Chất nghệ sĩ trong thơ Hoàng Hương Trang

Giữa những ngày chờ mong thầy cô, bạn bè gần xa về họp mặt hàng năm, tôi lần đọc lại tập thơ Mây nổi của cô giáo cũ ở Trường trung học Nguyễn Huệ cách đây hơn nửa thế kỷ. Tôi lặng người khi hay tin tác giả tập thơ - cô giáo Hoàng Thị Diệm Phương, tức nữ sĩ Hoàng Hương Trang vừa qua đời ở tuổi 84 do ung thư gan. Những vần thơ trong tập lúc này chẳng khác nào “mây nổi” trôi về hướng nhà giáo - nghệ sĩ tài hoa vừa ra đi.

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang và tác giả trong Đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Ảnh: CTV

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang và tác giả trong Đêm thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn. Ảnh: CTV

1. Cô Diệm Phương làm thơ, viết văn rất sớm. Năm 1948, khi còn ở tuổi thiếu nhi, cô Diệm Phương đã đoạt Giải thưởng Nam Phương hoàng hậu về thơ. Năm 1960, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế rồi Trường Sư phạm Mỹ thuật Sài Gòn, cô Diệm Phương làm nghiên cứu sinh Mỹ thuật châu Á tại Nhật Bản. Cô từng dạy văn, hội họa tại một số trường trung học, trong đó có Trường Nguyễn Huệ (Tuy Hòa). Cô dừng chân khá lâu nơi mảnh đất nhìn ra cửa biển Phú Câu thuyền bè tấp nập, nhìn lên hướng núi Chóp Chài mây vờn đỉnh núi, mây nổi chập chùng tiếp giáp Trường Sơn. Có lẽ vậy mà thơ Hoàng Hương Trang như phảng phất ngôn ngữ tạo hình qua các tác phẩm Nhốt núi, Giam thuyền cùng nhiều bài khác trong tập thơ Mây nổi. Năm 2001, cô đoạt Giải thưởng Văn học Vì trẻ thơ do UNICEF và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Năm 2004, nữ sĩ đoạt Giải thưởng Âm nhạc (đồng tác giả với nhạc sĩ Quỳnh Hợp). Cô đã xuất bản gần 10 đầu sách thơ, văn và in chung trên 100 tuyển tập văn học trong và ngoài nước, chủ biên nhiều tuyển thơ đồ sộ. Trước khi nghỉ hưu, cô giảng dạy tại Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Hoàng Hương Trang cũng đã triển lãm tranh lụa, sơn dầu, thủ bút họa nhiều cuộc từ 1962 đến nay, trong nước và quốc tế.

Lúc còn khỏe, nữ sĩ thường đi về Phú Yên thăm lại trường xưa cảnh cũ, tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống của tỉnh trên núi Nhạn, lưu lại những kỷ niệm đẹp nơi xứ sở “hoa vàng cỏ xanh”. Tính nhất quán trong tác phẩm Hoàng Hương Trang là sự diệu kỳ của cái đẹp mà người nghệ sĩ đích thực đã “mặc khải” cho thế nhân, như một thứ chân lý vĩnh hằng: “Dù là đám mây hồng/ Bay đi, trời vẫn xanh/ Dù là đám mây đen/ Bay đi, trời vẫn xanh!”.

2. Tập thơ Mây nổi của nữ sĩ Hoàng Hương Trang như một sự khẳng định bản ngã trước cuộc đời: “Lòng người như mây nổi/ Hồn ta như trời xanh/ Mây sẽ theo gió thổi/ Trời vẫn sắc thiên thanh”. Thi sĩ viết về nhiều đề tài khác nhau: tình yêu, tình bạn, tình quê, những triết lý về cuộc bể dâu…, nhưng hình như “tình nghệ sĩ” được tác giả nâng niu rất mực. Phải chăng quan niệm “Rằng ta cũng giống nòi tình, thương người đồng điệu…” khi nghĩ về Kiều của thi sĩ tiền bối Chu Mạnh Trinh xưa đã tác động không ít đến Hoàng Hương Trang: “Biết bao giờ có đêm nay/ Rót cho nhau chén rượu đầy ánh trăng”(Chén trăng khuya). Ở phần cuối tập Mây nổi, tác giả đã dành trên 200 câu thơ để hầu rượu với người xưa một cách lịch lãm, trân trọng tất cả văn nhân nghệ sĩ. Nào Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Ngọc Hân, Quang Trung; kể cả các nhân vật trong Truyện Kiều, như: Từ Hải, Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân. Nữ sĩ đã cung kính tột bậc với Nguyễn Du: “Ôi Tiên Điền thi đế/ Xin vái chào tiền nhân”; rồi Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Đông Hồ, Hồ Dzếnh… Hoàng Hương Trang còn vượt không gian, thời gian để hầu rượu Lý Bạch, Tô Đông Pha… và cảm nhận: “Người xưa ơi say chăng/ Rượu và thơ còn mãi”. Trong bài Hoa nắng rừng chiều, tác giả như mơ về cõi tiên: “Thiên thai đâu lối sương mờ/ Mà đây Lưu Nguyễn còn chờ bóng tiên”. Rồi ở bài tặng nữ sĩ Anh Thơ: “Dối người chẳng dối được lòng/ Đêm đêm đốt ngọn nến hồng soi gương”(Lau sạch vết hằn). Đôi khi ta có cảm giác tác giả Mây nổi như muốn chia sớt gánh nặng của cuộc tình người nghệ sĩ đã xuống tuyền đài. Trong bài Thế nhân mắt trắng, tác giả đã tặng cố thi sĩ Nguyễn Bính nhân đọc bài Cái hôn Anh Thơ Cái hôn của Anh Thơ đăng trên tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh số Tết 1989. Hoàng Hương Trang viết: “Hoa vàng trước ngõ nhà ai/ Trả hồn cho bướm vàng phai ân tình/ Thế nhân mắt trắng càng khinh/ Uống say đập nát bóng hình cố nhân!”.

Cách sống hết mình, rung động hết mình đã giúp hồn thơ Hoàng Hương Trang phá vỡ ranh giới giữa thực và mộng, làm cho chân trời góc bể như gần gũi hơn trong tình thơ, tình bạn.

NGUYỄN TƯỜNG VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/249702/chat-nghe-si-trong-tho-hoang-huong-trang.html