'Chắp cánh' thương hiệu sắn dây Hải Dương vươn ra toàn cầu

Thị xã Kinh Môn hiện có diện tích trồng sắn dây lớn nhất tỉnh Hải Dương với 262 ha, tổng sản lượng gần 8.000 tấn, bước đầu đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Mùa sắn dây bội thu

Những năm gần đây, sắn dây trở thành cây trồng chủ lực của người dân thị xã Kinh Môn nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung. Trong đó, thị xã Kinh Môn dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng cây sắn với 262 ha, tập trung tại các xã như: Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Hiệp Hòa.

Sắn dây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và có khả năng chịu hạn tốt

Nhờ sự ưu ái của thời tiết, sắn dây năm nay được mùa, năng suất trung bình mỗi ha đạt 28 đến 30 tấn củ, cao hơn năm trước khoảng 15%. Theo Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, với tổng diện tích trồng sắn dây 262 ha, thị xã Kinh Môn sẽ thu tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn.

Hiện tại, thương lái thu mua ở mức giá từ 12.000 -13.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí sản xuất, nông dân thu lãi hơn 65 tỷ đồng.

Sắn dây cho thu hoạch vào dịp cuối năm trước đến tháng 2 (Âm lịch)

Người dân thị xã Kinh Môn cho biết, sắn dây là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp do tự nhân giống cho các vụ liền kề. Cây sắn dây thường được trồng từ tháng 3 (âm lịch) và cho thu hoạch vào dịp cuối năm trước đến tháng 2 (âm lịch) năm sau.

Sau khi thu hoạch, người dân sẽ làm sạch sắn dây để chuẩn bị vào giai đoạn chế biến

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huề Trì (thị xã Kinh Môn), những năm gần đây, người dân ở khu dân cư đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào trồng và chăm sóc giúp năng suất củ cao hơn những năm trước.

Đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế

Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại thị xã Kinh Môn nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất tinh bột sắn dây. Mô hình hợp tác liên kết đã giúp mở rộng quy mô sản xuất, người dân có đầu ra cho sản phẩm.

Toàn thị xã Kinh Môn có gần 50 cơ sở chế biến bột sắn dây, một số cơ sở đã đầu tư dây chuyền quy mô tự động hóa liên hoàn từ khâu rửa củ, làm sạch vỏ, ép sắn và sấy tinh bột.

Nhiều hộ sản xuất đã đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ quá trình chế biến tinh bột sắn dây

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huề Trì (thị xã Kinh Môn), để làm ra tinh bột sắn dây đạt chuẩn đòi hỏi người sản xuất phải cẩn thận và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như phải biết kỹ thuật phơi sấy để giữ màu và mùi thơm cho bột.

Ông Bùi Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch Thành Nhàn (thị xã Kinh Môn) - đơn vị sản xuất bột sắn dây điển hình cho biết: “Để có nguồn nguyên liệu ổn định, hợp tác xã đã liên kết bao tiêu sản phẩm với các hộ trồng sắn dây ở xã Thượng Quận. Năm 2024, vụ sắn dây được mùa, trung bình mỗi tháng hợp tác xã chế biến và xuất bán khoảng 8 tấn bột sắn dây, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước”.

Sắn dây sau khi xay cần để bột lắng từ 2-3 ngày

Nhằm nâng tầm chất lượng và thương hiệu sản phẩm, Hợp tác xã Nông sản sạch Thành Nhàn đã đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, phục vụ quá trình sản xuất. Năm 2023, sản phẩm bột sắn dây Thành Nhàn được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Ông Thành cho biết thêm, xây dựng thành công thương hiệu bột sắn dây Thành Nhàn đã giúp sản phẩm của hợp tác xã tiếp cận thị trường rộng hơn.

Không chỉ riêng thị xã Kinh Môn, nhiều hộ dân khác trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình trồng, chế biến sắn dây. Những ngày này, cơ sở chế biến tinh bột sắn dây Phúc Mạnh (huyện Thanh Hà) phải thuê từ 10 - 15 lao động làm việc để phục vụ quá trình sản xuất và hoàn thiện đơn hàng.

Cơ sở đã lắp đặt hệ thống máy xay, lọc và sấy bột sắn dây công nghiệp công suất lớn

Để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Phúc Mạnh chủ cơ sở chế biến tinh bột sắn dây đầu tư chi phí gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống máy xay, lọc và sấy công nghiệp công suất lớn. Trung bình mỗi ngày, cơ sở thu mua từ 1,5 - 2 tấn củ tại các địa phương trong tỉnh để làm bột.

Để hoàn thiện một mẻ sấy bột thường mất khoảng từ 5 - 6 ngày ở nhiệt độ 50 độ C

Ông Mạnh cho biết thêm: “Tính toàn vụ, gia đình tôi đã thu mua khoảng 100 tấn bột tươi và chế biến được 20 tấn bột khô cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ ở khắp các địa phương trong cả nước. Nhờ sự ổn định của thị trường, giá bột sắn dây giao buôn ở mức 130.000 đồng/kg. Trừ chi phí máy móc, nguyên liệu, tiền điện và thuê nhân công, gia đình tôi thu lãi từ 750 - 800 triệu đồng/vụ”.

Để làm ra tinh bột sắn dây đạt chuẩn đòi hỏi người sản xuất phải biết kỹ thuật phơi sấy để giữ màu và mùi thơm cho bột

Sau gần 20 năm duy trì và phát triển sản phẩm, ông Mạnh đã tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện tại, tinh bột sắn dây Phúc Mạnh đã có mặt tại các hệ thống cửa hàng, đại lý trên nhiều tỉnh, thành, siêu thị. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, ông Mạnh đã tập trung nâng cao chất lượng và hoàn thiện thủ tục, giấy tờ cho việc đưa thương hiệu tinh bột sắn dây Phúc Mạnh ra thị trường quốc tế.

“Quá trình xuất khẩu tinh bột sắn dây bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Trong vụ sắn dây năm 2023, cơ sở chế biến của gia đình tôi đã xuất khẩu sang nước Đức khoảng 3-4 tạ bột sắn và năm nay đã xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 2 tấn bột thương phẩm” - ông Mạnh cho biết thêm.

Người lao động đang đóng gói sản phẩm tinh bột sắn dây

Để sản phẩm bột sắn dây được nhiều người biết đến, trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đồng hành với các hợp tác xã trong việc đăng ký thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh bột sắn dây của địa phương.

Những năm trở lại đây, tinh bột sắn dây được nhiều người tiêu dùng lựa chọn bởi công dụng mà nó mang lại, nhất là phòng ngừa một số bệnh như giảm cholesterol, giảm đau nhức, phòng bệnh đau tim, giải nhiệt mùa hè...

Qua đó, sản phẩm tinh bột sắn dây xây dựng được chỗ đứng và thương hiệu. Đồng thời, nâng tầm giá trị của sản phẩm và hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tỉnh Hải Dương.

Linh Chi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chap-canh-thuong-hieu-san-day-hai-duong-vuon-ra-toan-cau-312269.html