bên nhà bác Thức, chị Tễu đánh thức Tũn dậy xem thịt lợn. Ngó ra ngoài thấy trời đen như mực, lại có mưa lay phay, rét thấu xương, Tũn không cưỡng lại cơn thèm ngủ, nằm lăn ra ngủ tiếp. Đến khi cu cậu choàng dậy, vừa dụi mắt vừa chạy dúi dụi sang nhà bác Thức thì thịt thà đã chia xong thành mấy rổ xếp ngay ngắn.

Anh Mèo cùng mấy anh nữa đang xoay trần giã giò thì thụp trên cối đá. Quả bong bóng lợn đã bị mấy đứa lớn hơn tranh mất, thổi thành quả bóng căng tròn, đá binh binh, Tũn thèm thuồng lắm mà không dám lại gần, đành đứng nhìn vậy.

Bữa cỗ tất niên Tũn chén đẫy căng bụng thế mà vui quá chạy ra chạy vào thế nào đến gần giao thừa đã đói meo. Cuộn tròn trong lòng anh Mèo chờ đến lúc sang canh, nghe bà và mẹ hỏi nhau chẳng biết giờ bố ăn Tết ở đâu, có phải trực đêm hay không, Tũn bỗng nhớ bố cồn cào, cu cậu khóc ướt hết một bên má lúc nào chả biết.

Gần giao thừa mẹ mang ra cái túi bí mật vẫn cất giữ từ hôm về đến giờ. Cả lũ hau háu nhìn vào bàn tay mẹ gỡ từng lớp giấy báo. Một chiếc áo nhung biếu bà, bà cứ run run tay, nửa mừng, nửa tiếc tiền, lại thêm chút ngượng nghịu. Chiếc áo màu đỏ là của Tũn, màu hoa đào là của chị Xám, màu cam là của chị Tễu, còn màu xám tro là của anh Mèo.

Không thể nhịn được nữa, vừa mặc vào là Tũn đã chạy vụt ra khỏi cổng. Đường ngõ tối dịu dàng, hương thơm phảng phất, nhắm mắt Tũn cũng có thể chạy nhảy đến từng nhà. Ai cũng khen Tũn mặc áo mới diện quá, có người còn bắt Tũn xoay vài vòng làm Tũn thích chí, cười tít mắt. Con Cò không có áo mới nhưng lại có đôi dép mới để xỏ vào, lượn đi lượn lại trước mặt Tũn. Còn mấy đứa khác, chả có đứa nào có gì, buồn thiu. Thằng Tều chê đứng chê ngồi:

- Màu đỏ gì mà... quê quá. Con trai ai lại mặc màu đỏ, như con gái ấy.

Tũn nghe có phần nao núng. Đến khi thấy con Vạc rơm rớm mắt, khóc lăn ra bắt đền mẹ nó thì Tũn tiu nghỉu chạy về nhà. Cũng vừa lúc chị Tễu đi gọi ời ời khắp các nhà:

- Về cho kịp giao thừa, chả thành xông đất nhà người ta, mất dông chết.

Ngày Tết thích nhất là đến nhà ai cũng được ăn, được chơi, lại còn được phát vốn nữa. Tũn bé nhất nhà, lại nhanh vía, còn mặc chiếc áo đỏ chót nữa, vào nhà ai cũng được phát vốn nhiều nhất. Chỉ tiếc, cái áo mới không có túi đã đành, cái quần cũ cũng chẳng có túi nốt, thế là được đồng nào Tũn phải đưa hết cho mẹ giữ hộ. Cuối ngày nào cu cậu cũng đòi mẹ kiểm tra xem được bao nhiêu, lần nào mẹ cũng bảo:

- Mẹ mượn của Tũn, hôm nào mẹ mua cho Tũn cái quần mới nhé.

Anh Mèo thì biết thừa, nếu không có những đồng tiền phát vốn của Tũn để quay vòng, thì mẹ cũng chẳng còn tiền để phát vốn cho con người ta. Vì thế, mấy anh em đều bảo nhau, được ai phát vốn thì ngay lập tức phải đưa về cho mẹ. Thế mà chị Tễu vẫn giấu được những hai trăm, sau Tết có lần chị mua bánh mì, chia cho Tũn một nửa.

