'Chìa khóa' nâng cao chất lượng đào tạo

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xem là một trong những 'chìa khóa' để nâng cao chất lượng giáo dục.

“Nâng chất” nhờ ứng dụng công nghệ thông tin

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Đặng Lan Hương (giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ) luôn trăn trở với việc chủ động thay đổi phương pháp, giúp học sinh ngày càng được thụ hưởng chương trình giáo dục tốt hơn và phát triển phòng học thông minh là một trong những điều cô đang hướng tới. Qua những hoạt động trên lớp, nhận thấy học sinh có hứng thú với các bài học có sự hỗ trợ nhiều từ phần mềm và học sinh là người được tương tác, cô đã nghiên cứu, thiết kế một số bài giảng, hỗ trợ tạo sản phẩm đánh giá năng lực học sinh để các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, tự tin. Trong quá trình học, học sinh được tương tác với phần mềm và giáo viên làm các em tăng hứng thú học tập, đồng thời tích cực hơn với các nhiệm vụ học được đề ra. Sau quá trình thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại phòng học thông minh”, các bài giảng của cô được đông đảo phụ huynh và học sinh ủng hộ, đem lại hiệu quả tích cực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ góp phần thay đổi phương pháp dạy - học mà còn tạo ra sự thích ứng nhanh chóng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Ngoài ra, để học sinh phát triển một cách toàn diện, cô đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hướng dẫn học sinh sử dụng sách điện tử, nguồn sách nói một cách hợp lý. Các hoạt động tìm hiểu văn hóa địa phương, vẽ tranh cổ động các phong trào như bảo vệ môi trường, chống thuốc lá, sáng tạo khoa học… cũng được cô đề cập đến. Học sinh được cảm nhận về sách, về thế giới xung quanh và được viết cảm nhận trên phần mềm với tài khoản riêng đã bước đầu hình thành thói quen đọc sách, viết văn.

Tương tự, nhận thức rõ tiếng Anh là môn học đặc thù, cô giáo Phạm Thanh Dung (giáo viên Trường Trung học cơ sở Phúc Lợi, quận Long Biên) đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra những tiết học lý thú, sinh động, từ đó giúp học sinh thêm yêu thích môn học. Trong quá trình dạy học, cô thường tổ chức các trò chơi xen lẫn trong bài giảng như: Lucky number, Slap blackboard Crossword, Bingo... giúp khuấy động không khí lớp học. Cùng đó, cô đã sử dụng ứng dụng Chat GPT để tạo ra các bài Chant theo từng chủ điểm, giúp học sinh ghi nhớ bài học hiệu quả; sử dụng công nghệ VR3D thực tế ảo trong bài giảng, học sinh được trải nghiệm các hình ảnh 3D sống động ngay trong bài học, giúp tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn.

Hay như cô giáo Tạ Thị Ngọc Tú (giáo viên Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, quận Đống Đa). Trong công tác chuyên môn, cô đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Lịch sử thông qua sử dụng hiệu quả các công cụ, phần mềm: Skype, Canva, Flipgrid, Blooket, Quizzi, Microsoft Teams, Form… Trong 2 năm liên tục (2022 và 2023), cô được Microsoft chọn làm Microsoft Innovative Educator Expert (Chuyên gia giáo dục của Microsoft). Cô đã lan tỏa tới các thành viên trong nhà trường, tích cực xây dựng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa trở thành trường học điển hình của Microsoft. Cùng với các giáo viên trong cộng đồng giáo viên sáng tạo, cô đã góp phần lan tỏa những ý tưởng, giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng vào công tác giảng dạy tới các giáo viên trên cả nước…

Xu thế tất yếu của giáo dục

Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học đã và đang dần được khẳng định và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Theo ghi nhận, thời gian qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động của ngành như: Chuyển đổi số trong quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy, học; số hóa thông tin quản lý, tạo cơ sở dữ liệu liên thông; dịch vụ công trực tuyến; số hóa học liệu, thư viện số; phòng thí nghiệm ảo; đào tạo trực tuyến…

Đáng nói, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) để phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố. IOC có chức năng: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở GD&ĐT Hà Nội bằng công cụ hiện đại, thông minh, trực quan; tích hợp hệ thống Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển thông minh, tùy theo thời điểm; quản lý và tổ chức các cuộc họp trực tuyến; hệ thống giám sát thời gian thực qua camera tới cổng, sân trường của các trường học; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD&ĐT trên Cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý tuyển sinh trực tuyến trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Trong thời gian tuyển sinh, các trường học trên địa bàn đều tăng cường công tác truyền thông, vận động, hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Quá trình thực hiện, bộ phận quản trị ghi nhận hệ thống vận hành thông suốt, không bị nghẽn mạng. Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía phụ huynh học sinh…

Năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường; trong công tác giảng dạy và học tập; khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả của Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh thành phố Hà Nội... để chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chia-khoa-nang-cao-chat-luong-dao-tao-164816.html