Chênh lệch lớn giữa số liệu báo cáo giấy và hệ thống kết nối online

'Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối online vào cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành và địa phương thì mới thấy số liệu từ báo cáo giấy và số liệu trực tiếp từ hệ thống chênh nhau rất xa', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số.

Tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, đã khẳng định về sự cần thiết của việc quản trị số - 1 trong 4 trụ cột của kinh tế số.

Sơ lược về kết quả thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia 4 năm qua, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho biết 2025 là năm thứ 5 thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Phát triển kinh tế số các ngành, Quản trị số và Phát triển dữ liệu số.

Ông Hùng nói chuyển đổi số sẽ diễn ra rất sâu rộng, nếu không giám sát sẽ không quản lý được. Việc giám sát chỉ có thể thực hiện được bằng công nghệ, bởi chỉ dùng người là không khả thi với số lượng dữ liệu khổng lồ. Việc kết nối phục vụ quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông vào các hệ thống chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp bộ, ngành là để phục vụ quản lý online, đo lường online. Báo cáo giấy thì định kỳ, không thường xuyên và chưa chắc đã là số liệu thực.

"Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối online vào cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành và địa phương thì mới thấy số liệu từ báo cáo giấy và số liệu trực tiếp từ hệ thống chênh nhau rất xa. Quản lý online chính là quản trị số, là một trong 4 trụ cột của kinh tế số", Bộ trưởng Hùng nói.

Về cách làm đối với chuyển đổi số trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Hùng, cần làm thí điểm cho đến nơi, cho đến thành công rồi nhân rộng ra cả nước. Chuyển đổi số phải làm 100% mới hiệu quả, nhưng không thể đủ nguồn lực, nhất là nhân lực để làm thí điểm cả nước.

"Bởi vậy, tập trung vào làm thí điểm 1-2 tỉnh, 1-2 bộ ngành, làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm cho thuận tiện và dễ dùng, làm cho hiệu quả, làm trên nền tảng số, rồi từ đó làm nhanh ra cả nước", ông Hùng nói.

Theo kế hoạch, trong quý 2/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng kết mô hình thành công về dịch vụ công trực tuyến toàn trình tại 1 tỉnh, mô hình thành công về trung tâm điều hành thông minh tại 1 tỉnh, mô hình thành công về chuyển đổi số cấp bộ, ngành tại 1 bộ, ngành. Từ cuối quý 2 sẽ phổ biến nhân rộng.

Nhắc tới thời ứng dụng CNTT trước đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra bất cập khi tất cả các bộ, ngành, địa phương đều làm phân tán, hầu như không có các hệ thống, nền tảng dùng chung toàn quốc.

"Khi đó, các nơi cứ tự làm từ A đến Z", Bộ trưởng chỉ ra hạn chế và khẳng định, hiện là thời của chuyển đổi số, đã có các nền tảng dùng chung toàn quốc, các nền tảng trung ương. Ông cũng nêu rõ, theo kế hoạch, quý 2/2024 này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm rõ những nền tảng của trung ương và các nền tảng địa phương để địa phương yên tâm và chủ động xây dựng.

Cũng theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần đưa một số ứng dụng AI mẫu vào các cơ quan nhà nước ngay trong năm nay. Tuy nhiên, ông lưu ý, AI càng hẹp thì càng dễ huấn luyện, càng thông minh, càng hiệu quả. Các nền tảng AI của Việt Nam phải tạo ra công cụ cho người dùng nhập dữ liệu của mình và huấn luyện.

"AI của mình thì mình phải huấn luyện, phải đưa dữ liệu của mình vào. AI mà người khác huấn luyện, dựa trên dữ liệu của người khác thì giống như người giúp việc không rõ lai lịch", ông Hùng nói.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chenh-lech-lon-giua-so-lieu-bao-cao-giay-va-he-thong-ket-noi-online-post174526.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat