'Chìa khóa' giúp mở đầu ra ổn định cho nông sản sạch

Trong hiện tại và cả tương lai, nếu các doanh nông Việt muốn mở đường ra ổn định cho nông sản sạch, muốn cắm sâu vào sự thừa nhận trong lòng khách hàng thì 'chìa khóa' quan trọng là phải có sự hài hòa giữa chất lượng 'cứng' và chất lượng 'mềm'. Cùng với đó là sản xuất xanh, kiên trì tham gia kết nối, trực tiếp đi kể câu chuyện về sản phẩm của mình...

Trong một sự kiện gần đây có liên quan đến việc kết nối hàng hóa, nông sản Việt với các nhà phân phối nội địa, ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT CTCP ca cao Việt Nam (Vinacacao), Chủ tịch Hội Chất lượng Tp.HCM, cho biết khi quan sát một số doanh nghiệp (DN) trưng bày sản phẩm, điều làm cho ông thất vọng là họ không thể hiện được tầm quan trọng với các chứng nhận về ISO (bộ tiêu chuẩn về quản lý chất lượng), về HACCP (hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm), về CSR (trách nhiệm xã hội của DN)...

Cần chất lượng “cứng” lẫn “mềm”

Theo ông Liêng, trong tương lai, với thị trường tiêu dùng Việt, nếu các DN này muốn bền vững, muốn cắm sâu vào sự thừa nhận trong lòng khách hàng thì họ cần phải xem xét các yếu tố “mềm” như các chứng nhận nêu trên.

Đường ra cho nông sản sạch của các doanh nông Việt sẽ trở nên ổn định hơn khi nắm vững được “chìa khóa”quan trọng là hài hòa giữa chất lượng “cứng” và chất lượng “mềm”.

Không những vậy, vị chủ tịch của Hội Chất lượng Tp.HCM nhấn mạnh với sản phẩm của các DN đang đòi hỏi không chỉ có chất lượng “cứng” (là các tiêu chuẩn đã đạt được) mà còn cần phải có chất lượng “mềm” (là đạo đức trong kinh doanh, như sử dụng chất liệu gì, chất thải gì, bao bì gì…).

“Chất lượng là sự thừa nhận của khách hàng. Điều đó có nghĩa chất lượng sản phẩm của DN và hệ thống phân phối được thừa nhận thông qua khách hàng. Còn một khi DN có thể là nhà sản xuất tốt, hệ thống phân phối tốt, nhưng nếu như khách hàng không thừa nhận thì sản phẩm sẽ không bán được. Cho nên chất lượng và sự bền vững hội đủ trong một yếu tố là sự thừa nhận của khách hàng”, ông Liêng bộc bạch.

Bên cạnh đó, ông Liêng lưu ý các DN nội địa ngoài việc làm sao để người mua hài lòng thì họ còn phải đối mặt sức ép cạnh tranh trên thị trường “sân nhà” với những đối thủ rất lớn đến từ châu Âu hoặc từ các quốc gia trong khu vực ASEAN. Những đối thủ này thông qua các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập thị trường Việt và các DN Việt cạnh tranh với họ một cách rất công bằng trong các hệ thống phân phối.

Chính vì thế, theo ông Trần Văn Liêng, điều mong mỏi là các hệ thống siêu thị với hỗ trợ của cơ quan quản lý cần tạo sự liên kết chặt chẽ để coi trọng, mở đường ra một cách rõ ràng hơn cho các nhà sản xuất nông sản nội địa đeo đuổi đường chân chính, nghiêm túc, có yếu tố về đạo đức và môi trường. Dù cho là những DN nội địa như vậy không to lớn so với các đối thủ ngoại.

Từ việc coi trọng về yếu tố “mềm”, chất lượng xanh, theo dự kiến khi tham dự vào triển lãm quốc tế hàng đầu về nông sản thực phẩm là Thaifex Anuga Asia 2024 sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2025 tại Bangkok (Thái Lan) sẽ có một “biệt đội xanh” gồm 18 doanh nông Việt (tức những nhà sản xuất kinh doanh nông nghiệp) tham gia “tác chiến” tại sự kiện này.

