Chế tài mạnh xử lý dự án 'treo'

Thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã rà soát, phân loại, xử lý sai phạm, tiêu cực và xác định giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với gần 1.000 dự án đầu tư xây dựng, đầu tư công đang tồn tại bất cập, gây lãng phí, thất thoát cho Nhà nước.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Theo báo cáo của Chính phủ, chiếm nhiều nhất trong số các dự án thất thoát, lãng phí phải kể đến 880 dự án đầu tư công, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý được 314 dự án, trong đó, chấm dứt hoạt động 22 dự án; quyết định thu hồi đất 126 dự án; gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án; điều chỉnh 10 dự án; đưa vào hoạt động 41 dự án.

Riêng đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, hiện mới triển khai thực hiện 2 dự án. Cơ quan chức năng đã chấm dứt hoạt động 2 dự án, gia hạn tiến độ sử dụng đất 3 dự án, xem xét giao đất 1 dự án, 11 dự án còn lại đang xử lý theo quy định pháp luật.

Chính phủ cũng đã xử lý 16 dự án trong 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước không có hiệu quả hoặc lãng phí, đến nay, có 8 dự án đã khắc phục tồn tại và đưa vào hoạt động. Điển hình như dự án trọng điểm Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (thành phố Cần Thơ) bị chậm tiến độ gần 20 năm, khiến Thủ tướng phải quyết định chuyển chủ đầu tư dự án từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, sau gần 10 năm khởi công vẫn chưa thể đi vào hoạt động...

Theo các đại biểu Quốc hội, các dự án đã được quy hoạch nhưng trong tình trạng “treo” không triển khai hoặc triển khai rồi “trùm mền” không chỉ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tiền của dân, mà còn lãng phí cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của của các địa phương và đất nước. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này hiện khá phổ biến tại nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng có liên quan thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém; các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ đã buông lỏng quản lý, sử dụng tài sản, đất đai sai mục đích hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.

Thực tế giám sát cho thấy, các dự án “treo” xuất phát từ khâu lựa chọn dự án chưa thật sự chính xác; công tác khảo sát, chuẩn bị đầu tư chưa bài bản, kỹ lưỡng, không đánh giá cụ thể, toàn diện những vấn đề liên quan; công tác thiết kế, tổ chức thực hiện chưa tốt, khiến các dự án đầu tư công kéo dài, phát sinh chi phí, kém hiệu quả.

Bộ Tài chính khẳng định, lãng phí đầu tư công không phải ở định mức đầu tư mà do tiêu cực trong triển khai thực hiện như ăn bớt khối lượng, ăn bớt chất lượng trong thi công; quá trình triển khai chậm trễ dẫn đến đội vốn công trình... Một số địa phương giao dự án cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Có địa phương chưa thực hiện theo dõi, thống kê và báo cáo thực trạng sử dụng đất đai theo quy định, thậm chí không quản lý và xử lý kịp thời sai phạm.

Nhiều đại biểu kiến nghị, bên cạnh việc sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cần phải có chế tài đủ mạnh với các dự án chậm trễ, kéo dài gây lãng phí, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm sai phạm.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/che-tai-manh-xu-ly-du-an-treo-post468935.html