CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ XÂY DỰNG TIỀN LƯƠNG TỐI THIỂU GIỮA VIỆT NAM VÀ ETHIOPIA

Chiều ngày 21/11, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn cấp cao của Ethiopia do TS.Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ, Hạ viện nước CHDC Liên bang Ethiopia làm Trưởng đoàn đến thăm và tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về thiết lập mức lương tối thiểu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng dự buổi làm việc có Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen; các thành viên Ủy ban Xã hội và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam...

Cảm ơn sự đón tiếp của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, TS.Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ, Hạ viện nước CHDC Liên bang Ethiopia cho biết, Đoàn công tác cấp cao của Ethiopia gồm các thành viên là đại diện của các cơ quan như Bộ Lao động và Kỹ năng; Bộ Kế hoạch và Phát triển; Bộ Tài chính, Hạ Viện, Văn phòng Thủ tướng, Liên đoàn Công đoàn, Liên đoàn Người sử dụng lao động của Ethiopia.

TS.Negeri Lencho Bultum nhận định, Việt Nam là quốc gia trẻ, năng động. Nhân chuyến công tác đến Việt Nam, đoàn công tác của Ethiopia muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về thiết lập tiền lương tối thiểu, phương thức cải thiện năng suất lao động và các mối quan hệ lao động... để giúp Ethiopia vượt qua các thách thức hiện tại.

TS.Negeri Lencho Bultum, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Nguồn nhân lực, Lao động và Công nghệ, Hạ viện nước CHDC Liên bang Ethiopia phát biểu tại buổi làm việc.

Thông tin từ Đoàn công tác cấp cao của Ethiopia cho biết, Ethiopia là 1 trong những nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Phi và có những điểm tương đồng với Việt Nam. Hiện tại Ethiopia cần có những sự cải cách về xã hội, kinh tế, do đó, Đoàn công tác muốn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về xây dựng tiền lương tối thiểu, các bước tiến hành xây dựng mức tiền lương tối thiểu và nâng cao kỹ năng của người lao động để đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động...

Chia sẻ quy định về tiền lương tối thiểu tại Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, tiền lương là vấn đề quan trọng, là thước đo lao động, là động lực cho người lao động phát huy tinh thần làm việc, giúp Việt Nam thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước. Khái niệm “lương tối thiểu” xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm, trong Sắc lệnh số 29-SL ngày 12/3/1947 và đến nay đã qua rất nhiều lần điều chỉnh để làm rõ về khái niệm này. Lần điều chỉnh gần đây nhất là trong Bộ luật Lao động năm 2019, tại khoản 1 Điều 91 quy định “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội”.

Bộ luật Lao động của Việt Nam cũng giao cho Chính phủ quyền quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Trên cơ sở đó, hằng năm Chính phủ cũng đều có quyết định và công bố mức lương tối thiểu này. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước và bối cảnh chung, Chính phủ cũng điều chỉnh mức lương áp dụng đối với khối cán bộ, công chức nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong chia sẻ tại buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, để hài hòa quyền lợi giữa các bên và theo khu vực, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cơ bản về Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Bộ luật Lao động cũng quy định rõ thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia theo cơ chế 3 bên, bao gồm đại diện Nhà nước là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện cho chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đây là cơ chế phù hợp với nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là các công ước của ILO.

Trên thực tế triển khai cho thấy, các mức lương tối thiểu là phù hợp với thực tế, vừa góp phần cải thiện đời sống người lao động, nhưng không gây tác động tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế, được người lao động và cộng đồng doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong và các đại biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong khẳng định, hiện nay cũng như trong giai đoạn tới, tiền lương tối thiểu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tiền lương, là động lực thúc đẩy tăng trưởng tiền lương và an sinh xã hội. Do đó Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong thể chế tiền lương tối thiểu theo nguyên tắc thị trường phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại cuộc làm việc, Hai bên cũng đã trao đổi về thực tiễn triển khai các chính sách về người lao động, việc làm và tiền lương, đặc biệt là tiền lương tối thiểu vùng; kinh nghiệm hài hòa giữa quy định về tiền lương tối thiểu và bảo đảm tính cạnh tranh về kinh tế; định hướng chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế...

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82380