Chênh vênh xóm 'nhà chồ'

Giữa nhịp sống hiện đại, hối hả, vẫn còn xóm 'nhà chồ' với vài chục căn nhà dựng tạm bợ nằm lọt thỏm giữa lòng phố biển Nha Trang, tách biệt hẳn với cuộc sống đô thị...

Muộn phiền với gió mưa

Vào những ngày tháng 5, men theo những con hẻm ngoằn nghèo, chúng tôi tìm đến xóm “nhà chồ” thuộc tổ dân phố Tây Hải 1, Tây Hải 2 tại phường Vĩnh Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Ít ai có thể hình dung được, giữa lòng thành phố biển vẫn còn tồn tại một khu dân cư với hàng chục căn nhà được dựng bằng cọc gỗ, tạm bợ nằm chông chênh bên bờ biển Nha Trang thơ mộng.

Toàn cảnh xóm “nhà chồ”. Ảnh: Hương Thảo

Toàn cảnh xóm “nhà chồ”. Ảnh: Hương Thảo

Theo những bậc cao niên, cái tên xóm “nhà chồ” bắt nguồn từ việc người dân xây những ngôi nhà dựng trên cọc, vật liệu phế thải ngay giáp mép sóng biển, vì thế người ta gọi đây là xóm “nhà chồ”. Nơi này được hình thành từ rất lâu, có gia đình đã sinh sống qua 3-4 thế hệ.

Ngày ấy, khu vực này hải sản rất nhiều, người dân kéo nhau về dựng nhà, cùng bám biển mưu sinh. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, xóm “nhà chồ” hiện nay có hơn 70 hộ dân nhưng vẫn không có sự đổi thay là mấy.

Trong kí ức của người dân xóm “nhà chồ”, không bao giờ quên những tháng ngày phải sống trong cảnh “chạy sóng” mỗi khi biển gầm gừ. Câu chuyện về người đàn bà gần 60 tuổi Hồ Thị Lượm như minh chứng cho sự khó khăn chung của những phận đời đang sinh sống tại đây.

Ghé đến căn nhà nhỏ với diện tích vỏn vẹn chỉ 30m2 - nơi sinh sống của 5 thành viên gia đình bà Lượm. Gọi là nhà cho thuận miệng chứ đây chỉ là những phên tre, cọc gỗ ghép lại với nhau rồi quây thêm bao tải xung quanh. Chúng tôi cảm nhận được sự “run rẩy” của căn nhà mỗi khi gió thổi mạnh qua.

Mỉm cười với chúng tôi, bà Lượm nói: “Có lần bão kéo về nước tràn lên bờ khiến cả xóm bị ngập, mọi người phải kéo nhau đi lánh nạn. Còn khi gió lớn làm nhà cửa rung rinh là chuyện thường ngày. Cô đừng sợ, tôi mới gia cố thêm cọc gỗ chống lực nên không sao đâu”.

Đưa mắt nhìn xa xăm, bà Lượm cho biết, hầu hết người dân ở xóm “nhà chồ” gắn với nhiều cái không: Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, có nhiều trường hợp không giấy tờ tùy thân, dẫn đến những đứa trẻ sinh ra không được làm giấy khai sinh, không được đến trường.

Ở góc phòng, em Văn Khang (cháu trai bà Lượm, học sinh lớp 5 tại Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên) vội vàng đem chiếc bàn nhỏ xếp trong góc nhà ra, tranh thủ hoàn thành bài tập trước khi đến lớp. Trong kí ức của Khang, không ít lần đám trẻ ở đây phải theo gia đình chạy trốn bão lũ, quay trở về nhà khi bão tan, điều đầu tiên chúng tìm đến là lật mở những trang vở nhòe mực đã ướt sũng, xuýt xoa tiếc bộ sách vừa được cha mẹ mua cho năm học mới.

Không những thế, chỉ vì cuộc sống khác biệt đã khiến những đứa trẻ như Khang không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm bạn bè. Chúng thường chơi với những đứa trẻ có hoàn cảnh tương đồng như mình. Sau những giờ học, những đứa trẻ trong “nhà chồ” bắt đầu cởi trần ra tắm trên biển, mặc xung quanh nhiều rác thải.

Đối với Khang, ở trên căn nhà tạm bợ này khiến việc sinh hoạt hằng ngày của em như ăn, nằm ngủ đều không thoải mái, tự nhiên. Rồi Khang lại mơ ước sẽ có một căn nhà trên bờ, không cần quá rộng nhưng có đầy đủ nhà tắm, nhà vệ sinh và những căn phòng riêng thật thơm, thật đẹp cho người thân của em.

