Chia sẻ tầm nhìn chung trên hành trình phát triển bền vững

Nhận lời mời của Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Ngoại giao, Thịnh vượng và Phát triển Anh (nước đồng Chủ tịch OECD 2023) James Cleverly, Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna và Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Lipavský, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, thăm chính thức Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Czech từ ngày 5-10/6.

Đây là chuyến đi đa phương kết hợp song phương với nhiều điểm đáng nhớ. Lần đầu tiên Việt Nam tham dự cấp Bộ trưởng ở Hội nghị Hội đồng OECD với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD.

Đây cũng là chuyến trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam-Pháp sau một thập niên (trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược); chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam tới Czech sau chín năm (ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Czech Petr Fiala vào tháng 4/2023).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về "Tăng trưởng bao trùm và bền vững".

Đồng hành phát triển kinh tế xanh, bền vững

OECD là cơ chế hợp tác đa phương quan trọng đề ra các quy định, tiêu chuẩn và tư vấn chính sách toàn cầu. Với chủ đề “đảm bảo tương lai tự cường: Các giá trị chung và đối tác toàn cầu”, Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 là dịp để các quốc gia cùng bàn thảo cho mục đích chung cần hướng tới, xác định quyết tâm cùng hóa giải các thách thức, tiến tới sự phát triển tự cường, bền vững và thịnh vượng.

Hợp tác Việt Nam-OECD ngày càng phát triển tích cực và đi vào thực chất. Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026 và Chương trình hành động thực hiện Biên bản ghi nhớ với các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Việt Nam cũng lần đầu, cùng với Hàn Quốc, đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch SEARP giai đoạn 2022-2025.

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD với tinh thần là một đối tác tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã và đang tiếp tục tham gia đóng góp hiệu quả vào các vấn đề chung với tư cách là một nền kinh tế năng động và có nhiều tầm nhìn chung với các đối tác trên con đường phát triển và hội nhập hiện nay.

Minh chứng cho điều đó, trong buổi gặp Tổng thư ký OECD Mathias Cormann hay trong nhiều phiên của hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ về thương mại hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, về công nghệ đổi mới phục vụ cho các nền kinh tế phát thải ròng bằng không. Đây là những nội dung ưu tiên trong chính sách của Việt Nam, ở góc nhìn của nước đang phát triển, góp phần tạo nên cách tiếp cận đa dạng và thực tế về hai chủ đề đang được quan tâm trên toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm việc với Tổng thư ký OECD Mathias Cormann, ngày 6/6. (Ảnh: Bảo Chi)

Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng tham dự nhiều hoạt động quan trọng, nhất là sự kiện khai mạc Diễn đàn toàn cầu về công nghệ của OECD và Hội thảo về các diễn biến về Chính sách thuế toàn cầu, trong đó vấn đề triển khai thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ hai trụ cột của Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI).

Trong không khí thảo luận sôi nổi về những “câu chuyện” và mối quan tâm chung như vậy, Trưởng đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn OECD tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tư vấn chính sách giúp Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế số; phối hợp, hỗ trợ tư vấn cho Việt Nam về các vấn đề mới như thuế tối thiểu toàn cầu, giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường…

Vai trò và những đóng góp tích cực của Việt Nam trên cương vị đồng Chủ tịch SEARP được OECD đánh giá cao. Đáp lại những đề nghị, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann khẳng định, OECD tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng xanh và bền vững, sẵn sàng cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam để triển khai các quy định liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Hướng đến “tầm cao mới”

Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna đón Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 5/6. (Ảnh: Bảo Chi)

Chuyến thăm chính thức Pháp của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương. Chính sách đối ngoại của hai nước đang ở những điểm giao thoa mạnh mẽ. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hơn hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại khu vực.

Trong buổi tiếp kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher; gặp và làm việc với Phó Chủ tịch Thượng viện, nguyên Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent hay hội đàm với Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp và châu Âu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cũng như Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các đối tác khu vực trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác đang đặt ra.

“Tầm cao mới” trong hợp tác song phương là cụm từ thể hiện mong muốn của cả hai nước dựa trên hành trang là những bước phát triển tích cực trong quan hệ suốt năm thập niên qua.

Cụ thể hóa quyết tâm này, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chuyến thăm, tiếp xúc các cấp trong thời gian tới, nhất là giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; duy trì các cơ chế hợp tác trong đó nối lại cơ chế Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam-Pháp; tiến hành tham vấn chính trị cấp Vụ trưởng giữa Bộ Ngoại giao hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng: “Những nội hàm phong phú của mối quan hệ cùng đồng hành, tin cậy, các trao đổi nhân chuyến thăm của Bộ trưởng là dịp để hai bên tiếp tục nhấn mạnh những nhận thức chung về tầm nhìn của mối quan hệ, quyết tâm thúc đẩy, đưa các kết nối giữa hai nước sâu rộng hơn, chặt chẽ hơn và đáp ứng được yêu cầu đa dạng hiện nay”.

Bên cạnh đó, hai nước xác định hợp tác thương mại – đầu tư là trụ cột quan trọng trên đà tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); coi trọng các dự án hợp tác kinh tế, đặc biệt là dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, biểu tượng hợp tác kinh tế Việt Nam-Pháp. Bộ trưởng đề nghị chính phủ Pháp ủng hộ, thúc đẩy quốc hội Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo thẻ vàng (IUU) đối với hàng thủy hải sản Việt Nam.

Hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, khẳng định ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn đa phương. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Bước phát triển tích cực

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Czech đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Qua các cuộc đối thoại cấp cao với mật độ dày giữa lãnh đạo hai bên thời gian qua, Czech luôn bày tỏ sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Czech bên ngoài EU.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Czech lần này của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước.

Thông qua các cuộc gặp, hai bên tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại, duy trì trao đổi đoàn cấp cao, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, triển khai hiệu quả thỏa thuận EVFTA, tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, lao động…

Đại sứ Việt Nam tại Czech Thái Xuân Dũng: “Là thành viên tích cực của OECD, chúng ta hy vọng Czech có thể hỗ trợ Việt Nam kinh nghiệm trong chính sách phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi cho người dân, nâng cao năng lực, nhất là năng lực quản trị, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính... để giúp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Nhằm triển khai chủ trương thống nhất từ chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala đến Việt Nam hồi tháng Tư, hai bên tập trung thảo luận triển khai các cam kết, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết; đặc biệt thúc đẩy ký kết Hiệp định giáo dục giai đoạn mới trên cơ sở Ý định thư về hợp tác giáo dục hai bên; thúc đẩy phía Czech nới lỏng quy định cấp thị thực cho Việt Nam, tiến tới việc ký kết Hiệp định hợp tác lao động; thúc đẩy việc thành lập trung tâm văn hóa tại hai nước.

Bên cạnh đó, hai bên trao đổi nhằm triển khai hiệu quả các lĩnh vực đang hợp tác như dự án đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của Skoda Auto tại Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực phát triển và quản lý năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, an ninh mạng, công nghiệp khai khoáng, khảo sát địa chất, công nghệ môi trường, quản lý nước và chất thải, đào tạo phi công…

Chuyến đi đa phương kết hợp song phương với nhiều “lần đầu tiên”, trước những dấu mốc quan trọng trong quan hệ với các đối tác của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn một lần nữa thể hiện Việt Nam là một đối tác tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, có nhiều tầm nhìn chung với các đối tác, trên hành trình hội nhập đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội hiện nay.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chia-se-tam-nhin-chung-tren-hanh-trinh-phat-trien-ben-vung-230188.html