Chế tạo thành công buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 di động

Nhóm nghiên cứu là cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ vừa chế tạo thành công Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo giữa nhân viên y tế và người được lấy mẫu.

Tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, việc bố trí phù hợp, tránh lây nhiễm chéo là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó, ý tưởng sáng tạo sản phẩm có công năng vừa lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 nhanh chóng, vừa bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế và người được lấy mẫu là Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ra đời.

Nhóm nghiên cứu sản phẩm này gồm: PGS.TS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, cố vấn nhóm nghiên cứu cùng 10 cán bộ, giảng viên Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 có kích cỡ dài 2m, rộng hơn 1,1m và cao 2,2m, được thiết kế bằng các vật liệu dễ tìm mua trên thị trường là: tol, Poly cacbonat (một loại polymer nhựa nhiệt dẻo, trong suốt), gỗ công nghiệp, một số thiết bị điện, điện tử,… Buồng có 3 bộ phận chính: Buồng kín cách ly bên ngoài, hệ thống cấp không khí sạch và bộ phận khử trùng găng tay.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 di động nặng 80 - 100kg/buồng, giá mỗi sản phẩm là 60 triệu đồng.

Thạc sĩ Phan Thanh Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, Trường Đại học Cần thơ cho biết, khi hoạt động, không khí “tươi” được đưa vào buồng, thông qua bộ cấp khí, đảm bảo khí sạch. Bộ cấp khí có nguyên lý kết hợp giữa màng lọc HEPA và diệt khuẩn bằng tia UV, có vai trò quan trọng trong việc hạn chế việc lây nhiễm chéo.

“Không khí lọc xong khử khuẩn sẽ được quạt hút đưa vào trong buồng từ ở trên nóc xuống. Lưu lượng của quạt này lớn và đưa vào trong thì cấp dưỡng khí, tạo thành luồng khí thông thoáng, mát mẻ cho người đứng bên trong. Dưới chân của buồng có một cây quạt hút khí ra, thành thử không khí đảm bảo đi từ trên xuống và đi ra ngoài. Khí ở trong áp lực lúc nào cũng “dương” sẽ không bị rò khí từ các khe khác đi vào trong buồng, khí trong đảm bảo là khí sạch”, Thạc sĩ Phan Thanh Lương nói.

Ngoài buồng lấy mẫu, nhóm còn thiết kế hộp đựng mẫu, găng tay, vòi phun xịt cồn khử khuẩn tự động. Theo PGS.TS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, một số buồng đang sử dụng trong nước, sau khi kết thúc ca lấy mẫu, nhân viên mở đèn UV sát khuẩn khoảng 15-20 phút, trước khi vào ca lấy mẫu kế tiếp. Điều này là tốt, tuy nhiên, buồng của nhóm nghiên cứu đã cải tiến để có thể sát khuẩn liên tục và tính toán thời gian vừa đảm bảo cường độ chiếu sáng tia cực tím, vừa đảm bảo thời gian luồng không khí đi ngang qua buồng đó đủ lâu, để phát huy khả năng diệt vi khuẩn của tia UV.

Không khí bên ngoài đi qua bộ lọc HEPA sẽ được khử khuẩn bằng đèn UV trước khi vào buồng, giúp các y bác sĩ có đủ lượng oxy sạch để hít thở và thoải mái hơn khi làm việc.

Buồng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 di động nặng 80 - 100kg/buồng, giá mỗi sản phẩm là 60 triệu đồng. Nếu vật tư và thiết bị, dụng cụ có sẵn, thời gian chế tạo, lắp ráp hoàn chỉnh cho mỗi buồng khoảng 1 - 2 ngày.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu tặng 1 buồng cho UBND TP Cần Thơ, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhóm sẵn sàng sản xuất thêm nhiều buồng để phục vụ cho các tỉnh, thành ĐBSCL khi có nhu cầu./.

Hồng Phương/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/che-tao-thanh-cong-buong-lay-mau-xet-nghiem-covid-19-di-dong-881708.vov