Mấy ngày Tết, Tũn cứ đi phơi phới trong làng, gặp ai cũng chào. Bao giờ cũng thế, hễ có người là Tũn ưỡn ngực ra, khoe cái áo mới, còn cái quần cũ thì được giấu bằng cách bắt chéo hai chân hoặc áp sát vào nhau. Tũn suốt ngày nhảy như choi choi, mẹ đã dặn không khéo dẫm bùn, ngã vào vũng nước thì ướt mất áo đẹp.

Ấy thế mà, ngay sáng mồng Hai, mải đùa với quả bóng bay, Tũn ngã ngay vào thùng nước, phệt mông xuống đất. Vừa lạnh vừa đau, nhưng Tũn còn buồn hơn, chiếc áo đỏ diện Tết đã ướt nhẹp rồi. Mới mặc được hơn một ngày, trời ẩm thế này biết bao giờ cho khô? Cu cậu đứng tần ngần, thay ra áo khác rồi mà cứ tiếc rẻ đứng nhìn cái áo đỏ, òa khóc. Bà thương quá, vừa đốt củi vừa hơ áo trên lửa cháy phừng phừng vừa bảo:

- May là còn chưa ngã vào bùn, phải giặt thì cả tuần may ra mới róc nước.

Chẳng còn tâm trạng đâu đi chúc Tết nữa, Tũn ngồi co ro bên bếp lửa, chờ bằng được chiếc áo khô mới thôi. Bàn tay bà lật đi lật lại trên bếp cũng đã đỏ lựng lên, chiếc áo len đỏ cũng vừa rôn rốt, Tũn vội vàng chộp lấy mặc vào, lại nhảy chân sáo ra đường. Thế mà đến chiều sờ vào đã thấy khô hẳn. Tài thật.

Ngày Tết đã không phải học bài lại còn được ngủ thỏa thích nữa. Sáng bảnh ra mới dậy, ăn xong là nhót đi chơi, chơi chán về ngủ, ngủ xong lại ăn, bất kể giờ giấc nào. Chị Xám chẳng quen nhiều người, nhưng cũng nhanh chóng nhập hội chơi chuyền bóng bay cùng mấy đứa con gái trong xóm. Anh Mèo thì khỏi nói, ngoài việc thịt gà, châm pháo, bê mâm, dọn bàn thờ, châm hương thì anh chơi cù, chơi quay giỏi nhất xóm, thanh niên ở đó cứ gọi anh là sư phụ. Mở mắt ra anh đã có người gọi đi chơi rồi.

Chỉ có chị Tễu là thiệt thòi nhất. Sáng phải dậy sớm giúp bà và mẹ làm cơm, ăn xong là anh và các em tót đi chơi trong khi đó chị phải dọn dẹp, rửa bát. Bát đũa ngày Tết có ít đâu cơ chứ, lại dính bết bánh chưng, lại mỡ màng trơn nhẫy, rửa không khéo thì rơi vỡ, mất dông, lại bị mắng thì chết. Chị cứ vừa làm vừa ấm ức. Đấy là còn chưa kể, đi chúc Tết nhà ai, người ta mời ăn cỗ, kiểu gì chị cũng phải cùng mẹ xúm vào dọn mâm, xúm vào rửa ráy. Họ hàng nức nở khen:

- Mẹ khéo dậy con quá, Tễu đã ra dáng thiếu nữ thật rồi, khéo léo đảm đang quá.

Mẹ nghe cứ nở từng khúc ruột, chị cũng phồng mũi lên, phải to bằng quả cà chua chứ chả ít.

Nhoằng cái đã đến mồng Ba, hết Tết rồi. Anh Mèo vừa hạ mâm cỗ xuống mấy đứa đã đứng trực sẵn, ào ào giơ tay đón. Quả trứng gà này, rét quá, chưa chín được, để sau. Quả quất này, chua lắm, cũng hãy cứ để đấy, đến khi nào hết cái đã. Bánh gai thì ăn suốt mấy ngày qua rồi. Rượu đương nhiên chả đứa nào uống được.

- A, mứt, mứt đây rồi. Hai hộp mứt vẫn còn nguyên, may quá năm nay không bị mấy ông răng dài kháo mất tí nào.

Mấy chị xem lại xâu xúm vào, mẹ đứng nhìn, lắc lắc đầu, cười.

- Không được hỗn, để bà chia đã.

Anh Mèo gạt cả ba chị em ra. Thế là, sáu con mắt nhìn cả vào bàn tay bà, không chớp tí nào.

