Châu Âu thực hiện bước đi đầu tiên nhằm chấm dứt tình trạng phụ thuộc khí đốt Mỹ

Phụ thuộc khí đốt Mỹ là điều không vui đối với châu Âu, cho dù hai bên là đồng minh thân cận.

Sau khi từ bỏ các nguồn năng lượng Nga do hiệu lực những lệnh cấm vận, các quốc gia châu Âu bất chợt nhận ra họ lại đang phụ thuộc khí đốt Mỹ, và điều này gây ra không ít phiền toái.

Phụ thuộc khí đốt Mỹ ban đầu không phải là điều gì đó nghiêm trọng đối với châu Âu, bởi hai bên là đồng minh thân thiết. Nhưng các động thái gần đây từ Washington, đặc biệt là không cấp phép xuất khẩu mới đã khiến EU "giật mình".

Trước diễn biến trên, Liên minh châu Âu đang phải tìm cách nhanh chóng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, mục đích chính là để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ - nhà cung cấp chi phối.

Các tập đoàn năng lượng khổng lồ như Exxon đang tập trung vào khai thác ngoài khơi Guyana và Namibia, ngoài ra còn bán bớt tài sản trên đất liền ở châu Âu. EU hiện đang rất cần nguồn năng lượng tại chỗ với giá cả phải chăng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Mỹ.

"Trước đây Gazprom của Nga đã giải quyết mọi vấn đề cho châu Âu khi tập đoàn này cung cấp đầy đủ năng lượng giá rẻ, nhưng thời điểm đó đã qua lâu rồi", chuyên gia thị trường năng lượng Michael Kern nhận xét trên tờ Bloomberg.

Theo nhà phân tích, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu, đóng vai trò "đầu tàu công nghiệp" là Đức vẫn rất cần khí đốt tự nhiên, ngay cả khi kho dự trữ của họ đã đầy ắp vào mùa đông này.

Mặc dù vậy, cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS) không trở thành "sự cứu rỗi" mà thực chất chính là gánh nặng, khi chúng chứa đầy mặt hàng bất tiện - khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ nhập khẩu từ Mỹ.

Giải pháp cho vấn đề có vẻ khá rõ ràng: Trong khi Berlin đang bận rộn với việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận trong những dự án LNG trị giá hàng tỷ USD thì có một hướng đi thay thế rẻ hơn - phát triển nguồn tài nguyên của chính mình.

Cho đến nay, công việc nói trên chỉ đang được thực hiện bằng vốn tư nhân và rõ ràng cần thêm sự trợ giúp từ chính phủ để đưa tài sản đã mua lại từ Tập đoàn Exxon vào hoạt động thương mại.

"Những gì bị xem là quá ít đối với những gã khổng lồ trong ngành năng lượng nhưng lại hoàn toàn đủ cho nhu cầu của nước Đức ngày nay", chuyên gia Michael Kern bình luận.

Nỗ lực đầu tiên của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Mỹ được ghi nhận trong hoạt động của MCF Energy - Công ty này được thành lập bởi doanh nhân nổi tiếng Ford Nicholson, người đứng đầu các dự án năng lượng ở Kazakhstan những năm 1990, và Albania.

Bất cứ nơi nào công ty của ông Nicholson tới đầu tư, năng suất đều tăng vọt lên mức hàng nghìn phần trăm, đây rõ ràng là tín hiệu mang lại hy vọng lớn lao đối với châu Âu.

Ngoài ra MCF Energy đã mua lại danh mục các dự án khí đốt hấp dẫn ở Đức và Áo. Hoạt động khoan thăm dò cũng đã bắt đầu tại một trong những khu vực hứa hẹn nhất ở Đức. Quá trình trên sẽ sớm bắt đầu tại Áo, ở khu vực mỏ Welchau đầy hứa hẹn.

Vấn đề xung quanh những bước đi trên mang tính chính trị hơn là kinh tế. Có một thời, cả Exxon và Chevron đều từ bỏ những dự án này vì sự độc lập của châu Âu khỏi nguồn cung từ bên ngoài là không có lợi cho họ.

Nói cách khác, giá trị của trữ lượng đã được chứng minh, khối lượng cũng đã được xác nhận, việc đưa các dự án mới vào hoạt động chỉ còn là vấn đề thời gian nhằm giảm đáng kể việc nhập khẩu khí hóa lỏng đắt tiền từ Mỹ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-thuc-hien-buoc-di-dau-tien-nham-cham-dut-tinh-trang-phu-thuoc-khi-dot-my-post568667.antd