'Chìa khóa' để giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực chuyển giao KHKT… để hộ nghèo có đủ năng lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, đó là cách làm mang lại hiệu quả cao của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan trong thời gian qua.

Chị Bùi Thị Thân, xã Thạch Bình phát triển kinh tế nhờ nuôi bò sinh sản.

Từ những năm 90, anh Bùi Văn Dũng, người dân tộc Mường, ở thôn Đồng Bài, xã Quảng Lạc đã mạnh dạn đấu thầu đất để làm gia trại. Một hồ nước rộng để nuôi cá, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn thịt, ngoài ra anh còn trồng keo trên những triền đồi.

Có ý chí vươn lên nhưng việc chăn nuôi của anh Dũng lại gặp nhiều khó khăn, có những thời điểm gần như thua trắng. Nguyên nhân là bởi anh còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nhất là với quy mô lớn.

"Khi bắt tay làm lại từ đầu, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về các con nuôi. Đồng thời, tranh thủ các lớp hướng dẫn KHKT mà địa phương tổ chức để học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm. Tôi cũng đã đi tham quan, học tập các mô hình tương tự, từ đó tích lũy kinh nghiệm và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trên mô hình chăn nuôi của mình. Việc chăn nuôi từ đó đã thuận lợi hơn nhiều. Hiện nay, tôi vẫn nuôi lợn. Ngoài ra, vẫn là hồ nuôi cá nhưng thay vì bán cá ra thị trường như mọi năm thì tôi phục vụ nhu cầu câu cá cho khách. Đây cũng là hướng đi mới phù hợp và tiềm năng"- Anh Dũng nói.

Ông Bùi Như Gạc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, thu hút sự vào cuộc tích cực của các tổ chức, đoàn thể và đánh thức khát vọng vươn lên của chính người nghèo, địa phương đã phát huy tối đa hiệu quả, vai trò của người uy tín trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, cung cấp kiến thức, kỹ năng và giới thiệu các mô hình giảm nghèo hiệu quả để đồng bào dân tộc thiểu số vận dụng vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhân dân Quảng Lạc tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, phát huy thế mạnh của từng vùng. Hiện nay, toàn xã có một số mô hình tiêu biểu như: nuôi ong, sản xuất lúa nếp cái hoa vàng, trang trại chăn nuôi và gia trại...

Công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được xã Quảng Lạc hết sức chú trọng. Có kiến thức, tay nghề, nhiều lao động dễ dàng tìm được việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tổng số lao động trong độ tuổi có nhu cầu làm việc của xã là trên 3.400 người, trong đó số lao động có việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ trên 93%. Đời sống nhân dân vì thế mà được cải thiện rõ nét. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,62%.

Ở xã Thạch Bình, công tác giảm nghèo được địa phương chú trọng, bắt đầu từ những nỗ lực trang bị kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho người nghèo phát triển kinh tế. Chị Bùi Thị Thân ở thôn Đồi Ngọc, xã Thạch Bình là người dân tộc Mường. Chăm chỉ làm ăn, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng vì đồng đất khó làm ăn, lại đông con nên cuộc sống của hai vợ chồng và 6 người con chỉ ở mức đủ no. Nhưng gần 10 năm trước, chồng chị Thân qua đời vì bạo bệnh. Từ khi chồng chị ốm cho tới khi qua đời, cuộc sống của gia đình chị thực sự khó khăn và đã "rớt" xuống hộ nghèo.

Để vươn lên chị Thân mạnh dạn vay 40 triệu đồng để phát triển sản xuất. Số tiền quý giá này, chị Thân mua cặp bò sinh sản. Nuôi bò phù hợp với đồng đất quê hương, lại được tư vấn kiến thức chăn nuôi nên đàn bò sinh trưởng tốt. Vài năm quay vòng bò, có vốn, chị còn nuôi thêm lợn, trồng rừng và mới đây, chị Thân tham gia vào tổ hợp trồng bí Hàn Quốc. Không chỉ đã thoát nghèo mà hiện nay gia đình chị Thân còn có cuộc sống kinh tế ổn định.

Kinh tế ổn định, đồng bào dân tộc Mường Nho Quan có thêm điều kiện quan tâm đến đời sống tinh thần.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình khẳng định: Qua rà soát cho thấy, một trong những nguyên nhân gây ra nghèo ở những hộ gia đình còn sức lao động, đó là do thiếu kiến thức làm ăn. Vì vậy, chúng tôi xác định rõ, việc trang bị kiến thức cho người dân được xem là giải pháp hiệu quả để giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương. Có kiến thức, kỹ năng, nhiều người dân đã vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện cuối năm 2023, hiện nay toàn xã còn 89 hộ nghèo, chiếm 3,08%; 176 hộ cận nghèo, chiếm 6,10%. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đều giảm rõ rệt so với năm 2022, đáng mừng là số hộ tái nghèo rất ít. Cuối năm 2023, xã Thạch Bình đã phối hợp với Ban quản lý phát triển huyện Nho Quan thực hiện hỗ trợ cho 11 hộ gia đình có người khuyết tật, mỗi hộ 3 thùng ong; hỗ trợ 17 hộ trồng gừng và 4 hộ nuôi lợn; cấp 49 con bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS; mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, chia sẻ kinh nghiệm, vận động giúp đỡ giống, vốn, kỹ thuật để có thêm nhiều hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế.

Huyện Nho Quan có 07 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, gồm các xã: Thạch Bình, Cúc Phương, Yên Quang, Văn Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc. Xác định rõ, muốn hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu chính đáng thì vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số được coi là giải pháp quan trọng. Vì thế, những năm qua huyện Nho Quan đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền hiệu quả; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về phát triển kinh tế, giảm nghèo cho nhân dân địa phương.

Huyện Nho Quan cũng phối hợp tổ chức các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng. Công tác khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng KHKT vào sản xuất được triển khai rộng khắp, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, các hội, đoàn thể liên quan tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2030, chỉ tiêu này đạt trên 45%.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, tạo tiền đề để nguồn lao động này có thể lựa chọn cho mình cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tính đến hết năm 2021, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nho Quan đã có 7/7 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, duy trì và phát triển các tiêu chí nông thôn mới. Đến hết năm 2023, có 2 xã (Cúc Phương, Văn Phương) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đào Hằng-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-chia-khoa-de-giam-ngheo-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc/d2024030807441771.htm