Châu Âu gặp rắc rối lớn khi Mỹ muốn chặn nguồn cung LNG của Nga

LNG của Nga (khí tự nhiên hóa lỏng) vẫn tỏ ra là một mặt hàng đặc biệt quan trọng đối với châu Âu.

"Với các lệnh trừng phạt, Mỹ sẽ nỗ lực đình chỉ chương trình khai thác LNG của Nga mà cụ thể ở đây là Dự án LNG-2 tại Bắc Cực", Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Năng lượng - ông Geoffrey Pyatt cho biết.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Dự án LNG-2 đã chấm dứt. Bước đi mang tính tập trung này nhằm ngăn chặn Nga phát triển các chương trình mới để chuyển hướng nguồn khí đốt mà nước này đã gửi đến châu Âu trước đây", Tạp chí Wall Street Journal (WSJ) trích dẫn.

Cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine tuyên bố ý định "khai tử" dự án nói trên tại một hội nghị diễn ra ở Thụy Sĩ. Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với LNG-2 vào tháng 11/2023. Sau đó dự án còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tàu vận tải được đóng tại Hàn Quốc.

Việc chế tạo tàu chuyên dụng còn đang bị chậm lại do cần có hệ thống màng để lót bể chứa LNG. Sản phẩm này được phát triển bởi Gaztransport & Technigaz của Pháp, trong khi công ty đã rời khỏi nước Nga vào năm 2023.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, công ty kinh doanh khí đốt tự nhiên nhà nước Đức SEFE (công ty con của Gazprom trước khi Đức quốc hữu hóa), cho biết sẽ không phá vỡ hợp đồng cung cấp nhiên liệu từ nhà máy Yamal LNG.

Chi tiết đáng chú ý nhất là SEFE hiện có quyền tiếp cận nguồn cung từ nhà máy ở Nga cho đến năm 2040, điều này đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt tại Berlin.

Các nhà lập pháp tại Đức đang yêu cầu công ty chấm dứt hợp đồng với Moskva. Bản thân Berlin cũng phản đối việc nhập khẩu LNG từ Nga, mặc dù nước này chưa áp đặt lệnh cấm.

Giám đốc thương mại của công ty SEFE - ông Frederic Barnot nói rằng: "Dự án đường ống Yamal là một hợp đồng đúng pháp luật, do vậy chúng tôi phải thực thi nó, mặc dù đơn vị không tham gia vào các thỏa thuận mới với LNG của Nga".

Trong lúc này, Cơ quan hợp tác điều tiết năng lượng châu Âu (ACER) cho biết, EU vẫn cần nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Nga, bất chấp sự phản đối của một số quốc gia trong khối, bởi điều này sẽ giúp tránh được một "cú sốc năng lượng".

Cần lưu ý đến thực tế là Moskva hiện đứng thứ hai về nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu, đứng sau nước Mỹ, trong khi Qatar chỉ đứng ở vị trí thứ ba.

Đại diện của ACER cho biết thêm, những nỗ lực nhằm hạn chế mức nhập khẩu LNG kỷ lục của Nga vào EU “cần được thực hiện một cách thận trọng”.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia năng lượng, EU cần phải giảm dần nguồn cung từ Liên bang Nga, bởi vì dòng khí đốt qua đường ống sẽ gần như bị chấm dứt vào cuối năm nay.

Ngoài ra ACER cũng bày tỏ quan ngại về mong muốn của một số thành viên EU đó là tạm thời hạn chế nguồn cung khí đốt từ Nga, do vậy họ ủng hộ bước đi mới nhất của Mỹ nhằm chặn việc Moskva có thể tiếp tục truyền dẫn LNG tới khách hàng.

Tuy nhiên ACER gọi bước đi như trên là bất cẩn bởi vì chúng có thể gây tổn hại đến các hợp đồng dài hạn, trong đó việc vi phạm sẽ dẫn đến khoản tiền phạt khổng lồ mà những công ty châu Âu phải đối mặt.

Tổ chức này khẳng định Liên minh châu Âu vẫn khó tìm được sự cân bằng giữa an ninh năng lượng và mong muốn giáng một đòn mạnh vào tình hình tài chính của Moskva.

Thị trường nhiên liệu toàn cầu tiếp tục căng thẳng, phần nào được thúc đẩy bởi cuộc xung đột leo thang ở Trung Đông, điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng của châu Âu, càng khiến EU chưa thể đoạn tuyệt với LNG cũng như khí đốt theo đường ống của Nga.

Thời gian tới, EU có lẽ sẽ cần "thỏa hiệp" với Mỹ, để Washington ngừng chặn các dự án LNG quan trọng của Nga, điển hình như LNG-2 nhằm bảo đảm an ninh năng lượng không bị gián đoạn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-gap-rac-roi-lon-khi-my-muon-chan-nguon-cung-lng-cua-nga-post574037.antd