Chạnh lòng lao động tự do

Cuối năm, vấn đề thưởng tết luôn được nhiều người lao động (NLĐ) chờ đợi vì sẽ có thêm một khoản chi phí để về quê đón Tết cùng gia đình. Song với lao động tự do, thưởng tết là điều gì đó rất… xa xỉ.

Những phần quà tết của các mạnh thường quân là nguồn động viên rất lớn đối với lao động tự do mưu sinh những ngày giáp Tết. Ảnh: NVCC

Những phần quà tết của các mạnh thường quân là nguồn động viên rất lớn đối với lao động tự do mưu sinh những ngày giáp Tết. Ảnh: NVCC

Theo nhiều lao động tự do, mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ đều cảm thấy chạnh lòng…

* Tất bật mưu sinh

Hơn 5 năm làm bốc vác hàng hóa tại chợ Tân Biên (TP.Biên Hòa), anh Lê Thiết Nghĩa (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chưa năm nào biết đến thưởng tết.

Anh Nghĩa cho biết, dịp cuối năm, hàng hóa ở chợ đầu mối về nhiều, anh phải làm việc xuyên đêm để bốc hàng cho các tiểu thương và vận chuyển đến nhiều khu chợ trong tỉnh để bán cho người dân. Công việc vất vả, thu nhập nhận theo ngày nên thời điểm này không làm việc chăm chỉ, gia đình anh khó có thể đón Tết tươm tất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có hơn 33 triệu lao động tự do (lao động phi chính thức). Lao động khu vực phi chính thức hiện giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Làm sao để đưa lực lượng này vào lao động chính thức là vấn đề cần được đặt ra.

Anh Nghĩa trước đây từng làm bảo vệ trong một doanh nghiệp sản xuất sợi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Tuy nhiên, mức lương chỉ có 5 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho con ăn học nên anh nghỉ việc và đi làm thời vụ nhiều nơi. Hiện tại, bốc vác hàng là nghề chính để anh lo cho gia đình.

“Nếu ngày thường thì 2 giờ sáng tôi phải có mặt ở chợ để đợi hàng về tập kết và bốc vác đến cho các tiểu thương. Còn những ngày cận Tết, tôi thức xuyên đêm, thu nhập cũng được 250-300 ngàn đồng/đêm. Công việc này ngày nắng cũng như mưa, tôi phải đi làm đúng giờ, nhưng thu nhập vẫn vậy. Dịp Tết chỉ có vài phần quà của tiểu thương tặng, còn thưởng tết thì không” - anh Nghĩa bộc bạch.

Cách đây 4 năm, anh Lương Văn Căn cùng vợ từ quê tỉnh An Giang đến Đồng Nai làm công nhân ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). 2 năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vợ chồng anh nghỉ hẳn ở công ty và chở con về quê tránh dịch. Khi dịch bệnh lắng xuống, anh trở lại Đồng Nai và chọn nghề chạy xe công nghệ mưu sinh, còn vợ anh làm công nhân sản xuất gỗ. Hiện anh là lao động chính của gia đình, vì vợ anh cũng vừa hết hạn hợp đồng làm việc tại công ty và đang thất nghiệp. Trong khi đó, 2 con của anh gửi ở quê cho ông bà chăm sóc, mỗi tháng anh gửi chi phí về lo cho các con.

Theo anh Căn, khi còn làm ở công ty, cuối năm 2 vợ chồng có thêm thưởng tết hơn 10 triệu đồng để trang trải. Nay ra làm tự do, không có tiền thưởng nên anh tăng giờ chở khách những tháng cận Tết. Nếu giờ nào trống khách đặt xe, anh nhận thêm việc giao hàng. Tháng 12-2023, thu nhập của anh tăng thêm 1,2 triệu đồng/tháng.

“Mỗi dịp Tết đến, như bao lao động xa quê khác, vợ chồng tôi mong muốn có tiền thưởng để sắm sửa. Nhưng là lao động tự do, vợ chồng tôi đành chấp nhận” - anh Căn ngậm ngùi nói.

* Mong có sức khỏe, công việc thuận lợi

Đó là chia sẻ của nhiều lao động tự do thời điểm này.

Anh Kiều Văn Tình (ngụ tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) làm nghề nhặt ve chai gần 9 năm nay tại bãi rác tập kết ở khu vực bên hông Siêu thị Mega Market Biên Hòa. Những ngày qua, nhiều công ty trên địa bàn tỉnh thông báo thưởng tết khiến những lao động như anh không khỏi chạnh lòng.

Theo anh Tình, làm công nhân tuy vất vả nhưng được đóng bảo hiểm xã hội, có các chế độ và cuối năm được khoản thưởng kha khá cũng gọi là an ủi. Còn lao động tự do như anh chỉ biết làm hết công suất mới mong đủ thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Với lao động mưu sinh bằng nghề giao hàng, thưởng tết là điêùrất xa xỉ

Với lao động mưu sinh bằng nghề giao hàng, thưởng tết là điêùrất xa xỉ

Anh Tình cho biết thêm, lao động tự do như anh lớn tuổi, tay nghề không có nên xin vào doanh nghiệp rất khó. Một số lao động ở cùng dãy trọ với anh bị nghỉ việc do công ty không có đơn hàng nên cũng theo anh đi mưu sinh bằng nghề lượm ve chai vào buổi tối. Mỗi tối như vậy, anh kiếm được
150-170 ngàn đồng. Để có mức thu nhập trên, anh phải kiên trì với công việc và không được bỏ cuộc. Hơn 1 tuần qua, nhiều mạnh thường quân đến trao quà tết cho những lao động tự do đã phần nào an ủi, động viên anh khi Tết đang cận kề.

Nhiều lao động tự do khác cho biết, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ lại tất bật với công việc mưu sinh, thậm chí có người phải làm xuyên Tết để có thêm thu nhập mà lo cho gia đình.

Chị Mai Thu Uyên (quê H.Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ngoài làm tạp vụ cho một trường học tại TP.Biên Hòa, những ngày giáp Tết, chị nhận thêm việc dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình. Mỗi buổi dọn nhà, chị kiếm thêm 200 ngàn đồng.

Thực tế hiện nay, lao động tự do phần lớn có thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định. Họ chủ yếu làm thuê theo dịch vụ của tư nhân, phục vụ các nhà hàng, bán hàng, xe ôm, giúp việc, buôn bán nhỏ... Những đối tượng này do không có ràng buộc về hợp đồng lao động nên thường chịu thiệt thòi. Ngoài ra, môi trường sống phức tạp, điều kiện về kinh tế còn khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định. Mặt khác, họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm và các vấn đề về an sinh xã hội…

Những năm qua, các cấp chính quyền Đồng Nai đã có nhiều hỗ trợ cho lực lượng lao động này để giúp họ ổn định cuộc sống, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cụ thể như vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ hoặc giữ ổn định giá thuê trọ cho người lao động. Tuy nhiên, do lực lượng lao động tự do đến làm việc tại Đồng Nai đông nên các chính sách vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu và độ bao chưa phủ rộng. Ngoài ra, nhiều lao động do công việc, nơi tạm trú không cố định nên gây nhiều khó khăn trong việc quản lý cũng như thực hiện các chính sách an sinh.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/chanh-long-lao-dong-tu-do-f11592b/