Chạy xe ôm công nghệ: Lựa chọn của nhiều bạn trẻ lúc 'chờ thời'

Nhiều sinh viên ra trường phải đối mặt với thực trạng thất nghiệp, chấp nhận cất bằng đại học, làm dịch vụ bán thời gian để duy trì cuộc sống. Xe ôm công nghệ trở thành lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ.

Ưu điểm của nghề chạy xe ôm công nghệ là không giới hạn thu nhập và người lao động hoàn toàn chủ động trong thời gian làm việc. (Ảnh minh họa)

Chạy xe ôm công nghệ “sống mòn” giữa Thủ đô

Ưu điểm của nghề chạy xe ôm công nghệ là không giới hạn thu nhập và người lao động hoàn toàn chủ động trong thời gian làm việc. Những tưởng công việc này phù hợp cho những người đã ở độ tuổi trung niên hoặc những người làm lương thấp có thể “lai rai” cải thiện thu nhập.

Thế nhưng thời gian gần đây, nghề xe ôm đang thu hút nhiều sinh viên còn đang đi học đặc biệt là sinh viên mới tốt nghiệp lựa chọn lúc “chờ thời”.

Bạn T.Q.Huy (Hưng Yên) chia sẻ, ra trường gần 1 năm rồi nhưng chưa tìm được công việc đúng ngành, một năm nay mình làm xe ôm để kiếm chi phí sinh hoạt trong thời gian tìm việc.

“Công việc này thoải mái thời gian, khi nào rảnh thì làm, hôm nào có hẹn được phỏng vấn thì mình tắt app và tự nghỉ thôi không cần đơn từ gì cả. Hơn nữa thu nhập cũng khá nếu chăm chỉ chạy thì không dưới 10 triệu/tháng nên mình thấy cũng tạm ổn”, Huy nói và cho biết thêm, chạy xe ôm công nghệ được tiền ngay sau mỗi chuyến chở khách, có “tiền tươi thóc thật” để chi tiêu.

Anh Nguyễn Văn Phúc lựa chọn chạy xe công nghệ để có thu nhập khá trước mắt, thay vì làm công việc văn phòng ổn định (Ảnh: Mai Phương Thảo)

Chủ động về thời gian và thu nhập tốt là yếu tố thu hút

Khi được hỏi về lý do lựa chọn chạy xe ôm công nghệ, nhiều người cho rằng, tính linh hoạt, chủ động về thời gian làm việc và thu nhập tốt là yếu tố thu hút họ.

Thậm chí, nhiều người thời gian đầu, sáng làm văn phòng, tối chạy xe ôm công nghệ, nhưng sau đó, cân nhắc thiệt hơn về kinh tế nên cũng nghỉ hẳn để làm xe ôm.

Bạn N.V.Phúc, cử nhân trường Đại học Tài Nguyên và Môi Trường, tâm sự: “Chạy xe ôm công nghệ là nghề mang lại thu nhập cao, đủ chi trả các khoản chi phí thậm chí là có tiền tiết kiệm, nếu chăm chỉ chạy nhiều thì lương có thể cao gấp đôi đi làm văn phòng mà giờ giấc tự do, khỏe làm mệt tự nghỉ không bị bó buộc như làm nhân viên văn phòng nên mình quyết định nghỉ làm chuyển sang chạy xe.”

Khi được hỏi về lý do chọn chạy xe ôm công nghệ, H.V.Sơn cũng trả lời: “Trước đây, em học đại học tại Hà Nội. Ra trường làm nhân viên văn phòng, lương thấp quá không trụ nổi nên em bỏ làm xe ôm. Lương gấp 4,5 lần mà đỡ phải suy nghĩ áp lực”.

Trước đây, việc được vào làm ở văn phòng, công ty là mơ ước của đa phần giới trẻ dù lương thấp, người trẻ hiện nay lại nhìn nhận thẳng vào lợi ích mà công việc mang lại cho mình. Nhiều bạn trẻ thường so sánh chạy xe ôm công nghệ và làm văn phòng. Đây cũng là chủ đề được nhiều người đem ra bàn luận khi có không ít bạn trẻ chọn công việc tài xế công nghệ.

Đối với một sinh viên mới ra trường trở thành nhân viên văn phòng, mức lương khởi điểm thường dao động 6-8 triệu đồng/tháng, sẽ tăng dần theo thời gian và kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, một tài xế xe ôm công nghệ nếu chăm chỉ chạy xe liên tục thu nhập có thể không dưới 10 triệu/tháng.

