Cháy vé các suất diễn kịch về Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

Hơn 700 khán giả liên tục vỗ tay cho diễn xuất của các nghệ sĩ trong vở kịch lịch sử Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt người mang 9 án tử và các suất diễn sắp tới đều đã cháy vé.

Sau hơn 10 ngày chính thức ra mắt, vở kịch lịch sử Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử đã trở lại với suất thứ 2 vào tối 21-4.

Tả quân Lê Văn Duyệt (Đình Toàn) và Huỳnh Công Lý (Đại Nghĩa). Ảnh: VĂN HÀ

Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) là vở kịch mở màn chương trình Sân khấu sử Việt học đường của Nhà hát kịch IDECAF.

"Vị thần của nhân dân Gia Định thành"

Vở kịch lịch sử Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử không kể hết cuộc đời của Lê Văn Duyệt mà chỉ nhấn mạnh việc Lê Văn Duyệt xử trảm Huỳnh Công Lý, Phó Tổng trấn Gia Định thành cũng là cha vợ của vua Minh Mạng.

Phân đoạn xử lý Huỳnh Công Lý, Phó tổng trấn Gia Định thành khiến khán giả nổi da gà

Được giao cho nhiệm vụ trở lại Gia Định thành làm quan tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã chứng kiến cảnh nhân dân lầm than, đói khổ bởi sự áp bức bóc lột của Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý.

Chính vì vậy, Lê Văn Duyệt đã vượt lệnh vua, "tiền trảm hậu tấu" Huỳnh Công Lý để lòng dân an yên.

Vụ xử án lịch sử được thể hiện một cách trang nghiêm, tái hiện một lát cắt lịch sử của vùng đất Gia Định xưa mà nơi đó có vị quan thanh liêm, luôn vì dân vì nước Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng (Quang Thảo)

Dù khép tội Lê Văn Duyệt khi xử trảm Huỳnh Công Lý nhưng vua Minh Mạng vẫn phải khẳng định rằng: "Với triều đình Lê Văn Duyệt mang trọng tội nhưng với con dân Gia Định thành Lê Văn Duyệt là thần".

Bên cạnh câu chuyện lịch sử được dàn dựng hấp dẫn, thì có lẽ điều khiến khán giả thích thú hơn nữa chính là câu chuyện, tình tiết của vở kịch lịch sử phảng phất hơi hướng của thời đại mà đến hiện tại vẫn chưa bao giờ là cũ.

"Chống quan tham ô là phải như chống mối vậy, phải chống từ gốc chống ra, chức tước càng lớn thì đục khoét càng nhiều, nếu không diệt tận gốc thì nhà cũng sẽ sập"

Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

Đó là câu chuyện chống tham nhũng nơi chốn quan trường, lấy dân làm gốc hay sự quan trọng của luật pháp nghiêm minh "Nếu luật nước không nghiêm lòng dân sẽ thành bão tố" được thể hiện qua từng câu thoại của các nhân vật.

Phân đoạn người dân kể tội của Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý. Video: VĂN HÀ

Diễn xuất được khen ngợi, các suất diễn cháy vé

So với lần phúc khảo thì vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử đã được cắt gọt để vở ngắn gọn, xúc tích hơn.

Nói với PLO, đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: "Trong vở công diễn chính thức, phân đoạn Huệ Phi luận tội Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt trước mặt vua Minh Mạng khi cha của bà, Phó tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý bị xử tử đã được cắt bớt.

Bên cạnh đó, lời thoại cũng được rút ngắn, cũng như một số đoạn học theo sử sách Trung Quốc cũng đã được cắt bỏ và những vấn đề liên quan đến một số nước hàng xóm láng giềng cũng được làm gọn nhẹ lại".

Dù vậy, vở diễn vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt là những phân đoạn diễn "tay đôi" giữa Lê Văn Duyệt (Đình Toàn) và Huỳnh Công Lý (Đại Nghĩa) hay Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng (Quang Thảo) đã nhận được những tràn vỗ tay, xuýt xoa từ khán giả.

