Chàng trai Việt nhận học bổng từ 21 trường đại học trên thế giới, tốt nghiệp GPA 4.0 sau 3 năm

Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002, quê Quảng Ngãi) đã sang Mỹ du học theo học bổng toàn phần sau khi học hết lớp 10 tại quê nhà. Hoàn thành xong chương trình phổ thông tại Học viện CATS Boston, Hải được học bổng và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học trên thế giới. Cậu đã chọn học Trường Đối ngoại của Đại học Georgetown và tốt nghiệp hạng xuất sắc chỉ sau 3 năm với điểm chuyên ngành tuyệt đối (4.0/4.0).

Trở thành tân cử nhân trẻ tuổi nhất của trường khi mới 21 tuổi, Đông Hải là một trong số ít sinh viên được đeo dải dây với hai màu xanh trắng. Đây là vinh dự dành cho những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và chỉ được trao cho top 1-5% sinh viên của trường.

Sinh năm 2002 tại Quảng Ngãi, Hải gắn bó với mảnh đất miền trung này đến hết năm lớp 10. Sau đó, anh chàng lên đường sang Mỹ du học theo học bổng toàn phần. Hoàn thành xong chương trình phổ thông tại Học viện CATS Boston, Hải tiếp tục nhận được học bổng và thư trúng tuyển từ 21 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Singapore.

Sau nhiều suy nghĩ đắn đo, chàng trai Quảng Ngãi lựa chọn chuyên ngành Kinh tế Quốc tế tại Trường Đối ngoại của Đại học Georgetown.

Theo chia sẻ của Hải, Georgetown là trường top 12 tại Mỹ (theo bảng xếp hạng 2024 của WSJ/THE) với thế mạnh về đào tạo các vấn đề quốc tế. Với danh sách cựu sinh viên gồm 2 tổng thống Mỹ và 14 nguyên thủ quốc gia, trường được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng chuyên ngành của US News (#3), Niche (#1) và Foreign Policy (#1).

“Các thầy cô tại trường không chỉ là những học giả đầu ngành mà nhiều người còn có kinh nghiệm làm việc và lãnh đạo thực tế qua nhiều năm,” Đông Hải cho biết.

 Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002, quê Quảng Ngãi) là tân sinh viên trẻ tuổi nhất của Đại học Georgetown.

Nguyễn Lê Đông Hải (sinh năm 2002, quê Quảng Ngãi) là tân sinh viên trẻ tuổi nhất của Đại học Georgetown.

Trong những năm học tại đây, Hải được giảng dạy bởi các giáo sư từng làm Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, Phó chủ tịch tập đoàn Apple hay quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nhắc về một kỉ niệm đáng nhớ, Hải kể: “Mình vẫn còn nhớ kỷ niệm được thầy dạy lớp quan hệ quốc tế dành cho một suất tham dự buổi họp báo công bố chiến lược an ninh quốc gia (NSS) đầu tiên của chính quyền tổng thống Joe Biden.”

Được tận mắt chứng kiến những biến động của chính trị - kinh tế thế giới khiến những buổi thảo luận bài và công việc nghiên cứu của Đông Hải trở nên sinh động và hiện thực hóa hơn rất nhiều.

Ngoài ra, nhờ vị trí “đắc địa” của trường tại thủ đô Washington, Hải có cơ hội gặp gỡ nhiều học giả và lãnh đạo không chỉ của Mỹ mà còn của các nước.

“Tháng 9 vừa qua, mình rất vinh dự khi có cơ hội được tham gia buổi tọa đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm và làm việc tại Đại học Georgetown của phái đoàn Việt Nam”, Hải hào hứng chia sẻ.

Trở thành du học sinh khi mới 15 tuổi, Đông Hải thú nhận bản thân phải đối mặt không ít khó khăn khi “một thân một mình” thích nghi với đất nước cách quê nhà hơn một ngày bay này.

