Châu Á ráo riết giải quyết tình trạng già hóa

Tỉ lệ sinh thấp và dân số già nhanh đang là bài toán hóc búa với các nước châu Á hiện nay.

Châu Á đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng khi tỉ lệ sinh giảm đáng kể và dân số già hóa nhanh. Xu hướng này tác động rất lớn và phức tạp tới kinh tế - xã hội ở các nước khu vực, đòi hỏi phải có chính sách ứng phó quyết liệt.

Tình trạng chung của hàng loạt nước

Năm 2022, Trung Quốc (TQ) lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm dân số kể từ năm 1961. Trong năm 2022, dân số TQ giảm hơn 850.000 người, xuống còn 1,41 tỉ dân. Trong 1,41 tỉ dân có 280 triệu người trên 60 tuổi, tăng 18,9% so với năm 2021, theo tờ China Daily.

Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính đến năm 2050, cứ bốn người ở châu Á - Thái Bình Dương thì có một người trên 60 tuổi; từ năm 2010 đến 2050, số người trên 60 tuổi sẽ tăng ba lần, gần 1,3 tỉ người.

Cũng trong năm 2022 Nhật ghi nhận số trẻ em sinh ra thấp kỷ lục, dưới 800.000 trẻ. Số người già trên 65 tuổi chiếm 29% tổng dân số, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Còn tại Hàn Quốc, chỉ có 21.138 trẻ em được sinh ra trong tháng 3-2023, mức thấp nhất cho bất kỳ tháng 3 nào kể từ năm 1981 và đánh dấu chuỗi 88 tháng suy giảm liên tiếp, theo hãng thông tấn Yonhap. Tỉ lệ sinh của phụ nữ Hàn Quốc trong năm 2022 là 0,78, mức thấp nhất từ năm 1970 và thấp hơn nhiều so với mức 2,1 để giữ dân số ổn định, đưa Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới có tỉ lệ sinh dưới 1 (con số này ở TQ là 1,07 và Nhật là 1,26). Tổng cục Thống kê Hàn Quốc dự báo đến năm 2025 nước này sẽ có xã hội siêu già với hơn 20% tổng dân số từ 65 tuổi trở lên, tới năm 2070 tỉ lệ này sẽ là 46,4%, theo Yonhap.

Đông Nam Á cũng đối mặt với xu hướng già hóa. Năm ngoái, Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (UNESCAP) nhận định các nước ASEAN có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở khu vực này, với khoảng 109 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Tháng 5, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 (Indonesia), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. kêu gọi ASEAN thảo luận quan ngại dân số già, theo tờ Inquirer.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và dự báo đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Nếu theo đà này, đến năm 2036 dự báo Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già.

Hai cụ già ngồi trò chuyện trong một công viên ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 11-5. Ảnh: ANTHONY WALLACE/AFP/GETTY IMAGES

Tác động và giải pháp

Sự chuyển đổi nhân khẩu học ở châu Á - Thái Bình Dương đi kèm với những hậu quả kinh tế - xã hội sâu rộng, từ cách thức xây dựng và tổ chức các TP và cộng đồng; cung cấp và tổ chức các dịch vụ y tế, xã hội; việc làm và an sinh xã hội cũng như các chính sách tài khóa hỗ trợ, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng sự gia tăng dân số già sẽ làm giảm nguồn cung lao động, suy giảm chất lượng việc làm và làm xu hướng tiêu dùng chậm lại. Đây là những rào cản lớn tác động tăng trưởng của chi tiêu tài khóa.

Với TQ, dân số giảm và già hóa làm trầm trọng thêm các vấn đề về lực lượng lao động, tăng trưởng kinh tế và phục hồi sau đại dịch COVID-19, theo đài CNN. Với thế giới, vì là động lực cho tăng trưởng toàn cầu, việc TQ tiếp tục xu hướng này có thể đặt ra nhiều vấn đề cho thế giới.

Báo cáo nghiên cứu hằng tháng của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đầu năm nay dẫn các nghiên cứu nước ngoài chỉ ra rằng cứ 1% dân số già tăng thì dẫn đến giảm 5,9% trong tăng trưởng tài chính của sản phẩm quốc nội (GDP), theo tờ Korea Herald.

Trước tình trạng trên, nhiều nước châu Á ráo riết hành động giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. TQ đưa ra chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và giảm chi phí nuôi dạy con. Năm 2016, TQ cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con và đến năm 2021 cho phép sinh con thứ ba. TQ đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 với nam và 60 với nữ, cam kết cung cấp môi trường làm việc tốt hơn cho bà mẹ, theo tờ Nikkei Asia.

Hàn Quốc áp dụng hàng loạt chính sách như khích lệ tài chính cho các cặp vợ chồng sinh con, trợ cấp hằng tháng cho các bậc cha mẹ. Tổng thống Yoon Suk Yeol cho lập một nhóm chuyên trách nghiên cứu các chính sách giúp tăng tỉ lệ sinh.

Tại Nhật, đầu năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida cam kết “bây giờ hoặc không bao giờ” phải có các bước đi mạnh mẽ nhằm đối phó với tỉ lệ sinh thấp kỷ lục. Tháng 4, Nhật công bố hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tỉ lệ sinh, trong đó có việc lập một cơ quan về trẻ em và gia đình. Nhật cũng cam kết tăng ngân sách cho các chính sách chăm sóc trẻ em lên 25 tỉ USD/năm trong ba năm tới.

Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực nới lỏng chính sách nhập cư để tiếp nhận nhiều lực lượng lao động nước ngoài. Chẳng hạn, đầu tháng 7, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết Seoul có chủ trương tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn để giải quyết tỉ lệ sinh thấp và tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.•

Vì sao chính sách khuyến sinh chưa hiệu quả ở nhiều nước?

Nhiều nước thử nghiệm hàng loạt biện pháp khắc phục tỉ lệ sinh thấp song kết quả không như mong đợi, kênh Channel News Asia dẫn nhận định của Giám đốc Ban Dân số Liên hợp quốc John Wilmoth.

Một trong những biện pháp là thưởng tiền cho người dân khi sinh con. Tuy nhiên theo ông Wilmoth, chính sách thưởng tiền một lần này có thể khuyến khích người dân sinh con sớm “nhưng quan trọng là họ có được hỗ trợ hằng ngày, hằng tháng, hằng năm khi nuôi con không”.

Theo nhiều chuyên gia, để tăng tỉ lệ sinh, các nước cần hỗ trợ dài hạn cho các gia đình muốn sinh con, đầu tư vào việc nuôi dưỡng thế hệ kế tiếp.

Cho rằng “nếu các gia đình được hỗ trợ trong việc giảm bớt gánh nặng khi sinh con và nuôi con thì tỉ lệ sinh có thể khôi phục”, ông Wilmoth đề xuất các nước quan tâm vấn đề bình đẳng giới bởi phụ nữ “không thể đảm đương công việc toàn thời gian ở cả công ty và ở nhà”.

Bên cạnh đó, theo TS Gretchen Donehower thuộc ĐH California (Mỹ), các nước cần khuyến khích việc lập gia đình.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chau-a-rao-riet-giai-quyet-tinh-trang-gia-hoa-post743678.html