Từng câu thoại được nhấn nhá cùng lối diễn điềm tĩnh của Đình Toàn khi vào vai một vị quan Tổng trấn Gia Định thành thanh liêm, thương dân như con khiến 700 khán giả nhiều thế hệ ngồi kín cả hai tầng của nhà hát im phăng phắc.

Nếu như Đình Toàn làm rõ nét một vị quan thanh liêm thì Đại Nghĩa lại khiến người xem rùng mình, vỗ tay liên tục.

Nam nghệ sĩ đã thể hiện được cái ác, sự nham hiểm cùng lòng tham vô độ của quan Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý khiến con dân Gia Định thành lầm than. Bên cạnh đó, những nét hài được cài cắm của Đại Nghĩa khiến khán giả bật cười.

Đại Nghĩa và Mỹ Duyên (Huỳnh Huệ Phi)

Bên cạnh đó, các nhân vật khác như vua Minh Mạng (Quang Thảo), Mỹ Duyên (Huệ Phi), Hoàng Trinh (bà Đỗ Thị Phận), Quốc Thịnh (Trương Tấn Bửu)… cũng đã giúp cho vở diễn càng thêm hấp dẫn, nhiều điểm lắng đọng với khán giả.

Khán phòng nhà hát Thanh niên chật cứng khán giả

Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi, một người tâm huyết với Sử Việt qua nhiều dự án của mình đã dành nhiều lời khen ngợi sau khi cùng người thân, học trò đi xem cả hai đêm diễn.

Sự đầu tư trang phục, cảnh trí cũng nhận được đánh giá cao từ khán giả

Chia sẻ với PLO, nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi cho biết ở đêm diễn đầu tiên có thể nhận thấy vì các diễn viên mới tập xong thì tất cả đường dây còn rất mới thậm chí là mọi người chưa thuộc thoại hẳn nên nhiều khi có một số vấp váp nho nhỏ giọng nói của các diễn viên cũng không được khỏe như bây giờ.

"Còn ở suất diễn này, các diễn viên đã tốt hơn diễn có thần hơn, tất cả nhân vật cũng được khắc họa rõ nét và câu thoại cũng được trau chuốt nhiều hơn.

Chúng ta không phải bàn là vở kịch hay hay dở mà có thể thấy, cứ mỗi một câu thoại khán giả tự động vỗ tay cũng là minh chứng cho sự hấp dẫn của vở" – nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi bày tỏ.

Đại Nghĩa vào vai Huỳnh Công Lý. Phó tổng trấn Gia Định thành

Thông qua tài năng của NSƯT Đại Nghĩa khắc họa được nhân vật Huỳnh Công Lý.

Những đoạn diễn Đại Nghĩa khéo léo kết hợp những điệu bộ từ Hồ quảng, hát bội, cải lương mang vào kịch nói và biết tiết chế nên nhìn rất đầy đủ sự tham gian, hiểm ác của một tên tham quan như Huỳnh Công Lý.

Chính vì vậy tôi mới nghĩ Đại Nghĩa đã đẩy nhân vật Huỳnh Công Lý lên 1 tầng..tham mới.

Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi

Sau hai đêm diễn tối 10 và 21-4, vở Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử còn một suất vào ngày 28-4. Hiện toàn bộ suất diễn trong tháng đã cháy vé.

Theo đại diện của Nhà hát kịch IDECAF hiện nhà hát vẫn đang tính toán sắp xếp lịch diễn trong tháng 5 vì các diễn viên cũng đang bận rộn tập luyện cho chương trình Ngày xửa ngày xưa.

9 án tử của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt

"Cậy công hống hách, khinh thường phép vua tội chém

Tự quyền giết hại trọng thần tội xử trảm

Phe cánh hòng gây phản nghịch tội chém

Thâm kết với ngoại bang tội chém

Tự quyền định đoạt tội chém

Lập đại nghịch mà xin tang thọ cho Lê Chất để lấy uy cho mình tội chém

Mượn cớ dẹp giặc ngoại biên lấn áp lệnh vua

Phá bỏ kỷ cương, dung nạp bọn trộm cướp tội chết treo

Gia pháp không nghiêm, xui con phản nghịch tội chết treo"

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chay-ve-cac-suat-dien-kich-ve-duc-thuong-cong-ta-quan-le-van-duyet-post786899.html