Vốn quen với thời tiết nắng nóng của miền Trung, Hải bị “sốc nhiệt” khi Boston bước vào mùa đông âm độ. Những ngày đầu, anh chàng bị ốm, nằm một mình tại phòng y tế trường, nhiều lúc Hải hoài nghi về quyết định du học của mình. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các bạn từ nhiều nước khác cũng đang nỗ lực thích nghi, chàng trai Quảng Ngãi có thêm động lực, quyết tâm không cho phép bản thân bỏ cuộc.

Để nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới, Đông Hải lựa chọn hòa đồng và xây dựng các mối quan hệ với văn hóa tại Mỹ, đây cũng là cơ hội để anh chàng mở rộng kiến thức và phát triển bản thân.

“Theo mình, networking không chỉ xoay quanh việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp tạo nên một “môi trường tương hỗ lẫn nhau. Mình luôn tạo dựng các mối quan hệ “tự nhiên và chân thành, dựa trên sự tôn trọng và tin cậy để cùng nhau phát triển.””, Hải nói.

Đông Hải lựa chọn hòa đồng và xây dựng các mối quan hệ với văn hóa tại Mỹ khi sang đây du học.

Đông Hải lựa chọn hòa đồng và xây dựng các mối quan hệ với văn hóa tại Mỹ khi sang đây du học.

Với tâm thế này, ngoài bận rộn học tập, làm việc Hải vẫn dành thời gian để giao lưu với bạn bè, tham gia các sự kiện xã hội và hội nhóm. Đông Hải giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều CLB và tổ chức học thuật tại Đại học Georgetown như làm Đại sứ sinh viên, Phó chủ tịch CLB tư vấn chiến lược hay tham gia hội đồng liêm chính học thuật.

Đồng thời, Hải vẫn gắn bó với tổ chức phi lợi nhuận Global Association of Economics Education (GAEE) về giáo dục kinh tế do cậu đồng sáng lập từ năm 2017. Dưới sự dẫn dắt của Hải, GAEE đã mở rộng sang 10 quốc gia và được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc, Hiệp hội Kinh tế Thế giới (WEA) và Hiệp hội Kinh tế Mỹ (AEA). Gần đây, anh chàng cũng được Cao Ủy Châu Âu mời tham gia Mạng lưới chuyên gia về giáo dục kinh tế (EENEE) trên vai trò lãnh đạo GAEE.

Đặc biệt, trong thời gian học tại Mỹ, Hải cũng gia nhập nhiều hội học thuật danh giá, trong đó có Phi Beta Kappa - hội học thuật lâu đời nhất nước Mỹ với các thành viên bao gồm 17 tổng thống Mỹ và 136 nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Sau nhiều sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng trai Quảng Ngãi đã tốt nghiệp hạng xuất sắc (summa cum laude) tại Đại học Georgetown chỉ sau 3 năm với điểm chuyên ngành tuyệt đối (4.0/4.0). Hải hiện tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học đối ngoại (MSFS) tại ngôi trường danh giá này và dự kiến sẽ hoàn thành sớm trước 1 năm nhờ được nhận vào học bậc thạc sĩ trước cả khi tốt nghiệp đại học.

Đông Hải chia sẻ: “Mình học vượt ở cả bậc đại học và bậc thạc sĩ nên sẽ hoàn thành cả hai văn bằng này chỉ trong 4 năm thay vì 6-7 năm như các sinh viên khác”.

Theo học thạc sĩ tại trường, Hải cho biết khoảng cách tuổi tác càng rõ rệt hơn trong lớp khi chương trình MSFS yêu cầu kinh nghiệm làm việc nhiều năm. Là người trẻ tuổi nhất trong lớp, Đông Hải rất trân trọng cơ hội được học hỏi từ các bạn học với kinh nghiệm sống và làm việc dày dặn hơn mình.

Tuy nhiên, nam sinh cũng khá tự tin và vui vẻ khi các bạn học lớp thạc sĩ xem mình là “đồng đẳng” (peer) và đánh giá cao khả năng tham gia nghiên cứu cũng như những ý tưởng sáng tạo đổi mới của nam sinh trong lớp học.

Hải hiện tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học Đối ngoại (MSFS) tại Đại học Georgetown và dự kiến sẽ hoàn thành sớm trước 1 năm.

