Châu Á gặp thế khó sau khi Indonesia bất ngờ tăng lãi suất

Các nhà đầu tư đang chờ đợi chính sách tiền tệ theo chiều hướng domino tiếp theo ở châu Á trong bối cảnh chiến dịch chống lại đồng đô la đang trỗi dậy, sau khi Indonesia bất ngờ tăng lãi suất để bảo vệ đồng rupiah.

Các tiền tệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Ấn Độ đều đang giao dịch gần mức thấp nhất trong nhiều năm, làm tăng khả năng các nhà chức trách phải có hành động cứng rắn hơn để ngăn chặn sự trượt dốc này.

Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ của Indonesia trong tuần này cho thấy vị thế bấp bênh của các ngân hàng trung ương khi họ phải đối mặt với triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách khắp châu Á phải lựa chọn giữa việc kìm hãm tăng trưởng kinh tế hoặc bảo vệ tỷ giá hối đoái đang rơi tự do.

Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng châu Á tại HSBC Holdings cho biết: “Việc tăng lãi suất bất ngờ của ngân hàng trung ương Indonesia chắc chắn sẽ khiến các ngân hàng trung ương mới nổi khác phải đứng ngồi không yên… Ngay cả khi lạm phát đã bình thường hóa trên khắp châu Á, bóng ma về sức mạnh đồng đô la tiếp tục khiến các ngân hàng trung ương trong khu vực phải ở thế phòng thủ”.

Trong khi Trung Quốc đang phải quay cuồng với cuộc khủng hoảng bất động sản, tăng trưởng mờ nhạt và đồng nhân dân tệ suy yếu trong nhiều tháng thì các quốc gia như Philippines cũng bắt đầu năm mới với triển vọng cắt giảm lãi suất. Nhưng bức tranh này đã thay đổi sau khi tình trạng lạm phát khó khăn của Mỹ khiến thị trường đẩy lùi việc đặt cược vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách.

Triển vọng về một Fed ít ôn hòa hơn đồng nghĩa với chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và châu Á có thể vẫn duy trì ở mức cao, có khả năng thúc đẩy việc rút vốn toàn cầu khỏi khu vực và làm giảm giá đồng nội tệ. Do đó, Ấn Độ đang phải đối mặt với tháng đầu tiên sau hơn một năm mà dòng vốn trái phiếu bị rút ra trong tháng 4, trong khi Thái Lan và Indonesia cũng đang ghi nhận khoản rút vốn ròng từ trái phiếu.

Cả Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng lãi suất trong tháng 3, mặc dù tiền tệ đã giảm giá kể từ đó. Đồng yên suy yếu vượt mức 155 yen/USD lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ trong tuần này, làm tăng nguy cơ can thiệp tiền tệ của chính quyền.

Hôm thứ Tư (24/4), ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết, quyết định giữ lãi suất ổn định hồi đầu tháng này mang lại cho các nhà hoạch định chính sách những lựa chọn để đối phó với những thách thức bất ngờ trong nước và toàn cầu.

Tại Philippines, các nhà chức trách có nguy cơ không đạt được mục tiêu lạm phát 2 - 4% trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. Nước này có thể buộc phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất nếu đồng peso suy yếu hơn nữa.

Tương tự, Ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng đưa ra quan điểm diều hâu trong cuộc đánh giá chính sách tháng 4, khi các nhà kinh tế đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất.

Các nhà hoạch định chính sách đã sử dụng các biện pháp khác để ngăn chặn sự trượt dốc của tỷ giá hối đoái, từ cảnh báo bằng lời nói ở Hàn Quốc đến lời nài nỉ của các quan chức ở Malaysia và Indonesia để các công ty hạn chế mua ngoại tệ. Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đều đã can thiệp để bảo vệ đồng tiền của mình.

Fiona Lim, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Malayan Banking cho biết: “Không phải ngân hàng trung ương nào cũng sử dụng lãi suất chính sách để hỗ trợ tiền tệ. Điều đó phụ thuộc vào việc liệu nền kinh tế có thể chịu được lãi suất cao hơn hay không. Có nhiều cách khác để hỗ trợ tiền tệ”.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chau-a-gap-the-kho-sau-khi-indonesia-bat-ngo-tang-lai-suat-post344071.html