Chất lượng 'cung' lao động chưa đáp ứng được 'cầu' của thị trường

Tại cuộc làm việc giữa Thường trực Ủy ban Xã hội với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đã có tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều.

Mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, mặc dù tình hình thế giới và trong nước biến động, song Việt Nam đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 được Quốc hội giao. Những khởi sắc về kinh tế - xã hội đã tác động mạnh đến thị trường lao động Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Năm 2022, lực lượng lao động tăng khá nhanh, đạt 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu so với năm 2021; số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế, đạt 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người. Từ kết quả đó, tình hình lao động, việc làm Quý I.2023 tiếp tục duy trì đà phục hồi; lực lượng lao động, số người có việc làm quý tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước.

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, xét một cách tổng thể, thị trường lao động Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng vẫn còn bộc lộ một số vấn đề bất cập và hạn chế. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế chưa có đủ việc làm bền vững, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan phát biểu

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xem xét, cập nhật thêm một số nội dung, trong đó có một số số liệu chưa thật sát thực tiễn cần sửa đổi để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ và toàn diện. Trong đó, cần đặc biệt đánh giá khách quan về việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phục hồi trong lĩnh vực lao động - việc làm, an sinh xã hội, theo đó không chỉ có số liệu của hai năm qua (2021 - 2022), mà nên có sự so sánh, đối chiếu với các giai đoạn trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19.

Chỉ rõ số liệu dự báo mà Tổng cục Thống kê với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra còn có sự không đồng nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lâm Văn Đoan nêu rõ, điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các số liệu thị trường, dẫn tới chỉ số lao động qua đào tạo bị lệch, cụ thể là 26,2% (thấp hơn 0,8% so với chỉ tiêu 27% Quốc hội giao). Trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng nổi lên vấn đề thiếu việc làm, thất nghiệp. Do đó, hai cơ quan cần có sự phối hợp, trao đổi để làm rõ hơn các số liệu, từ đó bảo đảm thống nhất, giúp đánh giá khách quan và kỹ lưỡng tình hình thực tế, xác định rõ những nguyên nhân, vướng mắc để có giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Thống nhất số liệu về lao động- việc làm

Một nội dung hết sức quan trọng của thị trường lao động liên quan tới người sử dụng lao động như thế nào và người sử dụng lao động sẽ bao gồm các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế cũng như các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Nêu vấn đề này tại cuộc làm việc, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới đây, trong đó đã mở rộng thêm các chủ thể về tổ hợp tác. Vì vậy, cần rà soát, xem xét kỹ lưỡng tình hình của các chủ thể sử dụng lao động là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các hợp tác xã đặt trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, một loạt lao động ở các khu công nghiệp đang bị cắt giảm. Hiện nay, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ thể sử dụng lao động gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng giảm sử dụng lao động.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cũng nêu thực tế, trong quý I.2023, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên, tình hình lao động - việc làm và số liệu về tình trạng thất nghiệp vẫn tương đối khả quan. Do đó, cần làm rõ số liệu để đánh giá rõ những thông tin, số liệu đó đã phản ánh đúng thực tiễn hay chưa, đồng thời phải gắn với nhu cầu của thị trường lao động như thế nào để xác định được bức tranh tổng thể hơn.

Đối với thế giới, Việt Nam là nền kinh tế mở nên sẽ phải có những giai đoạn hết sức đặc thù để xác định và kết cấu lại những giải pháp, định hướng trúng và đúng cho vấn đề lao động. Về nhu cầu của thị trường lao động trong nước, Báo cáo cũng đã đưa ra một nội dung liên quan tới 33 triệu lao động - việc làm phi chính thức, lao động tự sản - tự tiêu. Vấn đề đặt ra là cần đánh giá rõ, những lao động này mang lại lợi ích hay thách thức gì cho nền kinh tế?

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tích cực phối hợp với Tổng cục Thống kê và các cơ quan để mở rộng mẫu điều tra, thống nhất các thông tin, số liệu về lao động-việc làm. Nhất trí với nhận định của các đại biểu là thị trường lao động đã có sự phục hồi nhưng chưa hoàn toàn khả quan như trước đại dịch Covid-19, Bộ cũng cho biết đã và đang triển khai các phương án nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động trong vùng và giữa các địa phương trên toàn quốc; kết hợp thực hiện các hình thức kết nối trực tuyến. Trên cơ sở các ý kiến tại cuộc làm việc, Bộ sẽ tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các nội dung theo hướng bảo đảm đầy đủ số liệu chính xác, có so sánh, đối chiếu, từ đó rút ra những đánh giá khách quan, đồng thời làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, vướng mắc đang đặt ra, bảo đảm hoàn thiện Báo cáo đánh giá bổ sung việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với lĩnh vực lao động đạt chất lượng cao nhất, phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban Xã hội tại phiên họp toàn thể cũng như Kỳ họp thứ Năm tới đây.

Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/chat-luong-cung-lao-dong-chua-dap-ung-duoc-cau-cua-thi-truong-i325380/