Châu Á trong 'cuộc chiến' trên không gian với Mỹ

Hiện Mỹ và Trung Quốc đang thống trị trong không gian và cả hai quốc gia đang mở rộng sự thống trị này. Tuy nhiên, Nhật Bản hay Ấn Độ có những kế hoạch để 'đánh dấu' vị thế của mình. Cuộc cạnh tranh trên không gian từ các nước châu Á có thể hứa hẹn sự hấp dẫn sắp tới.

Toyota và Mitsubishi (Nhật Bản) đang hợp tác nghiên cứu và chế tạo xe tự hành trên mặt trăng. Xe có mặt sàn khoảng 7 m2, đủ không gian rộng rãi cho phi hành gia, không cần bộ đồ du hành vũ trụ. Ảnh: Toyota

Mặt trăng chào đón Nhật Bản trong năm nay

Nhật Bản có lịch sử lâu đời về phát triển không gian. Năm 1970, nước này trở thành quốc gia thứ tư đưa vệ tinh vào quỹ đạo sau Liên Xô, Mỹ và Pháp. Nhưng sau đó, Nhật Bản không dành nhiều nguồn lực tài chính để thực hiện các chuyến thám hiểm không gian như Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc đã làm. Phát triển công nghệ và trở thành đối tác các chương trình nghiên cứu và thám hiểm không gian là chiến lược chính của xứ sở mặt trời. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã có thể khác đi khi Nhật Bản đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ năm hạ cánh tàu vũ trụ lên bề mặt mặt trăng trong tháng này.

Để thể hiện sức mạnh công nghệ của mình, Nhật Bản sẽ thử hạ cánh tàu đổ bộ lên bề mặt mặt trăng vào ngày 20-1 sắp tới. Nhật Bản đặt mục tiêu đưa tàu đổ bộ thông minh để điều tra mặt trăng (SLIM) chạm xuống địa điểm mục tiêu trong vòng 100 m tại khu vực lân cận miệng núi lửa Shioli gần biển Mặt trăng (Sea of Nectar), ngay phía nam đường xích đạo mặt trăng.

Khả năng hạ cánh chính xác và thông tin mà SLIM thu được về điều kiện trên bề mặt mặt trăng sẽ là dữ liệu để nước này sử dụng cho các chuyến bay vũ trụ trong tương lai, bao gồm cả chuyến thăm dò chung giữa Ấn Độ và Nhật Bản về tài nguyên nước ở các vùng cực vào năm 2025.

Hiện Nhật Bản đang giao cho hai công ty là Toyota Motor và Mitsubishi Heavy Industries (MHI) phát triển xe tự hành điều áp để các phi hành gia sử dụng trên mặt trăng trong thời gian tới. Hai công ty này dự kiến sẽ bắt tay vào phát triển một mẫu xe thực tế vào năm 2024 và ra mắt vào năm 2029.

JAXA (Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản) và MHI cũng đang phát triển một tên lửa chạy bằng nhiên liệu methane, có thể phóng vệ tinh lên không gian vào năm 2030.

Tương tự, đây cũng là mốc thời gian mà Trung Quốc dự định đưa phi hành gia Trung Quốc lên mặt trăng. Còn Ấn Độ đã đưa ra tầm nhìn – xây dựng trạm vũ trụ vào năm 2035 và đưa người Ấn Độ đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2040.

Startup Trung Quốc cạnh tranh với SpaceX

Năm 2015, SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã thực hiện hạ cánh thành công tên lửa đẩy sau khi phóng lên không gian. Đến năm 2017, SpaceX đã phóng thành công tên lửa tái chế nên giá thành phóng tên lửa lên không gian không còn quá đắt đỏ. Vì thế, SpaceX đã “thống trị” thị trường thương mại không gian khi đã phóng gần 100 tên lửa lên không gian trong năm ngoái.

SpaceX hiện đang phát triển tàu du lịch Starship khổng lồ, cung cấp phương tiện vận chuyển cho các sứ mệnh của con người lên mặt trăng và sao Hỏa. Sau khi Starship quay trở lại từ không gian, tàu du lịch có thể tiếp tục bơm nhiên liệu và sẵn sàng quay trở lại không gian sau đó.

Nhưng SpaceX đang có đối thủ mới cạnh tranh với mình. Vốn thành công trong phóng vệ tinh lần đầu vào tháng 12-2023, startup LandSpace Technology Corporation của Trung Quốc cho biết họ sẽ phóng tên lửa tái sử dụng vào năm 2025.

Tên lửa LandSpace sẽ sử dụng khí methane (metan) làm nhiên liệu. Khí methane đang thu hút sự chú ý của giới khoa học các nước vì khí này có thể được sản xuất ngay trên sao Hỏa bằng các vật liệu tại chỗ của hành tinh này. Điều này giúp các chuyến trở về Trái đất từ hành tinh đỏ trở nên khả quan hơn.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-a-trong-cuoc-chien-tren-khong-gian-voi-my/