Hải hiện tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Khoa học Đối ngoại (MSFS) tại Đại học Georgetown và dự kiến sẽ hoàn thành sớm trước 1 năm.

Để duy trì thành tích học tập xuất sắc, Đông Hải khẳng định bản thân không đặt nặng vấn đề điểm số. Hải bộc bạch: “Điểm số chỉ là một thước đo không hoàn hảo về khả năng tiếp nhận bài vở của sinh viên; cái quan trọng hơn là mình có thực sự thu nạp và ứng dụng những kiến thức này được không.”

Ngoài ra, anh chàng sẽ chủ động trao đổi những vấn đề liên quan đến chuyên ngành với các giáo sư để tăng thêm sự hiểu biết bên ngoài bài giảng trên lớp.

Đông Hải tận dụng khoảng thời gian trong kỳ nghỉ hè và nghỉ đông để làm thực tập sinh. Nhờ vậy, nam sinh từng có cơ hội được làm việc và nghiên cứu tại PwC, McKinsey và Viện Brookings (“think tank” xếp hạng #1 tại Mỹ).

Ngoài chương trình học toàn thời gian, Hải còn quyết định nhận công việc thực tập tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Washington trong mảng giải pháp doanh nghiệp toàn cầu.

Hải cũng đang giữ chức Phó Tổng biên tập phụ trách mảng Kinh tế học cho Georgetown Journal of International Affairs, một trong những tạp chí học thuật về quan hệ quốc tế danh giá nhất được xuất bản bởi Đại học Johns Hopkins.

Đông Hải cho rằng: “Những kinh nghiệm làm việc này giúp mình áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đồng thời hình thành kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn - những điều không được dạy ở trường đại học”.

Không chỉ giành được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ cho bản thân, sinh sống và làm việc nơi ‘đất khách quê người’ nhưng chàng trai Quảng Ngãi luôn quan tâm và hướng về quê hương.

Hải luôn dành ra một ít thời gian rảnh mỗi tuần để “mentor” cho một số bạn sinh viên Việt Nam về phát triển bản thân cũng như khám phá các cơ hội nghề nghiệp và nghiên cứu.

Ngoài ra, trên cương vị điều hành GAEE, anh chàng đã triển khai một số dự án tại Việt Nam, tiêu biểu là hội thảo "Giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0" do GAEE phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Cậu cũng từng tham gia giúp tổ chức hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Đà Nẵng trên vai trò chủ tọa trong hai năm liền.

Hải luôn dành ra một ít thời gian rảnh mỗi tuần để “mentor” cho một số bạn sinh viên Việt Nam

Hải luôn dành ra một ít thời gian rảnh mỗi tuần để “mentor” cho một số bạn sinh viên Việt Nam

Nhắn nhủ đến các bạn trẻ, Đông Hải nhấn mạnh đừng quá so sánh bản thân với người khác, bởi mỗi người sẽ có một hành trình riêng với những nhịp độ khác nhau. Điều quan trọng là bản thân mỗi người cần có cố gắng và hướng đến một giá trị hay mục tiêu nào đó ‘cao’ hơn bản thân.

Đồng thời, các bạn trẻ nên dành chút thời gian để chăm sóc và thấu hiểu bản thân. “Hành trình trước mắt của chúng mình là một cuộc ‘marathon’ chứ không phải là chạy nước rút, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm bền bĩ, lâu dài”, Hải nói.

Ngoài thời gian học tập, nghiên cứu và làm việc, thời gian rảnh rỗi, Đông Hải có sở thích nấu ăn, chơi đàn, đọc tiểu thuyết sci-fi và viết truyện. Nam sinh bật mí, bản thân cũng là ‘fan’ của các vở nhạc kịch Broadway như Hamilton và Moulin Rouge. Lần gặp gỡ và ‘selfie’ với dàn nghệ sĩ vào tháng trước là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của anh chàng Quảng Ngãi.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Nga

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chang-trai-viet-nhan-hoc-bong-tu-21-truong-dai-hoc-tren-the-gioi-tot-nghiep-gpa-40-sau-3-nam-post1576989.tpo