Châu Á tranh mua khí đốt với châu Âu

Lo ngại tình trạng thiếu khí đốt sẽ đẩy giá tăng lên cao hơn nữa trong mùa đông sắp tới, các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu ở châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản đang chạy đua với châu Âu để nhập khẩu mặt hàng nhiên liệu sản xuất điện quan trọng này.

Một tàu chở LNG đang được các tàu kéo lai dắt về một nhà máy nhiệt điện ở TP. Futtsu, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới, đang tìm mua thêm các lô hàng LNG để đáp nhu cầu đang gia tăng ở trong nước và nhắm đến mục tiêu nâng lượng tồn kho LNG lên khoảng 90% vào tháng 11, từ mức khoảng 34% hiện tại, Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết vào hôm 8-8.

Bộ này giải thích Hàn Quốc phải nhanh chóng bổ sung LNG sau khi mức tiêu thụ điện tăng cao trong các đợt nắng nóng mùa hè và những bất ổn quốc từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang thắt chặt nguồn cung khí đốt từ Nga

Động thái thái mua thêm LNG ngoài các hợp đồng dài hạn của Hàn Quốc có thể đốt nóng cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế đối với các lô hàng LNG giao ngay. Diễn biến này cũng có thể sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn hơn trong việc tìm nguồn cung LNG khẩn cấp để lấp đầy các kho dự trữ trong bối cảnh Nga bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang khu vực này.

Tập đoàn khí đốt nhà nước Hàn Quốc, Korea Gas đã mua các lô hàng LNG giao ngay từ tháng 4 và đã đạt được các thỏa thuận 3,5 triệu tấn LNG trong riêng tháng 7, Bộ Năng lượng Hàn Quốc cho biết. Tồn kho LNG hiện tại của tập đoàn này khoảng 1,81 triệu tấn, trên ngưỡng tối thiểu 910.000 tấn dành cho mùa đông. Năm ngoái, Hàn Quốc đã mua 16,6 triệu tấn LNG trên thị trường giao ngay. Trong những tuần qua, Korea Gas đã mua hơn 20 lô hàng LNG để giao cho mùa đông, một đợt mua lớn hơn bình thường vào thời điểm này trong năm. Hàn Quốc đang xem xét mua LNG trên thị trường giao ngay và mua LNG thông qua các hợp đồng ngắn hạn cũng như nhập khẩu LNG từ cơ sở sản xuất LNG của doanh nghiệp Hàn Quốc ở nước ngoài.

Tờ nhật báo Korea Economic Daily dẫn lời các lãnh đạo của Korea Gas cho biết tập đoàn này cần mua thêm 10 triệu tấn LNG vào cuối năm để tránh rủi ro thiếu hụt năng lượng.

Tại Nhật Bản, nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới vào năm ngoái, các công ty điện lực cũng đang tìm kiếm các lô hàng LNG giao cho tháng 9.

Các lô hàng xuất khẩu LNG vào Nhật Bản tiếp tục gia tăng dù giá giao ngay đang ở mức cao vì nước này phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất điện. Tính đến ngày 24-7, Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất khu vực Đông Á. Trong năm nay, các công ty điện lực Nhật Bản đã nhập khẩu 21 lô hàng LNG, trong khi đó, con số này của Trung Quốc chỉ 15.

Nhật Bản chủ yếu dựa vào các hợp đồng mua LNG dài hạn, thường có giá rẻ hơn nhiều, nhưng các công ty điện lực trong nước đã buộc phải tham gia thị trường giao ngay trong vài tháng qua để đáp ứng nhu cầu làm mát mùa hè cũng như để dự trữ cho mùa đông do lo ngại nguồn cung LNG từ Nga sẽ bị gián đoạn.

Hồi giữa tháng 7, Tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đã mua một lô hàng LNG với giá cao nhất mà một doanh nghiệp trong nước từng chi trả. Lô hàng sẽ được giao vào tháng 9 với giá 41 đô la/1 triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu).

Tập đoàn dầu khí CPC của Đài Loan đã quay trở lại thị trường giao ngay để tìm kiếm các lô hàng LNG giao trong mùa thu này.

Công ty khí đốt GAIL India, nhà phân phối khí đốt lớn nhất Ấn Độ cũng đang sốt sắng mua thêm LNG sau khi Công ty GM&T Singapore không giao 8 lô hàng LNG theo hợp đồng đã ký kết kể từ cuối tháng 5. GM&T Singapore là công ty con của Gazprom Germania, đơn vị thành viên của Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga). Tuy nhiên, Gazprom quyết định cắt nguồn cung khí đốt cho Gazprom Germania sau khi giới chức trách ở Đức tiếp quản công ty này hồi tháng 5.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, hầu như vắng bóng trên thị trường giao ngay. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 đã giảm khoảng 20% so với năm 2021.

Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tăng tốc trong nửa cuối năm nay, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu LNG tăng lên, thì nguồn cung nhiên liệu này dành cho châu Âu sẽ bị thu hẹp vào cuối năm, theo nhận định của Samantha Dart, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường khí đốt ở Ngân hàng Goldman Sachs.

Giá LNG giao ngay ở châu Á tiếp tục hướng đến các mức cao kỷ lục khi thị trường kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng lên giữa lúc nước này nới lỏng các quy định kiểm soát Covid-19. Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục lo ngại dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ bị bóp nghẹt hơn nữa.

Tuần trước, giá LNG trung bình giao trong tháng 9 sang khu vực Đông Bắc Á đã lên mức 45 đô la/mmBtu, tăng 5,9% so với tuần trước đó, sát với mức giá kỷ lục hơn 48 đô la/mmBtu được thiết lập hồi tháng 12-2021.

Ciaran Roe, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường LNG toàn cầu ở Công ty S&P Global Platts, cho biết với nhu cầu tăng mạnh, giá LNG bán cho khu vực Đông Á đang cao hơn so với giá LNG tại châu Âu.

Ông nói: “Mức chênh lệch giá LNG ở Bắc Á và châu Âu đủ lớn để có thể thu hút các lô hàng LNG từ Mỹ đến Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua các chuyến hàng giao ngay trong tháng 10”.

Theo Bloomberg, Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-a-tranh-mua-khi-dot-voi-chau-au/