Chính điều này đã thu hút không ít các bạn trẻ vì vừa kiếm tiền nhanh mà không yêu cầu kinh nghiệm. Nhiều người còn gia nhập đội ngũ tài xế ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.

Thế nhưng, đó chỉ là bề nổi mà người ta nhìn thấy. Để kiếm được 10-15 triệu đồng/tháng với tài xế xe ôm công nghệ không phải điều dễ dàng. Công việc ngoài trời bất kể nắng, mưa, gió bão. Bắt đầu làm việc từ sáng sớm và thường kết thúc vào tối muộn. Nếu một nhân viên văn phòng làm việc 8 tiếng thì một tài xế xe ôm công nghệ thường hoạt động hơn 10 tiếng mỗi ngày.

Trong khi một nhân viên văn phòng thường có lộ trình thăng tiến rõ ràng sau thời gian làm việc tích lũy kinh nghiệm, thì một tài xế xe ôm công nghệ lại không được như vậy, phải chịu khó cày cuốc ngoài đường thì mới có tiền.

Tránh tình trạng “thất nghiệp tri thức”

Trên thực tế, có đến hàng chục nghìn thạc sĩ, cử nhân sau khi ra trường không tìm được việc làm. N.A.Đức, 23 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận, không ít đồng nghiệp của Đức là cử nhân nhưng vì chạy xe ôm từ thời sinh viên nên quen. Khi ra trường, chưa kiếm được việc có thu nhập tốt hơn nên chưa muốn chuyển việc.

“Mỗi ngày kiếm ba, bốn trăm ngàn, nhiều khi chạy được nhiều tiền bạc còn rủng rỉnh hơn nên mình chưa có ý định chuyển nghề khác”.

Việc quá chú trọng vấn đề thu nhập, lựa chọn chạy xe chỉ vì thu nhập cao hơn lương thử việc văn phòng khiến các bạn trẻ đôi khi “lạc lối” trên đường đi của mình. Mặc dù khi được hỏi, hầu hết người trẻ chạy xe ôm công nghệ đều khẳng định đây không phải là công việc các bạn muốn gắn bó lâu dài nhưng khi đã bước chân vào nghề, không mấy người lên kế hoạch cụ thể và đủ quyết tâm đi tìm bằng được việc làm mới.

Thị trường lao động tuy cạnh tranh nhưng khi lựa chọn mưu sinh bằng trí tuệ thì luôn đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm và bản lĩnh dấn thân. Công việc hiện nay không thiếu và có rất nhiều cách để người trẻ tìm được việc làm phù hợp.

Đơn cử như tại trung tâm, sàn giao dịch việc làm, hay các web online luôn có hàng ngàn đầu việc, được cập nhật mới theo từng giờ đang chờ người lao động, nhất là lao động trẻ có trình độ.

Công việc gần như đi tìm người lao động nhưng quan trọng là một bộ phận người trẻ chưa đủ mặn mà với những việc làm đòi hỏi kỷ luật cao, mà lại đặt nặng lợi ích vật chất, không nhìn nhận được những giá trị thụ hưởng, và sự trau dồi năng lực chuyên môn.

Nếu thạc sĩ, cử nhân bỏ quên chất xám, rong ruổi theo từng cuốc xe, mức thu nhập không tăng lên mà chỉ giảm đi theo năm tháng, đến lúc muốn dừng lại để tìm việc làm đúng chuyên môn kiến thức đã rơi rớt tạo ra lỗ hổng không đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong khi cử nhân, thạc sĩ tại các cơ quan, doanh nghiệp sau 5 năm, 10 năm họ có thể phấn đấu nắm giữ các vị trí cao hơn, lương, thưởng, chế độ phụ cấp cũng tăng lên cùng với sự chín muồi về trí tuệ và kinh nghiệm.

Để tránh dẫn đến tình trạng “thất nghiệp tri thức”, phải lựa chọn làm xe ôm công nghệ để kiếm sống tạm thời, người trẻ cần định hướng rõ ràng về nghề nghiệp và sở trường của bản thân ngay từ khi đi học, có kế hoạch dài hạn cho tương lai, không để mất phương hướng, lãng phí thời gian vàng của tuổi trẻ khi gia nhập thị trường lao động.

Mai Phương Thảo

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/chay-xe-om-cong-nghe-lua-chon-cua-nhieu-ban-tre-luc-cho-thoi-20240419145002430.htm