Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Mong muốn nâng tầm nền tư pháp nước nhà

Giải thích nhiều nội dung tại dự thảo luật, Chánh án TAND Tối cao nói mong muốn của cơ quan soạn thảo là nâng tầm nền tư pháp nước nhà ngang với trình độ quốc tế.

Chiều 9-11, theo nghị trình, Quốc hội (QH) nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, các đại biểu còn ý kiến khác nhau về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử và điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.

Ý kiến trái chiều việc đổi tên tòa án

Khoản 1 Điều 4 dự thảo quy định: Tổ chức của TAND bao gồm TAND Tối cao, TAND Cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt, tòa án quân sự. Như vậy, một trong những điểm mới đáng chú ý là TAND cấp huyện được đổi tên thành TAND sơ thẩm, còn TAND cấp tỉnh được đổi tên thành TAND phúc thẩm.

 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ vào chiều 9-11. Ảnh: PT

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ vào chiều 9-11. Ảnh: PT

Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp không tán thành với dự thảo luật. Lý do bởi việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung.

“Các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói và cho rằng điều này chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.

Cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương như cơ quan điều tra, VKS. Việc thay đổi này cũng dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Chưa kể, việc này cũng làm phát sinh chi phí như phải sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ…

“Đề nghị giữ nguyên tên gọi của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh như quy định của luật hiện hành” - bà Nga nêu lại ý kiến của đa số thành viên thuộc cơ quan thẩm tra.

Thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến lo ngại việc đổi tên như dự thảo “chưa chắc đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân”. Nêu nhiều quan điểm tương đồng với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Tư pháp, bà Luyến nói thêm: “Người dân đang quen với tên gọi hiện hành của TAND cấp huyện/cấp tỉnh, tên gọi này đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân”.

Trong khi đó, tại tổ Đoàn ĐBQH TP.HCM, ĐB Dương Văn Thăng cho biết ông tán thành với việc đổi tên nói trên. Theo phó chánh án TAND Tối cao, quy định như vậy sẽ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.

Trước ý kiến nói quy định trên “chỉ mang hình thức”, ông Thăng cho rằng tòa án hoạt động theo thẩm quyền tố tụng nên việc tổ chức tòa án theo cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm không chỉ đơn thuần là đổi tên mà chính là thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 27 của Trung ương là “tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử”.

Cũng theo ông Thăng, khi đề xuất nội dung này, TAND Tối cao cũng đánh giá sẽ dẫn đến phải sửa con dấu, biển hiệu của các tòa án. Tuy nhiên, lợi ích to lớn và lâu dài mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí thực hiện việc chuyển đổi con dấu.

“Không cần quan ngại chuyện vì sao phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm”

“Chúng tôi tuân thủ Nghị quyết 27 của Đảng là tổ chức tòa án theo cấp xét xử. Hiến pháp quy định chúng ta có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, trường hợp đặc biệt có giám đốc thẩm, tái thẩm” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tại tổ ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Theo ông, đây không phải câu chuyện mới vì điều này đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1946.

“Tổ chức theo thẩm quyền xét xử phản ánh đúng bản chất tố tụng, phù hợp với thẩm quyền, đảm bảo tính độc lập và phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế” - ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao nói quy định như hiện hành có thể bị ngộ nhận là tòa án tỉnh chỉ đạo tòa án huyện về mặt hành chính, như vậy không đảm bảo tính độc lập.

“Có ý kiến cho rằng đổi như thế ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhưng chúng tôi thấy không có gì ảnh hưởng cả. Đảng vẫn giám sát, các cơ quan khác vẫn phối hợp chặt chẽ, không thay đổi gì cả. Các đạo luật khác cũng không có gì phải sửa đổi, vì điều khoản thi hành chúng tôi đã quy định từ nay trở đi, tòa án huyện được hiểu là tòa án sơ thẩm, tòa án tỉnh được hiểu là tòa án phúc thẩm” - ông Bình nói thêm.

Chánh án TAND Tối cao cũng giải thích “vì sao phúc thẩm cũng vẫn xử các vụ sơ thẩm”. Theo ông, việc này căn cứ vào nhiệm vụ chủ yếu là huyện xử sơ thẩm, tỉnh chủ yếu xử phúc thẩm, trong một số trường hợp luật giao thì tỉnh xử sơ thẩm.

“Ở các nước, tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm chứ không chỉ xử giám đốc thẩm. Ta thấy lâu lâu nước nọ, nước kia bắt thủ tướng, tổng thống, nghị sĩ quốc hội, bộ trưởng… Với những chủ thể đặc biệt như vậy, người ta giao cho tòa án tối cao xử” - ông Bình cho hay và khẳng định “không cần quan ngại câu chuyện vì sao phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm”.

Tuy nhiên, Chánh án TAND Tối cao nói trong tương lai, khi năng lực của tòa án huyện tốt lên, giỏi lên, trình độ cao thì sẽ giao cho tòa này xử các vụ án có mức án trên 15 năm tù, chung thân, tử hình.

“Đó là đích hướng đến trong tương lai, chúng ta không hài lòng với năng lực tòa án cấp sơ thẩm chỉ xét xử vụ án có mức án dưới 15 năm như quy định hiện hành” - ông Bình nói.

Ông cũng nhắc tới thực tế một số nước như Brazil, tòa án cấp quận bác bỏ quyết định bổ nhiệm phó tổng thống. Hay ở Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donal Trump ra sắc lệnh buộc mọi người phải đi tiêm vaccine, một thẩm phán khu vực đã bác sắc lệnh này, cho rằng điều đó vi phạm hiến pháp, vi phạm quyền con người.

Sửa luật để đổi mới nền tư pháp

Tôi cũng là tác giả dự thảo luật này. Quá trình chuẩn bị đã nhiều năm rồi. QH cho phép sửa Luật Tổ chức TAND từ cuối nhiệm kỳ trước vì vướng nhiều quá nhưng thời điểm đó chúng tôi thấy chưa chín.

Luật này tham khảo kinh nghiệm quốc tế rất nhiều, tổng kết thực tiễn để tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn.

Mong muốn của chúng tôi là nâng tầm nền tư pháp nước nhà ngang tầm với trình độ quốc tế. Không có thì chúng ta cứ bó tay nhau, bên trong muốn đổi mới nhưng bên ngoài kiềm chế không cho đổi mới, tôi cho rằng điều đó không nên.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-mong-muon-nang-tam-nen-tu-phap-nuoc-nha-post760795.html