'Chạy đua' thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về điện, thương mại dịch vụ

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó có các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực công thương.

Hoạt động sản xuất tại Cụm công nghiệp Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: Hải Hà

Đầu tháng 12-2023, đoàn công tác của Bộ Công thương đã kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về NTM trong lĩnh vực công thương tại Đồng Nai.

* Đầu tư hoàn thiện tiêu chí về điện nông thôn

Theo Sở Công thương, đối với tiêu chí về điện nông thôn, hiện có 108/120 xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao, 21/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Lê Hoàng Trung chia sẻ, trong thời gian qua, công ty luôn chú trọng đồng hành cùng các địa phương trong tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn. Tính riêng 3 năm (2021-2023), PC Đồng Nai đã triển khai đầu tư, đưa vào sử dụng 63 công trình trên địa bàn tỉnh với khối lượng xây dựng mới hơn 240km đường dây trung thế, hạ thế; xây dựng mới 621 trạm biến áp và nâng cấp 174 trạm biến áp với tổng dung lượng tăng thêm 112,5MVA. Ngoài ra, công ty còn nâng cấp và cải tạo lưới điện trung thế và hạ thế. Tổng giá trị đầu tư trong 3 năm này là 408 tỷ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi của tỉnh là 46 tỷ đồng.

Đối với tiêu chí về cụm công nghiệp, theo Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp; trong đó có 13 cụm công nghiệp đã được thành lập và phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: 4 cụm công nghiệp có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, 5 cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng, 4 cụm công nghiệp đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Nhiều địa phương trong tỉnh đã ưu tiên triển khai điện khí hóa nông thôn, nhất là ở các xã vùng xa.

Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, hiện hệ thống điện nông thôn trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, lưới điện trung, hạ thế hầu như đã phủ kín các khu vực trên địa bàn các xã của huyện. Cùng với nguồn vốn của ngành điện trong thời gian qua, địa phương đã thực hiện chủ trương xã hội hóa các công trình điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống điện được thiết kế đảm bảo theo quy định của ngành điện, thường xuyên được kiểm tra và đầu tư, cải tạo lưới điện bằng các nguồn vốn khác nhau như: xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, xã hội hóa..., đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, cung cấp điện liên tục, trực tiếp tới các hộ dân, chất lượng đạt yêu cầu kỹ thuật của ngành điện.

Ông Ngô Tấn Tài cho biết thêm, hiệu quả mang lại của việc hệ thống điện được đầu tư phủ khắp địa bàn huyện đã giúp cho đời sống của người dân thay đổi rõ nét như: trang bị máy bơm tưới vườn cây; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng; đầu tư các cây trồng chất lượng cao; đầu tư cơ sở chế biến nông sản...

Theo Sở Công thương, một số khó khăn, tồn tại về việc triển khai tiêu chí điện trong tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao là: tiến độ đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế phía sau các trạm biến áp do ngành điện đầu tư do UBND xã làm chủ đầu tư còn chậm, chưa đồng bộ với tiến độ đầu tư của ngành điện. Từ đó, dẫn đến phát sinh nhiều trạm biến áp ngành điện đã đầu tư nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, công tác huy động vốn đóng góp của người dân để đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế còn nhiều hạn chế…

* Phát triển hạ tầng thương mại

Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Đặng Trần Nhật Thoại cho biết, đối với tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, toàn tỉnh có 100/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 21/120 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025.

Trong quá trình triển khai đã áp dụng mô hình tiên tiến, cách làm hay về phát triển điện nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn như: vận động các hộ kinh doanh tham gia đóng góp trong đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo nội dung Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030; vận động hộ kinh doanh tham gia đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 34 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” trong tỉnh…

Một số khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn như: một số chợ gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng lại chợ; hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số chợ do doanh nghiệp đầu tư còn chậm…

Phó cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) Đỗ Thị Minh Trâm chia sẻ, Đồng Nai cần xác định xây dựng NTM là cả quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi động nhưng không có điểm kết thúc, từ đó tiếp tục phát huy những kết quả đạt được về xây dựng NTM. Tỉnh cần giữ vững và nâng cao các tiêu chí, chỉ tiêu về điện nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cũng như phấn đấu thực hiện các tiêu chí về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu…

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/ha-tang-du-an/202312/chay-dua-thuc-hien-cac-tieu-chi-nong-thon-moi-ve-dien-thuong-mai-dich-vu-4624f09/