Chỉ tiêu dành riêng cho phụ nữ của đại học Nhật Bản gây tranh cãi

Viện Công nghệ Tokyo tăng chỉ tiêu tuyển sinh đặc biệt cho nữ sinh trong bối cảnh phụ nữ vẫn chịu nhiều thành kiến trong các ngành khoa học và công nghệ tại Nhật Bản.

 Nhiều người phản đối Viện Công nghệ Tokyo tăng suất tuyển sinh cho nữ. Ảnh: NYTimes.

Nhiều người phản đối Viện Công nghệ Tokyo tăng suất tuyển sinh cho nữ. Ảnh: NYTimes.

Ngày 10/11, Viện Công nghệ Tokyo thông báo trường sẽ đặt ra chỉ tiêu đặc biệt cho các thí sinh nữ, bắt đầu từ kỳ tuyển sinh tháng 4/2024. Cụ thể, 143 suất đặc biệt sẽ dành cho các nữ sinh dùng điểm thi và GPA để đăng ký chương trình đào tạo cử nhân của trường trong năm học 2024 và 2025.

"Chúng tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu của sự lan tỏa, thúc đẩy một xã hội chấp nhận sự đa dạng", Viện Công nghệ Tokyo nhấn mạnh.

Tổng số chỉ tiêu không thay đổi

Hiện nay, tỷ lệ sinh viên nữ hệ cử nhân của Viện Công nghệ Tokyo chỉ chiếm khoảng 13%. Nhà trường hy vọng con số sẽ đạt 20% hoặc hơn khi thêm suất tuyển đặc biệt cho nữ.

Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh không thay đổi nên suất trúng tuyển cho những người đăng ký thông qua kỳ tuyển sinh chung sẽ bị giảm từ 930 xuống còn 801.

Động thái này của trường được nhiều người trên mạng xã hội ca ngợi. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc nhà trường đặt ra chỉ tiêu riêng cho nữ là đang phân biệt đối xử với thí sinh nam, theo Mainichi Shimbun.

Cải cách tuyển sinh được đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh viên nữ ngành Khoa học và Kỹ thuật ở Nhật Bản khá thấp. Trong số những quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Nhật Bản là nước xếp cuối về tỷ lệ nữ giới theo đuổi lĩnh vực Khoa học và Kỹ thuật.

Bộ Giáo dục Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) kêu gọi các trường đại học tìm cách tăng số lượng sinh viên nữ ngành Khoa học và Kỹ thuật thông qua kỳ thi tuyển sinh. Các động thái tương tự bắt đầu lan rộng trong các trường đại học trên cả nước. Ví dụ, trường Kỹ thuật của Đại học Nagoya đang thiết lập chỉ tiêu tuyển sinh nữ cho năm học 2023.

Tuy nhiên, những biện pháp này thường gây thất vọng vì thiếu công bằng. Năm 2012, Đại học Kyushu từng lên kế hoạch tạo chỉ tiêu riêng cho các thí sinh nữ đăng ký vào khoa Toán. Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ vì nhiều người chỉ trích cách làm này sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử với thí sinh nam.

Bà Chizuko Ueno, Giáo sư danh dự của Đại học Tokyo, nói rằng ngay cả phụ nữ cũng phản đối việc nhà trường đặt chỉ tiêu riêng cho nữ sinh. Họ không muốn bị người khác nói rằng họ trúng tuyển nhờ ưu tiên đặc biệt chứ không phải nhờ tài năng.

Giáo sư cho rằng nếu áp dụng những phương án tuyển sinh như vậy, các trường đại học cần giải thích kỹ mục đích và phương pháp để được xã hội đồng thuận. Nhà trường cũng cần đặt câu hỏi liệu môi trường giáo dục cho trước đại học có thực sự bình đẳng cho cả nam và nữ hay không.

 Nữ sinh Nhật Bản thường ngại học các ngành Khoa học, Kỹ thuật. Ảnh: Reuters.

Nữ sinh Nhật Bản thường ngại học các ngành Khoa học, Kỹ thuật. Ảnh: Reuters.

Thành kiến cản đường phụ nữ

Theo ông Kazuo Yamaguchi, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Chicago (Mỹ), ở Nhật Bản đang tồn tại một xu hướng rõ ràng là nam giới sẽ đảm nhận nhiều công việc có địa vị kinh tế, xã hội cao hơn, ví dụ bác sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý doanh nghiệp. Mức lương giữa hai giới cũng có sự chênh lệch rõ rệt.

Giáo sư Yamaguchi nhận thấy số lượng nữ sinh đăng ký vào các trường đại học, trường y khoa hàng đầu khá thấp. Ông cũng chỉ ra cách giáo dục cho học sinh trước khi vào đại học có vấn đề vì không tạo ra cơ hội bình đẳng cho nam sinh và nữ sinh.

Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học Harvard (Mỹ) cũng chỉ ra sự thiên vị "vô thức" giữa các nhà giáo dục đã ngăn cản nữ giới thể hiện hết khả năng của bản thân. Nghiên cứu nêu rằng một giáo viên ở Italy luôn tin rằng nữ sinh học kém môn Toán. Điều này khiến lòng tự trọng của nữ sinh giảm sút, điểm môn Toán theo đó cũng giảm.

Ông Noriko Mizutani, Phó giáo sư Kinh tế của Đại học Toyo, cũng tin rằng phụ nữ thường bị ràng buộc bởi những định kiến dựa trên chuẩn mực giới tính trong xã hội và môi trường họ lớn lên.

Tại Nhật Bản, nữ giới thường tránh học các ngành Khoa học, Kỹ thuật. Họ cũng tránh thi vào các đại học hàng đầu và tìm kiếm những công việc mang tính cạnh tranh. Kết quả, họ được trả lương thấp hơn nam giới.

Trong vụ bê bối nổ ra năm 2018, ĐH Y Tokyo, một trong những trường đào tạo y khoa uy tín nhất của Nhật Bản, bắt đầu thay đổi kết quả tuyển sinh từ năm 2011 để khống chế tỷ lệ thí sinh nữ trúng tuyển dưới 30%. Nhà trường giảm số lượng nữ sinh vì lo ngại những người này sau khi tốt nghiệp sẽ không làm trong ngành y hoặc bỏ việc để lập gia đình và sinh con.

Thái An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chi-tieu-danh-rieng-cho-phu-nu-cua-dai-hoc-nhat-ban-gay-tranh-cai-post1382957.html