Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

Ngày 30-6, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã diễn ra Tọa đàm 'Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia' do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chủ trì.

Tọa đàm là một diễn đàn mở nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị lưu trữ tài liệu từ Trung ương đến địa phương, cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu và công chúng rộng rãi.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhấn mạnh, sự kiện này góp phần phát huy các giá trị của tài liệu quốc gia. Đó là các giá trị về chính trị, lịch sử, văn hóa... nhằm phục vụ xã hội, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, bà Mai Thu Hiền, Trưởng phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã trình bày tham luận về “Chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”. Theo đó, lưu trữ lịch sử nhà nước ở Trung ương hiện có 33.000m giá, 1.000 phòng sưu tập; còn tại lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có 68.000m giá, 3.317 phòng, đã phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay. Đáng chú ý đến là 2 di sản tư liệu thế giới, 2 bảo vật quốc gia. Thời gian thực hiện chương trình được kéo dài từ năm 2022 đến 2030, đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình.

Thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn; tổ chức các đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm sử dụng ở trong và ngoài nước, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm giúp nâng cao nghiệp vụ lưu trữ, kiến thức về lịch sử văn hóa, chính trị; kỹ năng tuyên truyền, công bố tài liệu; trình độ ngoại ngữ và trình độ công nghệ thông tin.

Về kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: “Trung tâm đã thực hiện các hình thức công bố nhiều năm qua và liên tục đổi mới về cả nội dung và phương pháp. Đặc biệt, trong hơn 10 năm gần đây, việc phát triển và phát huy tư liệu ngày càng được đẩy mạnh và đầu tư”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Sau khi lắng nghe những kinh nghiệm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, ông Mai Trường Sinh, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cũng đã chia sẻ về công tác sưu tầm, công bố tài liệu lưu trữ phục vụ nghiên cứu lịch sử địa phương từ tỉnh Hà Tĩnh.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn chủ đề và hình thức công bố giới thiệu tài liệu, kinh nghiệm hợp tác công bố giới thiệu tài liệu đến từ các chuyên gia đầu ngành như: Kinh nghiệm chọn chủ đề công bố phù hợp với các sự kiện đang nóng của xã hội; Kinh nghiệm sản xuất phim và truyền thông số đối với tài liệu lưu trữ; sưu tầm, công bố tài liệu lưu trữ về Đà Nẵng - Những cách tiếp cận mới; Kinh nghiệm phối hợp triển lãm Dấu ấn Thành Nam; Hợp tác công bố, triển lãm tài liệu lưu trữ - Hướng đi phù hợp và hiệu quả trong giai đoạn mới.…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, tọa đàm đã cung cấp, chia sẻ thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu; đề xuất những giải pháp, hình thức mới trong hoạt động công bố, đặc biệt là xu hướng tiếp cận đối với công chúng trẻ; trao đổi mở ra những hướng hợp tác giữa các Lưu trữ quốc gia, Lưu trữ lịch sử địa phương, các bảo tàng, di tích văn hóa.

VỪ ĐỨC ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chia-se-kinh-nghiem-cong-bo-tai-lieu-luu-tru-quoc-gia-732891