Chào mừng Ngày quốc tế Lao động (1-5): Khơi dậy sức sáng tạo, niềm say mê lao động

Nhạy bén, thích ứng nhanh với công nghệ sản xuất hiện đại, trách nhiệm với công việc… là tác phong làm việc của công nhân lao động (CNLĐ) Đồng Nai. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong công việc, đội ngũ CNLĐ đang trở thành nguồn lực chủ chốt ở nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai.

Công nhân Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) nhạy bén, tiếp cận nhanh công việc sản xuất hiện đại. Ảnh: N.Hòa

Nhiều tấm gương CNLĐ không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, đã đóng góp hàng trăm ngàn đề tài, sáng kiến, cùng DN đạt và vượt kế hoạch sản xuất hàng năm.

Nhạy bén, sáng tạo trong công việc

Anh Hồ Thanh Nhàng, công nhân Công ty TNHH Ansell Vina (DN chuyên sản xuất các loại găng tay bảo hộ, găng tay công nghiệp tại huyện Long Thành) là điển hình trong tích cực sản xuất, đóng góp nhiều sáng kiến khắc phục nhiều mặt hàng lỗi cho công ty. Sáng kiến gắn thiết bị Tension (thiết bị kéo căng) lên máy dệt găng tay là thành quả được DN đánh giá cao.

Anh Nhàng cho hay, khi sợi chỉ đi từ cuộn chỉ qua bộ căng sợi thường bị gấp khúc dẫn đến dệt ra hàng lỗi nhiều, anh đề xuất gắn thêm tension để giữ được đoạn chỉ luôn thẳng, công nhân không mất nhiều công sức để làm việc.

Để khuyến khích CNLĐ tiếp tục cải thiện, đổi mới sản xuất, các cấp Công đoàn sẽ coi trọng công tác thi đua - khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo. Từ đó, tạo ra lực lượng CNLĐ vững tay nghề, giỏi chuyên môn, thích ứng nhanh trong chuyển đổi số sản xuất, khẳng định chỗ đứng, tầm quan trọng trong DN.

Giải pháp của anh Nhàng đã mang lại hiệu quả sản xuất cao cho công ty, giảm tỷ lệ lỗi cho phòng dệt từ 2,66%/tháng xuống còn 1,72%/tháng, tiết kiệm cho nhà máy gần 150 triệu đồng/năm.

Gần 10 năm gắn bó với Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom), anh Nguyễn Nhật Tài đóng góp hàng trăm cải tiến, cải thiện lưu trình sản xuất giày và thiết kế nhiều dụng cụ hỗ trợ công nhân thuận tiện trong thao tác. Đề xuất giảm chi phí mua linh kiện máy cắt tự động OKC là một giải pháp giảm lãng phí mà anh Tài tâm đắc nhất.

Theo anh Tài, trước đây, máy cắt vật liệu hoạt động với tần suất 3 ca mỗi ngày, nếu sử dụng lâu ngày, linh kiện ốc phía bên trong máy bị gãy, số lượng mua mới linh kiện để thay thế mất gần 320 triệu đồng/tháng. Để không tốn kém, anh Tài tận dụng linh kiện có sẵn để tái chế, chi phí sửa tái chế tiết kiệm tương đương chi phí mua mới linh kiện thay thế.

Anh Phan Huy Minh, làm việc tại Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom), là tấm gương trong ứng dụng nhanh công nghệ sản xuất hiện đại. Dự án tự động hóa gia công linh kiện Housing là thành công lớn của anh và một số nhân viên phòng cải tiến. Theo anh Minh, khi công nhân làm thủ công bằng cách khoan tay từng sản phẩm cơ khí phải mất nhiều công sức mà hiệu quả không cao. Sau khi nghiên cứu, anh Minh đã thiết kế máy khoan tự động kết hợp với robot gắp linh kiện Housing. Sáng kiến này vừa ổn định chất lượng sản phẩm, vừa giảm bớt nhân công và chi phí sản xuất, tiết kiệm cho DN gần 550 triệu đồng/năm.

Làm chủ công nghệ hiện đại

Thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực với các dự án đầu tư bài bản, trang thiết bị công nghệ hiện đại. Qua đó, tạo điều kiện để CNLĐ được tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ, tay nghề. Đặc biệt, CNLĐ tiếp cận nhanh máy móc mới, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm của đối tác đòi hỏi tay nghề, kỹ năng công việc và tác phong công nghiệp của NLĐ ngày càng cao.

Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai (huyện Long Thành) là DN tiên phong trong lắp đặt các dây chuyền sản xuất tự động ngay khi thành lập. Hiện các loại máy CNC (điều khiển qua lập trình máy tính số), băng tải công nghiệp tự động được sử dụng rộng rãi ở các xưởng đang tạo ra sản phẩm có thông số kỹ thuật chính xác. Mỗi dây chuyền cần một công nhân đứng máy cũng tạo ra hàng trăm sản phẩm mỗi ngày. Nguồn nhân lực tại đây đều có tay nghề cao, có thể điều khiển những cỗ máy hiện đại một cách thông suốt.

Công nhân Công ty CP Kết cấu thép ATAD (thành phố Long Khánh) thi đua sản xuất nhằm hoàn thành thi công gói thầu Nhà ga hành khách thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đại diện Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai (huyện Long Thành) cho hay, nhiều cỗ máy hiện đại nhập về không phải tất cả đều khởi động trơn tru mà có nhiều chi tiết cần CNLĐ nghiên cứu, tìm ra những bất cập để cải thiện mới sử dụng dễ dàng. Đó là điều mà các DN cần đến bàn tay, trí tuệ, sức sáng tạo của CNLĐ, nhất là làm sao các quy trình sản xuất hoàn thiện nhất. Điều đáng ghi nhận là một số lao động đã có ý thức nâng cao tay nghề, làm chủ các công nghệ nên DN không gặp khó khăn nhiều trong đào tạo nhân lực, cũng như vận hành máy móc.

Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (chuyên sản xuất ắc quy, pin ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) đã liên tục đầu tư đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất. Theo đó, những chiếc máy hiện đại được lập trình sẵn, CNLĐ chỉ cần điều khiển một số thao tác nhỏ để máy hoạt động.

Anh Trần Văn Hải, nhân viên bộ phận vận hành máy của công ty, cho biết công nghệ hiện đại giúp CNLĐ làm việc khỏe hơn và hạn chế rủi ro tai nạn lao động, ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, CNLĐ năng động, có thể vận hành được mọi loại máy thì có chỗ đứng vững và thu nhập cao hơn. Đó là động lực để CNLĐ nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, CNLĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định bản lĩnh trong công việc, chú trọng nâng cao tay nghề để làm chủ công nghệ sản xuất. Nhiều người làm tổ trưởng, quản lý, quản đốc, giám đốc sản xuất đều trưởng thành từ công nhân. Với ý chí vươn lên, không ngừng thay đổi, học tập, nhiều lao động đã trở thành vị trí chủ chốt tại DN. Đặc biệt, năm 2023, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, CNLĐ đã đóng góp 500 đề tài, gần 8,8 ngàn sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hơn 31 ngàn ý tưởng sản xuất từ người lao động, làm lợi cho các đơn vị, DN số tiền trên 360 tỷ đồng.

Hàng năm, tỉnh cũng như tổ chức Công đoàn đều có nhiều hình thức khen thưởng CNLĐ trong tích cực tham gia các phong trào thi đua, qua đó khơi dậy sức sáng tạo, niềm say mê lao động sản suất.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Tokin Electronics (thành phố Biên Hòa) LÊ BÁ QUÝ: DN đảm bảo phúc lợi để CNLĐ tăng hiệu quả sản xuất

Là DN chuyên sản xuất điện tử, Công ty TNHH Tokin Electronics luôn ủng hộ CNLĐ đề xuất nhiều sáng kiến trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, không ít người đã có sáng kiến, cải tiến giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tạo môi trường làm việc hiện đại hơn. Trong năm qua, dù khó khăn về đơn hàng nhưng tất cả CNLĐ đã chung sức vượt khó cùng DN, thi đua hoàn thành nhiệm vụ sản xuất. Theo đó, DN đảm bảo chế độ lương, thưởng để CNLĐ tiếp tục tăng hiệu quả sản xuất.

Anh PHAN HUY MINH, làm việc tại Công ty CP Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom): Tích cực cải tiến, tạo sản phẩm chất lượng

Những bất cập trong sản xuất hoặc sử dụng thiết bị lãng phí luôn xảy ra trong sản xuất. Do đó, CNLĐ phải nhạy bén cải tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng để không tốn chi phí bảo trì nhiều hoặc hàng hóa bị lỗi, kém chất lượng. Đó là cách tôi hướng tới nhằm đổi mới sản xuất theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về tay nghề của DN.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202404/chao-mung-ngay-quoc-te-lao-dong-1-5-khoi-day-suc-sang-tao-niem-say-me-lao-dong-4786ab1/