Chạy bộ và giải pháp hòa nhập ở thành phố sự kiện

Giải half-marathon 'Tự hào Tổ quốc tôi' do Báo Người Lao Động tổ chức lần đầu tiên đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 2.000 chân chạy cả phong trào lẫn chuyên nghiệp.

Đường chạy mới mẻ ở một vùng phụ cận thành phố có được số lượng người tham dự như vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, thực sự phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của các chân chạy muốn có được một sự trải nghiệm khác biệt.

Không chỉ có vậy, việc các vận động viên về đích an toàn, không xảy ra bất cứ sự cố nào cả về chuyên môn lẫn những chuyện ngoài đường đua chính là điểm cộng lớn nhất cho sự kiện thể thao cộng đồng này. Nói cách khác, giải đấu đã thực sự thành công mà theo phản hồi của hầu hết vận động viên đều bày tỏ ý định được tiếp tục tham dự ở những năm tiếp theo.

Giải half-marathon "Tự hào Tổ quốc tôi" ra đời trong bối cảnh các sự kiện chạy bộ nở rộ, diễn ra từ đồng bằng đến ven biển và cả vùng núi cao với số lượng có thể đạt mốc hơn 100 giải trong suốt cả năm. Hiện tượng xã hội này lý giải điều gì nếu không phải là sự quan tâm ngày càng nhiều của người dân đến chạy bộ, một phương pháp rèn luyện sức khỏe chủ động và tích cực.

Giải chạy “Tự hào Tổ quốc tôi” của Báo Người Lao Động thành công ở bước khởi đầu (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 ngày 9-4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi mong muốn thành phố sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện kéo dài. Với chuỗi hoạt động đã được tổ chức từ đầu năm như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Lễ hội Sông nước, Lễ hội Áo dài TP HCM, Lễ hội Bánh mì, Ngày hội Du lịch TP HCM, Hội Báo toàn quốc, Liên hoan Phim quốc tế TP HCM (HIFF), Diễn đàn và Triển lãm quốc tế đô thị thông minh châu Á…, xem TP HCM là "thành phố sự kiện" là xác đáng.

Thể thao nói chung và các giải marathon liệu có được vị trí trong chuỗi hoạt động rầm rộ ấy, nhất là khi nhiều ý kiến đang ủng hộ việc TP HCM chỉ nên tổ chức từ 1-2 giải marathon mỗi năm? "Có cung ắt có cầu", thể thao là loại hình hoạt động mang tính giải trí lẫn rèn luyện thân thể ngày càng tốn kém, vì thế, người chơi sẽ phải chọn lựa, thậm chí chọn lọc để gián tiếp quyết định sự kiện thể thao nào đó có nên tồn tại hay không nếu không thực sự phù hợp với công chúng.

Ngay cả ngành chức năng là Sở Văn hóa - Thể thao cũng đang phải cân nhắc, xem xét tổ chức bao nhiêu giải chạy mỗi năm là phù hợp với TP HCM, cấp phép tổ chức cho bao nhiêu giải chạy là hợp lý để hạn chế ảnh hưởng, áp lực lên giao thông, nguồn lực và cuộc sống của người dân TP HCM.

Huyện Bình Chánh, với vai trò địa phương đăng cai Giải half-marathon "Tự hào Tổ quốc tôi" của Báo Người Lao Động, gần như đã huy động nguồn lực từ các phòng, ban ngành chức năng của huyện để hỗ trợ công tác tổ chức từ đầu. Để khi lưu luyến chia tay ra về, đông đảo VĐV đã bày tỏ sự ngưỡng mộ lòng hiếu khách của người dân Bình Chánh vì sự tận tình giúp đỡ các runner trước, trong và sau giải đấu, đồng thời hứa hẹn sẽ trở lại ở mùa giải năm sau. Phải chăng đây chính là mô hình thích hợp cho công tác tổ chức các giải chạy ở nội đô, chạy giữa thành phố sự kiện như TP HCM?

Đào Tùng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chay-bo-va-giai-phap-hoa-nhap-o-thanh-pho-su-kien-196240422215520669.htm