Chỉ tay về phía xa, nơi có những ngôi nhà khang trang, sáng sủa lấp lánh ánh đèn, Kháng nói: “Con muốn được lên bờ để có cơ hội tìm cho mình một tương lai mới, một con đường tươi sáng hơn để có thể kiếm nhiều tiền chăm sóc cho gia đình…”.

Cách đó không xa, căn nhà ọp ẹp của gia đình ông Nguyễn Văn Long (60 tuổi) cũng đang oằn mình trước những cơn gió thổi mạnh. Khi được hỏi về mong muốn của mình, ông Long cười xòa nói: "Nhà xuống cấp hết rồi, giờ không dám tu bổ, sửa chữa, vì sợ khi được lên khu tái định cư thì không còn tiền để di dời. Chúng tôi mong muốn được sớm tạo điều kiện tái định cư và hỗ trợ người dân tiếp tục đi biển hoặc bố trí công việc phù hợp để ổn định cuộc sống”.

Chờ một cuộc di dời

Đưa câu chuyện của xóm “nhà chồ” tới gặp ông Trần Quang Thịnh - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, chúng tôi nhận được nhiều chia sẻ từ ông: “Việc giải tỏa, tái định cư cho người dân khu vực này thuộc giai đoạn 2 của dự án bờ kè Tây Hải. Hiện tại dự án đã kết thúc giai đoạn 1, khi giai đoạn 2 được triển khai thì mới có phương án về việc giải tỏa cho các hộ dân”.

Chúng tôi tạm biệt xóm “nhà chồ” khi hoàng hôn dần buông xuống trên biển. Dưới cảnh trời chiều, chúng tôi vẫn thấy những ánh mắt đang khát khao niềm hy vọng được lên bờ định cư với một mái ấm gia đình đầy ắp những tiếng cười. Và cuộc sống của những người dân nơi đây vẫn cứ thế, ngày qua ngày lặp lại. Mùa mưa bão sẽ còn tiếp diễn. Nhà là nơi trở về, là bến đỗ bình yên trước mọi bão dông. Nhưng người ở xóm “nhà chồ” vẫn bồn chồn, phập phồng lo lắng ngay cả khi hít thở dưới mái nhà mình.

Gia đình bà Lượm sinh hoạt trong căn nhà ẩm thấp, nhếch nhác.

Gia đình bà Lượm sinh hoạt trong căn nhà ẩm thấp, nhếch nhác.

Họ không có sự lựa chọn nào khác, dù cho ai cũng từng ấp ủ những giấc mộng đổi đời. Với những con người này, việc di dời đến nơi ổn định hơn chưa biết đến khi nào mới thực hiện. Bởi, tất cả vẫn đang còn là… kế hoạch. Điều họ trăn trở nhất, chính là sẽ làm gì để sống nếu dời vào đất liền.

Với họ, nghề “câu cơm” duy nhất hiện nay càng vất vả, khó khăn hơn vì nguồn lợi thủy sản ở biển ngày càng cạn kiệt. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn nay lại càng cơ cực hơn. Họ thầm nghĩ cứ ở mãi dưới sông nước có lẽ vẫn nghèo mãi thôi mà nếu có được “lên bờ” chẳng biết có khá hơn được không. Suốt đời gắn với sông nước, sống nhờ sông nước, họ hiểu rõ từng đợt sóng, biết nơi nào có cá gì, mùa nào có tôm, mực, mùa nào biển động…

Thiết nghĩ, chính quyền cần tham khảo tâm tư nguyện vọng của người dân, quan tâm sâu sát hơn đặc điểm của cộng đồng nơi đây, làm nhịp cầu vững chắc đề xuất với tỉnh các mô hình sinh kế hay, để có phương án di dời, tái định cư, tạo công ăn việc làm phù hợp nhất cho những mảnh đời này.

Mặt khác, chính quyền địa phương có thể đẩy mạnh trong việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân di cư. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho họ bằng biện pháp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn… để họ có thêm nghề nghiệp mới , thu nhập ổn định hơn nhằm đảm bảo cuộc sống tại nơi ở mới, khép lại một cuộc sống tăm tối, vô định.

Tương lai của những người dân ở xóm “nhà chồ” sẽ ra sao? không ai dám thẳng thắn trả lời, chính quyền địa phương hiện đang cố gắng hết sức mình tìm giải pháp, nhưng xem chừng còn lắm gian nan. Để di dời người dân xóm “nhà chồ”, vẫn là câu chuyện rất dài. Nhưng, cần phải chuẩn bị một cách đầy đủ nhất, để chuyến di dời thực sự là một cuộc đổi đời. Người dân ở đây có quyền mơ về cuộc sống khác - một tương lai rộng mở, tốt đẹp hơn.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chenh-venh-xom-nha-cho-170961.html