Chế độ 'tấn công hỏa lực' là gì?

Theo Tập đoàn nhà nước Nga Rostec, Pháo binh Nga đã nhận được lô pháo Malva đầu tiên, sử dụng mọi loại đạn và có chế độ 'tấn công hỏa lực'.

Pháo tự hành 2S43 Malva.

Pháo tự hành 2S43 Malva.

Đòn đánh đặc biệt

Tuyên bố được Rostec được đăng tải cùng video ghi lại khoảnh khắc 2S43 Malva hoạt động chiến đấu.

Bình luận về đặc điểm của pháo, người phát ngôn của Rostec, Bekhan Ozdoyev nói với các phóng viên rằng: "Nhờ khung gầm có bánh hơi, Malva có khả năng nhanh chóng rời khỏi khu vực bắn để tránh bị bắn trả, điều này rất quan trọng trong chiến tranh phản pháo".

Pháo được đặt trên khung gầm bánh 8x8 với khẩu pháo 152mm có khả năng tiêu diệt hầu hết mọi vật thể ở cự ly hơn 24 km. Malva được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các sở chỉ huy, công trình phòng thủ, pháo binh, tên lửa và súng cối, hệ thống phòng không cũng như các đoàn xe bọc thép và quân nhân của kẻ thù.

Đặc biệt, pháo tự hành có thể bắn tất cả các loại đạn pháo và sử dụng chế độ được gọi là "tấn công hỏa lực", trong đó pháo bắn trúng mục tiêu đồng thời bằng nhiều quả đạn di chuyển theo các quỹ đạo khác nhau. Đây là đòn tấn công mà hầu hết những loại pháo khác trên thế giới không thể.

Cùng với thế mạnh hỏa lực, khả năng cơ động cũng là lợi thế của 2S43 Malva khi chúng có thể di chuyển quãng đường đáng kinh ngạc 1.100 km mà không cần tiếp nhiên liệu.

Pháo tự hành Malva được phát triển bởi Viện nghiên cứu trung tâm Burevestnik, một phần của tập đoàn Uralvagonzavod của Nga.

Trước khi Rostec xác nhận chuyển Malva cho quân đội Nga, Bộ Quốc phòng nước này cũng đã tuyên bố lô pháo 2S43 Malva đầu tiên đã được chuyển giao cho đơn vị chiến đấu đang hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Sức mạnh hàng đầu

Đánh giá về 2S43 Malva và pháo binh Nga, Brian Berletic, cựu chỉ huy của Thủy quân lục chiến Mỹ đồng thời là chuyên gia quân sự cho rằng, với loạt hệ thống vũ khí tối tân đã giúp lực lượng Nga đối phó hiệu quả với cuộc chiến ủy nhiệm của NATO tại Ukraine.

"Trong số các hệ thống vũ khí quan trọng và hiệu quả nhất của Nga trên chiến trường hiện nay, tôi có thể kể đến hệ thống tên lửa Pantsir-S1, máy bay không người lái (UAV) Lancet, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90M, trực thăng tấn công Ka-52, các hệ thống pháo binh, trong đó có Malva", ông Berletic nói.

Berletic nhấn mạnh: "Pháo binh Nga nói chung, một khía cạnh của chiến tranh hiện đại mà Nga đã đầu tư sâu sắc trong nhiều thập kỷ, có thể là một trong những khả năng chiến đấu quan trọng và đáng gờm nhất của nước này".

Nhà phân tích lưu ý: "Pháo binh Nga nhờ chất lượng và số lượng đã cho phép lực lượng Nga phá hủy hệ thống phòng thủ của đối phương từ xa, giảm thiểu tổn thất của Nga. Pháo binh Nga cũng ngăn cản đối thủ tiếp cận các vị trí của Nga bằng những đòn đánh chính xác từ khoảng cách an toàn.

Lợi thế về pháo binh của Nga không chỉ tạo ra lợi thế về mặt chiến thuật và chiến lược cho Nga trên chiến trường mà còn tạo ra vị thế sức mạnh về địa chính trị vì phương Tây tập thể không có khả năng sánh ngang với hỏa lực pháo binh của Nga".

Chuyên gia Mỹ còn cho rằng, báo chí chính thống của nước này gần đây đã phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không cản trở được việc sản xuất đạn pháo và các loại vũ khí khác của Nga, đồng thời nói thêm rằng trên thực tế, lĩnh vực quốc phòng của Nga đã tăng cường đáng kể khả năng sản xuất kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Theo ước tính của Berletic, hiện nay Nga sản xuất số lượng đạn dược nhiều gấp 7 lần so với toàn bộ phương Tây. Để tăng cường tính hiệu quả, kho vũ khí phải được sử dụng đồng bộ như một phần của chiến tranh vũ trang tổng hợp.

Do Nga có vũ khí hàng đầu trong mọi lĩnh vực chiến tranh nên các nỗ lực phối hợp của quân đội nước này đã mang lại hiệu quả cho các hoạt động tấn công và phòng thủ trên chiến trường.

Clip hoạt động chiến đấu của pháo tự hành 2S43 Malva.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/che-do-tan-cong-hoa-luc-la-gi-post658924.html