Chất 'vàng' trong nghệ thuật hội họa của Phùng Phẩm

Giữa đời sống mỹ thuật sôi động, nhộn nhịp hiện nay, vẫn còn đâu đó những người lao động nghệ thuật âm thầm, hăng say và bền bỉ; tiêu biểu trong đó có Phùng Phẩm - người họa sĩ vẫn miệt mài sáng tác dù tuổi đã ngoài 90.

Âm hưởng riêng trong thế giới hội họa của Phùng Phẩm

Họa sĩ Phùng Phẩm sinh năm 1932 tại một làng quê thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trưởng thành trong giai đoạn đầy biến động của đất nước, ông từng tham gia cách mạng ở chiến khu Việt Bắc từ năm 1947, sau đó được cử đi du học tại Trung Quốc. Ông là thế hệ sinh viên đời đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, từng theo học những người thầy tài hoa như: Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung... Ông cũng từng công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sau khi ra trường.

Từ lâu, tên tuổi của họa sĩ Phùng Phẩm đã gắn với với các tác phẩm sơn mài, khắc gỗ với đa dạng thể loại, đề tài. Ông có nhiều tác phẩm tả thực bằng than chì, mực tàu trên giấy dó, in khắc gỗ về chân dung phụ nữ, trẻ em, phong cảnh sinh hoạt làng quê và tình yêu. Vào thập niên 1980, thực hành nghệ thuật của Phùng Phẩm chuyển mình mạnh mẽ khi ông kết hợp với phong cách khắc gỗ Nhật Bản và nghệ thuật hiện đại phương Tây đầu thế kỷ 20, nhưng không để mất tính dân tộc của Việt Nam.

Họa sĩ Phùng Phẩm (áo ghi, ngồi chính giữa) tại lễ ra mắt triển lãm cá nhân của mình tại Thăng Long Gallery. Ảnh: BTC cung cấp

Hội họa của Phùng Phẩm không đặt nặng tính kỹ thuật, ông để mọi thứ trôi theo dòng cảm xúc. Một trong những phương tiện ông thường chọn để thể hiện mỹ cảm của mình là trường phái lập thể, mang đến nhiều góc nhìn đa dạng thay vì cố định trong một góc toàn, chính diện. Tạo hình trong tranh ông cũng vì thế mà đa dạng bố cục. Ẩn sâu trong những nét vẽ chân phương là những chi tiết tiềm ẩn và lắng đọng, buộc người thưởng tranh phải chìm vào suy ngẫm. Điều này tạo nên một nét rất riêng trong phong cách Phùng Phẩm, một phong cách đậm tính dân tộc nhưng lại mang tư duy đương đại.

Suốt chặng đường cầm cọ và bút vẽ miệt mài lao động nghệ thuật, Phùng Phẩm đã gặt hái được những thành quả đáng kể như: Giải A, Triển lãm Nghệ thuật Đồ họa (1975-1985); Huy chương Vàng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1990); Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; tạo dấu ấn mạnh mẽ qua triển lãm cá nhân vào các năm 2003 (nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội), 2006 (triển lãm "At the height of summer" tại Jee stone gallery, Hồng Kông-Trung Quốc), 2008 (nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội), 2023 (tại Thang Long Art Gallery, Hà Nội).

Một số tác phẩm tranh của họa sĩ Phùng Phẩm.

Nhà nghiên cứu-phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương nhận định: "Nghệ thuật của Phùng Phẩm, từ tranh in khắc gỗ cho đến tranh sơn mài có một âm hưởng riêng, sức sống riêng, kỳ lạ. Có sự kế thừa từ Đông sang Tây, từ truyền thống Việt Nam sang ngôn ngữ hiện đại thế giới. Các câu chuyện, chủ đề, con người đi từ lịch sử văn hóa Việt Nam, hay là những câu chuyện bản nguyên, muôn thuở của loài người được họa sĩ gửi gắm trên tranh, tôn vinh trong vẻ đẹp bền lâu, vĩnh hằng của nghệ thuật. Phải chăng đó cũng chính là ý nghĩa cao quý của cuộc đời nghệ sĩ".

Tái xuất trước công chúng yêu nghệ thuật ở tuổi 91

Trong hoạt động gần đây nhất của họa sĩ Phùng Phẩm vào tháng 10 năm 2023, tại không gian triển lãm Thăng Long Gallery, số 41 Hàng Gai; công chúng đã có dịp chiêm ngưỡng hơn 50 tác phẩm và một cuốn sách về nghệ thuật của ông, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các họa sĩ, giới sưu tập tranh và người yêu hội họa. Những tranh in khắc gỗ hay các bản phác thảo được tìm lại sau nhiều năm đã được giới thiệu đến công chúng, như “Chống hạn” (1977), "Bên hoa huệ" (2008), "Ngày chủ nhật" (2010), "Giã gạo 2" (2011)...

Đáng chú ý, triển lãm cũng giới thiệu đến giới nghệ thuật tại Việt Nam sự hồi hương của hai tác phẩm sơn mài “Kiêu hãnh” và “Những nụ hôn tình yêu” của họa sĩ Phùng Phẩm, sau khi trở về từ châu Âu. Mãi đến sau này, sau hơn 20 năm bôn ba khắp các châu lục, giới yêu nghệ thuật Việt Nam mới có dịp biết đến hai tác phẩm này, nhân sự kiện bà Ellen Berends, Nguyên phó đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, hiến tặng lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với mong muốn để công chúng trong nước có dịp được chiêm ngưỡng lâu dài các tác phẩm nghệ thuật “vàng”.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tàng và tình yêu văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, bà Ellen đã nhận ra những giá trị nhân văn đi trước thời đại và ngôn ngữ hội họa trong tranh Phùng Phẩm. Họ đã yêu quý, gìn giữ những tác phẩm sưu tập ấy suốt hơn một phần tư thế kỷ.

Các tác phẩm của ông được ví như "vàng" của mỹ thuật Việt Nam.

Nhiều công chúng, cũng như giới chuyên môn trong giới mỹ thuật đều cảm thấy hội họa của Phùng Phẩm là một sự riêng biệt đẹp đẽ. Tranh sơn mài của họa sĩ Phùng Phẩm không bóng bảy, óng mượt, trong trẻo như các tranh sơn mài theo kỹ thuật truyền thống, ông tìm cho mình kỹ thuật riêng, chồng màu vừa phải, mài đi vừa đủ, vừa độ. Điều này đã tạo nên những dấu ấn riêng của họa sĩ Phùng Phẩm, không lẫn với những họa sĩ cùng thời.

Đã đi qua những thăng trầm của cuộc sống, những trăn trở trên con đường làm nghệ thuật gần một thế kỷ, giờ đây, họa sĩ Phùng Phẩm vẫn miệt mài lao động nghệ thuật dù tuổi đã ngoài tuổi 90; chiêm nghiệm về việc làm nghệ thuật, họa sĩ Phùng Phẩm tâm sự: “Làm nghệ thuật khó như một người nghèo đi đào vàng. Nay đào chưa thấy, mai cũng chưa thấy, có khi đi hết cả cuộc đời cũng chưa chắc đã thấy. Chỉ có lòng quyết tâm, lòng ham muốn, say mê, mong ra mới có thể tìm thấy nó. Nghệ thuật ấy mới là nghệ thuật đích thực".

PHƯƠNG ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chat-vang-trong-nghe-thuat-hoi-hoa-cua-phung-pham-751235