Châu Âu nhắn Trung Quốc 'công bằng hơn' trong thương mại

Các cuộc đàm phán hiện tại có khả năng là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cuối năm nay.

Trưởng đoàn đàm phán thương mại Liên minh châu Âu đã cảnh báo Trung Quốc trong chuyến thăm hôm 25/9 rằng khối này sẽ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc duy trì cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích của khối.

"Có đi có lại và sân chơi bình đẳng"

Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC), cho biết: “Việc thiếu sự có đi có lại và sân chơi bình đẳng từ Trung Quốc, cùng với những thay đổi địa chính trị rộng lớn hơn, đã buộc EU phải trở nên quyết đoán hơn,” ông trao đổi trong bài phát biểu quan trọng tại Đại học Thanh Hoa.

“EU hoan nghênh sự cạnh tranh. Nó giúp các doanh nghiệp châu Âu mạnh mẽ và đổi mới hơn. Tuy nhiên, cạnh tranh phải công bằng và chúng tôi sẽ quyết đoán hơn trong việc giải quyết sự bất công.”

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu. Ảnh: Bloomberg.

Chuyến đi của ông Dombrovskis trùng thời điểm EU đang tăng cường các biện pháp thương mại phòng thủ.

Khối này hồi đầu tháng 9 đã phát động một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc. EU cho rằng điều này là cần thiết để bảo vệ thị trường việc làm và chuỗi cung ứng trong nước, do Trung Quốc đang đưa xe điện giá rẻ vào tràn ngập thị trường một cách không công bằng.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích cuộc điều tra là “hành động bảo hộ trắng trợn”. Vấn đề xe điện dự kiến sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của ông Dombrovskis trong chuyến đi Trung Quốc.

Theo những nguồn thạo tin Bloomberg trích dẫn, Dombrovskis dự kiến sẽ thúc giục Bắc Kinh rằng cần có những thỏa thuận cụ thể trong nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ.

Ông Dombrovskis lập luận rằng chiến lược giảm thiểu rủi ro của EU không mang tính bảo hộ. Ông nói thêm rằng các kế hoạch của khối không phụ thuộc vào từng quốc gia.

Các cuộc đàm phán hiện tại cũng có khả năng là bước đệm cho hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen vào cuối năm nay.

“Chúng ta có thể chọn con đường hướng tới mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Một nền tảng dựa trên thương mại và đầu tư cởi mở, công bằng và hợp tác giải quyết những thách thức lớn của thời đại,” Dombrovskis nói.

“Hoặc, chúng ta có thể chọn một con đường dần dần tách chúng ta xa nhau. Nơi mà những lợi ích chung hai bên cùng chia sẻ trong những thập kỷ gần đây suy yếu và mờ nhạt. Kết quả là người dân và nền kinh tế của cả hai có ít cơ hội hơn".

Vấn đề Ukraine

Ông Dombrovskis cũng trích dẫn những thách thức liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cho rằng những khác biệt về xung đột có thể gây ra rạn nứt giữa Brussels và Bắc Kinh.

EU đã tạo sức ép lên Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy của mình để thuyết phục Moscow chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel từng kêu gọi Trung Quốc tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra ở New York vừa qua cần “hợp lực thuyết phục Nga chấm dứt cuộc chiến gây tổn thương cho rất nhiều người này”.

Ông Dombrovskis cũng lưu ý những lo ngại khác đối với Trung Quốc liên quan tới chiến tranh, bao gồm an toàn thực phẩm và rủi ro về uy tín.

Ông nói: “Bằng cách đẩy giá năng lượng và thúc đẩy lạm phát, chiến tranh đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu”, đồng thời cho biết thêm rằng những điều đó “ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc” với vai trò một cường quốc sản xuất.

Phó Chủ tịch điều hành EC Dombrovskis nhấn mạnh, quan điểm của Bắc Kinh về cuộc chiến cũng “ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, không chỉ với người tiêu dùng châu Âu mà còn với các doanh nghiệp”.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-nhan-trung-quoc-cong-bang-hon-trong-thuong-mai.html