Châu Âu đối mặt với nắng nóng gay gắt

Ngày 22/4, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể đối phó được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nhiệt độ tăng cao.

Nắng nóng ở cầu Millennium, London (Anh). Ảnh: Reuters.

Trong một báo cáo về khí hậu châu Âu, Copernicus và WMO đã ghi nhận các điều kiện thời tiết khắc nghiệt của năm ngoái, bao gồm cả đợt nắng nóng vào tháng 7/2023, đã đẩy 41% miền Nam châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng nhiệt độ mạnh, rất mạnh hoặc cực cao. Nhiệt độ cực cao gây ra những rủi ro sức khỏe đặc biệt cho những người làm việc ngoài trời, người già và những người mắc các bệnh lý nền như bệnh tim mạch và tiểu đường.

Căng thẳng nhiệt đo lường tác động của môi trường lên cơ thể con người, khi kết hợp các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và phản ứng của cơ thể đã tạo ra nhiệt độ "cảm giác". Các khu vực của Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Hy Lạp đã trải qua tới 10 ngày nắng nóng cực độ vào năm 2023, được xác định là nhiệt độ "cảm giác" như trên 46 độ C. Số ca tử vong liên quan đến nắng nóng đã tăng khoảng 30% ở châu Âu trong 20 năm qua.

Copernicus hồi tháng trước đã kêu gọi các chính phủ chuẩn bị hệ thống chăm sóc sức khỏe cho biến đổi khí hậu và kêu gọi các quy định của EU để bảo vệ người lao động ngoài trời khỏi nhiệt độ cực cao khi năm 2023 là năm nóng nhất thế giới kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được ghi nhận và châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo, khí thải nhà kính là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng nắng nóng đặc biệt của năm ngoái. Kiểu thời tiết El Nino cũng đóng một vai trò không nhỏ.

Năm ngoái, lũ lụt ở Slovenia đã ảnh hưởng đến 1,5 triệu người. Hy Lạp hứng chịu trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử EU với 960km2 diện tích bị thiêu rụi. Các sông băng ở dãy Alpơ mất 10% thể tích còn lại trong năm 2022 và 2023.

Ông Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết: “Một số sự kiện của năm 2023 đã khiến cộng đồng khoa học bất ngờ vì cường độ, tốc độ mức độ khởi phát và thời gian diễn ra của chúng”.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chau-au-doi-mat-voi-nang-nong-gay-gat-10278371.html