'Chìa khóa' mở hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Tuyên Quang

Khoa học và công nghệ (KH - CN) được ví như 'chìa khóa' mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang. Việc đẩy mạnh ứng dụng KH - CN, nhất là từ Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH - CN của Chính phủ đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, góp phần giải quyết căn cơ bài toàn xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Bệ phóng" cho thương hiệu sản phẩm vươn xa

Tìm về HXT nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang (TP. Tuyên Quang) theo lời giới thiệu của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Việt. Tại đây, chúng tôi được gặp anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX nuôi ong Phong Thổ người được mệnh danh “Vua Ong” của vùng đất xứ Tuyên.

Theo chia sẻ của của anh Phong, nuôi ong để phục vụ gia đình thì đơn giản, nhưng để lấy mật với số lượng lớn thì rất gian nan, vì ong rất dễ mắc bệnh hoặc không đủ nguồn thức ăn tự nhiên để ong thụ phấn, dẫn đến sản lượng bị sụt giảm. Do đó, để phát triển bền vững, HTX đã ứng dựng khoa học, kỹ thuật bằng cách nuôi ong theo quy trình VietGAP… Nhờ nuôi ong theo quy trình này mà hiện nay số lượng đàn ong của HTX lên đến 10.000 đàn. Mỗi năm, cho thu hoạch 4 vụ, sản lượng 150 tấn mật ong các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương 4 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo anh Phong, để sản phẩm mật ong Phong Thổ có chỗ đứng trên thị trường, năm 2013, HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm mật ong Phong Thổ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã góp phần "nâng tầm” giá trị của sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm của HTX đang được bán trực tiếp tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch; đồng thời xuất khẩu sang thị trường Mỹ và một số nước EU… Hiện nay, HTX có 13 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao. Năm 2022, sản phẩm của HTX được trao giải khuyến khích tại Cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Tuyên Quang…

Tham gia dự án “Ứng dụng các giải pháp KH - CN quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn” ngay từ khi dự án triển khai, anh Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú (Sơn Dương) phấn khởi cho biết, nhờ được chuyển giao công nghệ về cách phối trộn khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng hoàn chỉnh cho lợn, vắc xin tiêm phòng, cách xử lý chất thải bằng hệ thống máy tách phân hiện đại và ủ phân theo công nghệ Nhật Bản - VCN... đã giúp chi phí thấp, đàn lợn lớn nhanh đạt khối lượng từ 110 - 120 kg/con. Trừ các khoản chi phí, thu lãi từ 1,5 - 1,9 triệu đồng/con lợn. Ngoài ra, gia đình anh có thêm khoản thu nhập từ phân bón hữu cơ khi ứng dụng công nghệ mới này…

Tiếp tục “trợ lực” cho khu vực nông thôn, miền núi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh: Nhờ sự tiến bộ của KH - CN, trong đó cóChương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH - CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số của Chính phủ đã mở ra lối đi mới cho ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời giải quyết căn cơ bài toán xóa đói, giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng nhờ ứng dụng tiến bộ KH - CN đã góp phần xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản khác của tỉnh như: bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); trà đậu đen xanh lòng, bánh gai, lạc Chiêm Hóa; chè xanh Trung Long (Sơn Dương), chè Shan (Na Hang)...; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”; xây dựng và phát triển nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên)… Hiện, toàn tỉnh đã hình thành 76 mô hình liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, 191 sản phẩm OCOP của 134 chủ thể, 107 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, có trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 4 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã chọn phát triển sản suất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba khâu đột phá để triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Để hiện thực hóa Nghị quyết này, việc ứng dụng tiến bộ KH - CN được xem là giải pháp then chốt, tạo bước đột phá của ngành nông nghiệp, nhất là ở 121 xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò rất quan trọng, giúp bà con thay đổi mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, ông Việt nhấn mạnh.

Là cơ quan tham mưu, xây dựng chính sách KH - CN, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Đại Thành cho biết, trong thời gian tới Sở này tiếp tục mời gọi, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm ứng dụng, chuyển giao KH - CN, các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Giai đoạn 2013 - 2023, Tuyên Quang có 172 đề tài/dự án KH - CN cấp tỉnh, cấp Quốc gia, cấp Bộ được triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bách Hợp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/chia-khoa-mo-huong-di-moi-cho-nganh-nong-nghiep-tuyen-quang-i342816/