Trong đó có thể kể đến các tên tuổi doanh nông Việt như Ecolotus với loại sản phẩm túi vải và túi giấy được trang trí với lá sen sấy mỏng gia công thành sản phẩm thời trang. Hương Đồng Tháp có các loại tinh dầu thiên nhiên chiết xuất từ bưởi, cam, quýt, chanh, sả…Lương Quới với nước dừa tươi đóng hộp vị dâu hay vị chanh muối, còn có cả bơ dừa. Vinamit gây chú ý với những sản phẩm tốt cho sức khỏe như nước cần tây sấy lạnh, có bột gừng đen lên men, một số sản phẩm đạm thực vật như mít non đóng hộp, nấm sấy…

Điều mong đợi là khi tham gia vào lần “xuất ngoại” như vậy với các hoạt động kết nối thương mại, tiếp xúc với các đối tác bán lẻ hàng đầu châu Á, sẽ giúp các doanh nông Việt học hỏi được kinh nghiệm của quốc tế về phát triển sản phẩm bền vững, cũng như cách tận dụng cơ hội thâm nhập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm xanh và bền vững.

Kiên trì với kết nối

Hoặc như trên thị trường nội địa, việc kiên trì kết nối nông sản sạch và bền vững được cho là sẽ giúp cho các doanh nông Việt có được đường ra ổn định. Điều này có thể minh chứng từ hiệu quả của chương trình Phiên chợ Xanh - Tử tế do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức từ năm 2016, đến nay đã là năm hoạt động thứ 8.

Đây là nơi quy tụ hàng ngàn sản phẩm chất lượng đến từ hơn 50/63 tỉnh, thành trên cả nước. Tất cả là tài nguyên bản địa, chỉ dẫn địa lý, OCOP 3-5 sao, sản phẩm nông thôn tiêu biểu theo tiêu chí Xanh - Sạch - Tươi - An toàn, nguồn gốc rõ ràng từ tận trời Nam đến đất Bắc hay eo biển miền Trung thậm chí là vùng núi Tây Nguyên.

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm BSA, cho biết đã có hơn 330 phiên phiên chợ được thực hiện với sự tham gia luân phiên của hơn 80 DN, những doanh nông trẻ đến từ Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bến Tre, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lâm Đồng, Sapa, Đắk Lắk…và Tp.HCM.

Theo bà Kim Anh, thông qua phiên chợ xanh tử tế như vậy đã có những chuyến đi khảo sát quy trình, trồng và chế biến tại các vườn rau, cơ sở sản xuất để kiểm tra và thăm hỏi góp ý nhằm mục đích xác định và tìm kiếm nông sản sạch. Những nông sản, sản phẩm được trồng, chế biến và sản xuất theo quy trình chặt chẽ an toàn và sạch, hoặc theo kinh nghiệm dân gian, gia truyền đều được sự quan tâm từ người bán đến người mua.

Như chia sẻ của vị phó giám đốc Trung tâm BSA, hành trình phía trước còn dài, các doanh nông Việt phải tồn tại và phát triển dựa trên chất lượng và sự minh bạch nguồn gốc sản phẩm. Nhất là những doanh nông trẻ luôn năng động và sáng tạo, yêu cái đẹp và hương vị trong thực phẩm, luôn hết lòng vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt.

Không chỉ thông qua các hoạt động kết nối như vậy, để các doanh nông có được đầu ra sản phẩm tốt hơn, theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, bây giờ họ phải xuất hiện, người tiêu dùng đã thay đổi, họ muốn gặp ngay người bán sản phẩm, kể câu chuyện về sản phẩm mà mình làm ra chứ không phải siêu thị hay người bán hàng.

“Họ sẽ phải trực tiếp kể câu chuyện về sản phẩm của mình với khách hàng. Đó là điều mà các doanh nông trẻ có thể nắm bắt và họ cho thấy nắm bắt tốt và làm tốt hơn thế hệ cũ”, ông Viên nói.

Có thể nói một khi các doanh nông Việt vững tâm đi theo con đường sản xuất xanh, có sự hài hòa giữa chất lượng “cứng” và chất lượng “mềm”, cùng với sự kết nối kiên trì và trực tiếp kể về câu chuyện sản phẩm thì “chìa khóa” cho đường ra của nông sản sạch sẽ được mở một cách ổn định. Và nói như ông Trần Văn Liêng, sự thừa nhận của khách hàng đang nằm ở chất lượng và tính bền vững.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chia-khoa-giup-mo-dau-ra-on-dinh-cho-nong-san-sach-1099370.html