- Cứ chia đều bốn phần đã nhé, đứa nào không ăn được cái gì thì đổi cho nhau sau.

Ba cái đầu gật gật. Mứt dừa này, mứt bí này, mứt quất này, trứng chim này, còn chỗ vụn này thì cho em Tũn nhé. Vừa chia xong, tám bàn tay chưa kịp thò ra xí ngay phần mà mình cho là mứt dừa dài hơn hoặc trứng chim to nhỉnh hơn một tí thì có tiếng gọi ngoài cổng. Mẹ đang mải xếp đồ trong buồng, gọi chị Tễu:

- Chắc bà Mùi sang lấy nước rác về cho lợn, Tễu ra đưa cho bà hộ mẹ đi con.

Chị Tễu sa sầm mặt, lầm lầm chạy đi. Về đến nơi đã thấy anh Mèo và các em nhai đôm đốp, thấy phần của mình còn chỏng chơ trong hộp, chắc chắn là ít hơn của mọi người, lại không có mứt táo mà chị thích nữa, thế là chị khóc lăn ra, khóc váng nhà. Bà cứ dỗ mãi:

- Bà chia rất đều, chính tay bà chia, bà còn canh trong lúc Tễu chạy đi nữa, có ai ăn vèn sang phần đâu.

Nhưng chị nhất định gào lên:

- Chúng nó ăn hết rồi, làm sao mà đếm lại được nữa.

Mẹ từ trong buồng chạy ra, tưởng có chuyện gì, sau thấy chị chỉ khóc vì hộp mứt nên bực mình, định đánh cho vài cái thì bà ngăn lại. Thế là chị cứ khóc một mình, nước mắt nước mũi đầm đìa. Khóc mãi, chẳng thấy ai để ý, chị vừa nức nở đứt quãng vừa ngồi bệt xuống nhà, kể lể:

- Làm... làm thì cái gì.. gì... cũng đến tay. Ăn thì chẳng... chẳng ai nhớ... nhớ, chia... chia không đều. Hứt hứt hứt…

Vừa khóc chị vừa đập chân, đập tay xuống nền đất bồm bộp. Rồi vớ được con dao bổ cau của bà để góc nhà, chị xía luôn vào ngón chân mình. Máu chảy thành dòng. Bà sợ quá, lấy luôn vạt áo của bà cuốn chặt lấy chân chị. Anh Mèo vội chạy sang nhà bác Thức xin tí thuốc lào trong khi mẹ xé vội mảnh mụn để rịt lại. Hình như bây giờ chị Tễu mới thấy hoảng vì việc mình làm, nhất là thuốc lào bắt đầu ăn rấm rứt vào vết thương, xót thon thót, mặt chị tái dại đi. Mẹ lấy khăn ấm, lau mặt cho chị, lại lắc lắc đầu:

- Cứ như con trai ấy, liều quá, sợ quá.

Tũn cứ tưởng chị dỗi không thèm động đến chỗ mứt kia thì thế nào cu cậu cũng được chén nốt, ai ngờ nó biến đi đâu lúc nào không biết. Sau khi tạm biệt bà, chào hỏi hết lượt hàng xóm, cả đoàn lại lên đường về thị trấn. Đường đi gió mát chờn vờn trên mặt, Tũn mơ màng nhìn xuống vệ cỏ, nơi những cánh bướm và cả những cánh hoa đào rụng lả tả thi thoảng bị gió thổi thốc lên, cuốn xoáy như nhảy múa.

Có lúc mẹ đuổi kịp xe của anh Mèo và chị Tễu, Tũn thấy chị vẫn ôm khư khư bọc quần áo của cả nhà, tay phải thi thoảng lại cho vào túi áo, nhón một cái gì đó, cho vào mồm nhai đôm đốp, mắt chị lim dim, ra điều thú vị lắm. Rồi anh Mèo lại vượt lên, từ sau nhìn lên, Tũn chỉ thấy có một bên chân chị quấn mảnh vải to thù lù như cái tổ ong bò vẽ.

Rồi Tũn chợt rầu lòng, lo lắng. Nhà mình không có bếp củi như nhà bà, cái áo len đỏ giặt biết lấy gì hơ khô kịp diện buổi học đầu năm mới?

NHƯ TRANG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chiec-ao-len-do-10272358.html