Chênh lệch giá vàng quá cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm nguồn cung?

Ngân hàng Nhà nước khẳng định không chấp nhận giá vàng trong nước chênh cao so với thế giới, nên mới đây đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng.

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC liên tục “nhảy múa”, lên xuống thất thường. Trong khi giá vàng nhẫn chỉ ở mức 63-64 triệu đồng/lượng thì giá vàng miếng SJC tăng vọt lên mức 80,33 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra rồi lại lao dốc không phanh xuống 70-74 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), chênh lệch với giá vàng thế giới có thời điểm lên đến 20 triệu đồng/lượng.

Những ngày đầu năm 2024, giá vàng SJC dù có giảm nhiệt nhưng vẫn tăng – giảm thất thường, đồng thời chênh lệch mua bán cũng được các cửa hàng kinh doanh vàng điều chỉnh khoảng cách lớn chưa từng có, lên mức 4-6 triệu đồng/lượng.

Trong thời gian chờ sửa Nghị định 24, các chuyên gia cho rằng NHNN cần phải tăng thêm nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới.

Để chuẩn bị sẵn sàng phương án can thiệp, bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.

Trong đó, Kiểm toán nội bộ làm đầu mối và có trách nhiệm xây dựng Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu. Ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN. Xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của NHNN và Quy chế quản lý khuôn sản xuất vàng miếng, máy dập vàng miếng và giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu không phải của NHNN.

Đánh giá về động thái trên của NHNN, các chuyên gia cho rằng đây là bước chuẩn bị để NHNN nhập nguyên liệu về gia công vàng miếng SJC nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, giảm chênh lệch giá. Tuy nhiên, để thị trường vàng cân bằng, giá trong nước và giá thế giới không quá chênh lệch, thì việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng như thế nào mới quan trọng.

Mới đây, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cũng có đề xuất xuất NHNN cho phép lưu hành một vài thương hiệu vàng miếng khác như: PNJ, DOJI, thay vì chỉ có SJC để tăng tính cạnh tranh về mặt giá cả và đa dạng hóa nguồn cung. “Không cho nhập khẩu vàng không giải quyết được vấn đề. Cần giải quyết vấn đề từ gốc, chứ không phải từ ngọn”, Hiệp hội khẳng định.

Theo tính toán của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu tính tất cả chi phí, chênh lệch khoảng 2 triệu đồng/lượng là mức có thể chấp nhận được. Do đó, để giá vàng trong nước chỉ chênh với thế giới 2 triệu đồng/lượng, NHNN phải bỏ độc quyền về nhập khẩu vàng và độc quyền về thương hiệu vàng quốc gia SJC.

Ông kiến nghị cần cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín, thực lực tài chính nhập khẩu vàng, để nguồn cung dồi dào, cân bằng cung - cầu.

“Thời điểm này, Nghị định 24 đã làm tốt vai trò là chống được hiện tượng vàng hóa, vì vậy NHNN không cần độc quyền mà phải để thị trường có những sản phẩm cạnh tranh công bằng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tại họp báo mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định cần thiết phải sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn.

Chỉ đạo của Thủ tướng cũng yêu cầu phải báo cáo trong tháng 1/2024. Nhưng giới phân tích đưa ra nhận định, khả năng sẽ không kịp cho việc sửa đổi Nghị định 24, vì còn phải lấy ý kiến các bộ, ban ngành trước khi trình Thủ tướng ký ban hành. Do đó, các chuyên gia cho rằng NHNN cần phải tăng thêm nguồn cung vàng miếng để kéo giá vàng SJC về gần với giá thế giới.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/chenh-lech-gia-vang-qua-cao-ngan-hang-nha-nuoc-se-tang-them-nguon-cung-1097714.html