'Chia lửa' với doanh nghiệp

Hai năm trở lại đây, giá cước vận tải biển tăng đột biến, cao gấp nhiều lần đã trở thành gánh nặng lớn cho doanh nghiệp nước ta. Hiện tại, giá thị trường của một container vận chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Los Angeles (Hoa Kỳ) tuy đã giảm nhưng tiếp tục dao động quanh mức 16.000 USD so với mức 4.700 USD một năm trước đó, theo Chỉ số Freightos Baltic. Vấn đề là hệ thống logistics toàn cầu có thể thêm phiên rối loạn, giá cước các tuyến tàu biển có thể tiếp tục 'nhảy dựng' do Trung Quốc đang kiên trì thực thi chính sách 'zero Covid', chưa kể cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Sự lây lan mạnh của biến thể Omicron trong tháng này đã buộc nhà chức trách Trung Quốc phải ban bố lệnh hạn chế đi lại, trong đó có 2 trung tâm chế tạo lớn là Thâm Quyến và Đông Hoản, làm gián đoạn hoạt động sản xuất hàng hóa. Hiện các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa song số lượng tàu container đang neo chờ cập bến ngày càng tăng. Tình trạng này có thể sẽ khiến cước phí thuê tàu vận tải hàng hóa tăng mạnh, trong khi thời gian chờ xếp dỡ hàng tại cảng kéo dài hơn.

Cước tàu biển tăng chỉ là một trong những yếu tố tiếp thêm năng lượng cho cơn bão giá đang càn quét các doanh nghiệp vốn đã rất kém sức chống chịu sau 2 năm “chiến đấu” với Covid - 19. Chi phí tăng ở từng mắt xích - nguyên vật liệu, xăng dầu, chi phí logistics, lao động…, muốn “sống” doanh nghiệp buộc phải bán sản phẩm với giá cao hơn nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã chấp nhận. Những doanh nghiệp đã ký hợp đồng tới tháng 7, tháng 8 thì khó khăn nhân lên gấp bội. “Chúng tôi rất lo lắng khi tình hình thế giới bất ổn, nguồn cung năng lượng và vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhưng hiện chưa có giải pháp nào tối ưu”, ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, Bình Dương xác nhận.

Thời điểm này các doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ, trong đó có việc xem xét lại mức thu phí và lùi thời hạn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh. Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển để tái đầu tư là cần thiết nhưng thành phố nên cân nhắc thời điểm và mức thu thích hợp hơn, thay vì bắt đầu từ 1.4 tới, như một cách "chia lửa" với doanh nghiệp. Hơn thế, “khoan sức doanh nghiệp” là giải pháp tốt cho phục hồi kinh tế sau đại dịch không chỉ của TP. Hồ Chí Minh mà còn của cả nước, bởi thành phố là trái tim của nền kinh tế Việt Nam, có vai trò và vị thế tương quan với các nước trong khu vực. Chưa kể, đằng sau doanh nghiệp chính là số phận hàng triệu công nhân và nông dân. Nếu doanh nghiệp “hụt hơi”, nhóm đối tượng yếu thế này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời hạn nộp thuế... trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được triển khai nhanh hơn, mạnh hơn. Đã hơn 2 tháng trôi qua từ khi Quốc hội thông qua các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng cũng 2 lần ban hành công điện đôn đốc thực hiện Chương trình nhưng nhiều bộ, ngành vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong "cơn bão giá" đẩy chi phí sản xuất tăng cao, doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ này phải được thiết kế sao cho đến với những doanh nghiệp thuộc đối tượng thụ hưởng nhanh chóng nhất, thủ tục đơn giản nhất để doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục hồi sản xuất và bớt được phần nào gánh nặng chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chia-lua-voi-doanh-nghiep-mv0dqd7ffc-81131