Châu Phi chú trọng chuỗi giá trị bền vững

Tiếp theo các thỏa thuận đã ký với CHDC Congo, Zambia và Namibia, Liên minh châu Âu (EU) đã ký với Rwanda Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường vai trò của Rwanda trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chuỗi giá trị linh hoạt trên khắp châu Phi.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ của Rwanda và góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, bền vững hơn. Việc tập trung phát triển chuỗi giá trị giúp các nước châu Phi đạt được các mục tiêu tăng trưởng và góp phần quan trọng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ủy viên châu Âu phụ trách hợp tác quốc tế Jutta Urpilainen và Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda Vincent Biruta đã ký Biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường vai trò của Rwanda trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và chuỗi giá trị linh hoạt trên khắp châu Phi.

Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Rwanda trong nhiều lĩnh vực như tích hợp chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững, hợp tác để đạt được sản xuất bền vững và có trách nhiệm, huy động vốn để triển khai cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc phát triển chuỗi giá trị nguyên liệu thô, cũng như nghiên cứu và đổi mới liên quan đến thăm dò, khai thác và tinh chế các nguyên liệu thô quan trọng.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton, Rwanda là nhà cung cấp tantalum, thiếc, vonfram, vàng và niobi quan trọng, đồng thời có tiềm năng về lithium và các nguyên tố đất hiếm. Với mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi này, EU mong muốn xây dựng chuỗi giá trị nguyên liệu thô quan trọng bền vững và linh hoạt, bao gồm khai thác, tinh chế, tái chế và thay thế.

Ông Breton nhấn mạnh tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và đầu tư là trung tâm của mối quan hệ đối tác nguyên liệu thô quan trọng giữa EU và Rwanda.

Thỏa thuận nêu trên nằm trong khuôn khổ chương trình "Cổng toàn cầu" (Global Gateway) của EU. Theo bà Urpilainen, chương trình này cung cấp khuôn khổ cho các mối quan hệ đối tác chiến lược và đầy tham vọng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu và giá trị gia tăng, giống như mối quan hệ hợp tác về chuỗi giá trị nguyên liệu thô giữa EU và Rwanda.

Thỏa thuận không chỉ đề cập vấn đề thương mại và đầu tư mà còn về hành tinh và mọi người sẽ được hưởng lợi từ chuỗi giá trị bền vững, minh bạch và linh hoạt của các nguyên liệu thô quan trọng.

Bộ trưởng Ngoại giao Rwanda Biruta nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc khai thác toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực khai thác mỏ, đồng thời khẳng định thỏa thuận với EU góp phần cung cấp các khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu xanh hơn, bền vững hơn.

Ông nói: "Thỏa thuận này tiếp tục bảo đảm chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thô của chúng tôi, tái khẳng định Rwanda là đối tác đáng tin cậy trong thương mại quốc tế. Rwanda coi trọng mối quan hệ đối tác với EU và mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác ngày càng gia tăng của chúng tôi".

Vai trò của châu Phi là nhà cung cấp nguyên liệu thô chính, bao gồm cả lithium cho thị trường năng lượng tái tạo, đang mang lại lợi thế chiến lược bổ sung cho châu Phi trong việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện hơn. Trong khi đó, xu hướng địa chính trị cũng đang có lợi cho châu Phi, với việc nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp của họ.

Cùng với hoạt động của Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), các nước châu Phi đang đứng trước cơ hội phát triển chuỗi giá trị khu vực và biến lục địa này từ xuất khẩu nguyên liệu thô thành trung tâm sản xuất và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tổng Thư ký AfCFTA Wamkele Mene nhận định, chuỗi giá trị được phát triển tốt sẽ giúp châu Phi đạt mục tiêu tăng trưởng 7% hằng năm được đặt ra trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi (AU).

Quan chức AU cho rằng, ngày nay, cho dù đó là ca-cao, dầu, kim loại hay gỗ, việc thiếu chuyển đổi vật chất thành các sản phẩm có giá trị cao hơn đang cản trở việc tạo ra việc làm chất lượng cao. Phát triển chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất ở châu Phi là rất quan trọng để nâng cao năng suất, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn và tăng khả năng chống đỡ của châu lục trước những cú sốc kinh tế.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/chau-phi-chu-trong-chuoi-gia-tri-ben-vung-199175.html